Báo Công An Đà Nẵng

Bản lĩnh cựu Tổng biên tập Washington Post

Thứ bảy, 25/10/2014 11:19

(Cadn.com.vn) - Ben Bradlee, cựu Tổng biên tập tờ Washington Post (WP), người lãnh đạo tờ báo qua các vụ việc đình đám "Pentagon Papers" và Watergate  qua đời ở tuổi 93 hôm 23-10. Ngành báo chí truyền thông Mỹ đã mất đi một cây đại thụ khổng lồ.

Khởi đầu với nghiệp báo chí

Ông Bradlee sinh ngày 26-8-1921, tại Boston, Massachusetts trong gia đình không giàu có nhưng danh giá, gồm các luật sư nổi tiếng của New York, các đại sứ và các nghệ sĩ.

Sau chiến tranh, Bradlee bắt đầu thành lập tờ New Hampshire Sunday News, tờ báo nhỏ ở Manchester, nhưng giải thể 2 năm sau đó. Ông làm phóng viên cho tờ WP vào năm 1948 nhưng rời khỏi báo 3 năm sau đó để trở thành trợ lý tùy viên báo chí tại Đại sứ quán Mỹ ở Paris.

Ông trở lại nghề báo vào năm 1954 với vị trí phóng viên khu vực Châu Âu cho tạp chí Newsweek và trở về Washington vào năm 1957, trở thành trưởng văn phòng sau khi tờ WP mua lại tạp chí này vào năm 1961.

Trong thời gian này, Bradlee có tình bạn thân thiết với John F. Kennedy, người sau này trở thành Tổng thống Mỹ. Bradlee sau đó đã viết hai cuốn sách về người bạn này, cuốn đầu tiên xuất bản vào năm 1964, ngay sau khi Kennedy bị ám sát.

Ông trở thành tổng biên tập của tờ WP giai đoạn 1968-1991, thời kỳ sụp đổ của Tổng thống Richard Nixon trong vụ bê bối Watergate. Năm 1971, tờ WP và New York Times (NYT) quyết định công bố các tài liệu mật của Lầu Năm Góc có tên "Pentagon Papers', trong đó có chứa các thông tin bị giấu nhẹm trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Ông Bradlee, nhà xuất bản Katharine Graham và tờ WP chiến đấu phản đối chính quyền tổng thống Richard Nixon. Chính quyền Nixon khi đó đưa vấn đề này lên tòa án nhằm dập tắt sự lan tỏa của câu chuyện, nhưng Tòa án Tối cao Mỹ tôn trọng quyền xuất bản tài liệu của các tờ báo.

Một năm sau, hai phóng viên của Washington Post là Woodward và Bernstein làm sáng tỏ vụ Watergate, vụ việc khiến Tổng thống Nixon phải từ chức vào ngày 9-8-1974. Bản lĩnh của ông được các nhà làm phim khắc họa thành công trong bộ phim điện ảnh "All the President's Men" (tạm dịch Đoàn tùy tùng của tổng thống). Diễn viên Jason Robards, người thủ vai Bradlee, giành giải Oscar cho vai diễn này.

Hồi tháng 11, ông Bradlee được nhận Huân chương Tự do của Tổng thống Barack Obama - vinh dự cao nhất được trao cho dân thường.

Ông Ben Bradlee được Tổng thống Obama trao Huân chương Tự do vào năm 2013. Ảnh: AP

    

Một vấn đề, hai câu chuyện

Năm 1963, Phil Graham, người xuất bản WP tự tử và vợ ông, Katharine, trở thành chủ sở hữu tờ báo. Năm 1965, Bradlee trở thành chủ bút, và 3 năm sau đó, trở thành tổng biên tập. Thời kỳ hỗn loạn nhất và anh hùng nhất của tờ báo bắt đầu.

Tài liệu "Pentagon Papers" chứa đựng thông tin về lịch sử chiến tranh Việt Nam do Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara dưới thời Tổng thống Lyndon Johnson soạn thảo. Sau khi bị Daniel Ellsberg, một nhân viên của Lầu Năm Góc tuồn cho tờ NYT, chính quyền Nixon ban hành lệnh cấm xuất bản tạm thời đối với tờ báo. Tờ WP cùng với tờ NYT bị đe dọa giải thể. Tuy nhiên, họ được chứng minh mình đúng khi Tòa án Tối cao phán quyết dỡ bỏ lệnh cấm xuất bản đối với tờ báo.

Sau đó, là vụ bê bối chính trị Watergate. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc phanh phui khi khuyến khích 2 nhà báo Bob Woodward và Carl Bernstein theo đuổi vụ các nhân vật thân cận của Tổng thống Nixon tham gia vào các hoạt động nghe lén bất hợp pháp nhằm vào đảng Dân chủ. Vụ tai tiếng này "hạ bệ" Nixon -  tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ phải từ chức vì bê bối.

Woodward được hỗ trợ bởi nguồn tin bên trong chính phủ có biệt danh "Deep Throat". Chỉ Bradlee, Woodward và Bernstein biết danh tính của người này, và đó vẫn là bí mật trong hơn 30 năm. Chỉ sau khi Mark Felt, phó giám đốc của FBI dưới thời Nixon, trong bài báo trên tạp chí Vanity Fair năm 2005 xác nhận, ông chính là "Deep Throat".

Bài viết giúp WP đoạt giải Pulitzer với hạng mục Dịch vụ công chúng- lần đầu tiên tờ báo ở Washington giành được giải thưởng uy tín nhất của Ủy ban Pulitzer. Vụ bê bối Watergate tạo cảm hứng cho cả thế hệ sinh viên báo chí, những người muốn viết được những câu chuyện điều tra lớn như Watergate.

Tuy nhiên, khi đang ở thời kỳ đỉnh cao, WP lại gặp rắc rối do mất cảnh giác. Một phóng viên tên là Janet Cooke viết câu chuyện "Thế giới của Jimmy" nói về người nghiện ma túy 8 tuổi. Bài viết đoạt giải Pulitzer năm 1981, nhưng cũng đặt ra câu hỏi lớn. Phóng viên này nhanh chóng thừa nhận, cô chưa bao giờ phỏng vấn Jimmy và câu chuyện là do cô bịa đặt.

An Bình
(Theo CNN)