Báo Công An Đà Nẵng

Bạn ơi, ở đừng về...

Thứ hai, 24/03/2014 11:07

(Cadn.com.vn) - Như chúng tôi đã phản ánh ở số báo trước, do khan hiếm lao động, nhiều chủ phương tiện đánh bắt cá ở miền Trung phải tìm đủ cách giữ “bạn” như cho ứng, mượn tiền không lãi với mức từ 5 đến 60 triệu đồng/lao động và trừ dần vào tiền công. Thậm chí, nhiều chủ tàu do không may đánh bắt kém hiệu quả, đã phải sử dụng “chiêu” gửi số hải sản đánh bắt được cho tàu khác vô bán giùm, còn phương tiện vẫn neo ở ngoài khơi để lao động khỏi bỏ trốn sang đi tàu khác.

Cho vay tiền tỷ không lãi suất…

Việc tìm “bạn” đã khó, nhưng để giữ ngư dân khỏi bỏ đi lại càng không dễ, vì vậy cách giữ chân ngư dân tiếp tục đi “bạn” cho mình phổ biến nhất hiện nay đang được các chủ tàu áp dụng là cho mượn, ứng trước tiền công. Theo đó, bất cứ khi nào “bạn” lên tiếng hỏi mượn, chủ tàu đều gật đầu cái “rụp”. Vì vậy, “không ít lúc kẹt tiền, chủ tàu phải mang nữ trang của vợ, con cầm cố, bán để đưa cho bạn mượn là bình thường. Nếu không thì chủ tàu khác cũng sẽ cho “bạn” mượn để kéo họ về đi cho tàu của mình”, anh Bình, một chủ tàu ở thôn Thạnh Đức (xã Phổ Thạnh-Đức Phổ, Quảng Ngãi) cho biết.

 Có thể khẳng định, 100% chủ tàu ở Phổ Thạnh (H. Đức Phổ, Quảng Ngãi) đều cho bạn ứng, mượn tiền công trước. Nhẩm tính, chỉ riêng với số tàu thuyền đánh bắt xa bờ của Phổ Thạnh lên đến gần 650 chiếc/6.500 lao động và mức tiền cho mượn từ 5 đến 20 triệu đồng/người, thì số tiền chủ tàu đã cho “bạn” ứng, mượn phải tính bằng con số chục tỷ đồng. Và dĩ nhiên, việc cho “bạn” ứng, mượn tiền là không tính lãi, còn thời gian trả thì thường là trừ một phần vào tiền công sau mỗi chuyến đi đến khi nào hết thì thôi.

Tùy trường hợp cụ thể và “uy tín” của lao động mà mức tiền chủ tàu cho mượn khác nhau. Theo đó mức cho ứng, mượn cao nhất là từ 40 đến 60 triệu đồng/người, nhưng phổ biến là từ 5 đến 20 triệu đồng/người. Việc ngư dân mượn tiền chủ nhiều nhất là vào thời điểm trước và sau Tết cổ truyền, khi chuẩn bị bắt đầu cho phiên biển năm mới, với tỉ lệ người hỏi mượn ước lên đến 80%. Thế mới có chuyện, nhiều chủ tàu trong tủ còn cả trăm triệu đồng, nhưng không dám mua sắm vì sợ “bạn” đến hỏi bất ngờ mà không có để đưa.

Theo các chủ tàu, lý do mượn chủ yếu đối với số có gia đình là đưa trước cho vợ lo cho con cái trong những ngày sắp đến. Còn số thanh niên chủ yếu là thiếu tiền tiêu xài, nhậu nhẹt. Tiền thì chủ sẵn sàng cho mượn bất cứ lúc nào, cộng với cách kiểu “ăn chơi không sợ mưa rơi”, vì vậy mỗi khi được về nhà nghỉ ngơi sau mỗi chuyến đi biển dài ngày, nhiều thanh niên “đi bạn” được ví là “Việt kiều” về quê...

Vợ một chủ tàu cá, với cuốn sổ liệt kê việc đã cho lao động ứng, mượn tiền.
Chỉ cần viết “biên nhận" vào sổ nợ của chủ tàu,
lao động được mượn 30-40 triệu đồng.

Neo tàu ngoài khơi

Với những tàu làm ăn hiệu quả, hoặc ít ra cũng không bị lỗ vốn trong những chuyến ra khơi thì còn đỡ. Riêng những tàu vì lý do nào đó mà vài phiên liên tiếp chẳng may đánh bắt kém hiệu quả, thì dù trước đó có cho "bạn” mượn tiền cả mấy chục triệu đồng cũng khó mà giữ chân được họ. Và theo ước tính, 70 đến 80% số chủ tàu ở Phổ Thạnh đều đã gặp trường hợp này.

Chẳng nói đâu xa, chủ tàu Huỳnh Tân, kể: Vào gần cuối vụ đánh bắt năm vừa rồi, do không gặp luồng lại bị ảnh hưởng của thời tiết phải về bến sớm nên bị lỗ tổn phí gần 100 triệu đồng/chuyến. Theo đó 1/3 số bạn đã bỏ sang tàu khác để đi. Sau gần cả tháng trời neo tàu tại bến để tìm kiếm, mới đủ người. Thật may mắn là 3 chuyến cuối lợi nhuận cũng khá nên phiên ra khơi đầu năm nay không phải đi tìm người. Vì thế mới có chuyện không phải chủ tàu nào rơi vào trường hợp trên cũng đủ dũng cảm đưa phương tiện vào bờ để bán hải sản, mua nhiên liệu và lương thực... để tiếp tục ra khơi.

Bởi lẽ nguy cơ “bạn” sẽ bỏ trốn tìm đến đi cho tàu khác là rất lớn. Và giải pháp được chọn, với những người có 2 phương tiện trở lên thì dồn số hải sản đã đánh bắt được sang 1 chiếc để chở vào bán, rồi mua nhiên liệu, thức ăn... chở ra. Còn không thì gửi cho tàu quen chở vào bán giúp. Cách làm này là tiếp tục neo phương tiện ngoài khơi xa, giữ cho lao động không có cơ hội bỏ đi.

Nhiều chủ tàu thừa nhận: Dù biết cách này không mấy hay ho thế nhưng cũng phải làm, nếu không muốn tàu nằm bờ, dẫn đến nợ nần chồng chất vì thiếu “bạn" ra khơi. Cũng chính vì bị giữ ngoài biển nhiều tháng liền như vậy, cho nên việc xảy ra cãi vã, xô xát giữa bạn và chủ tàu cũng không phải là hiếm.

Không ít trường hợp, khi thấy tàu đánh cá khác đang trên đường trở về bến đi ngang qua, ngư dân đã liều mạng nhảy xuống và bơi theo để xin vào bờ. Ngư dân Lê Văn Hồng (27 tuổi), cho biết: Cách đây không lâu, khi đi bạn cho một tàu ở quê vào đánh bắt ở vùng biển phía Nam, sau khi bị “nhốt” ngoài biển hơn 2 tháng trời, nhớ đất liền và người thân nên lợi dụng chủ tàu đang nghỉ, tôi đã bơi bộ gần 3 hải lý sang một tàu khác đang đánh bắt gần đó để xin đưa vào bờ...

Doãn Nguyên Hưng