Bản sắc văn hóa Tày ở vùng cao đất Quảng
(Cadn.com.vn) - Cách thị trấn Thạnh Mỹ, H.Nam Giang (Quảng Nam) chừng 30 phút đi xe máy, có một ngôi làng trù phú, nằm giữa một thung lũng với cánh đồng lúa phì nhiêu, màu mỡ, xung quanh là những cánh rừng xanh bao phủ... Nơi đây, bên dòng suối trong xanh thường vang tiếng đàn tính rộn ràng hòa với tiếng hát sli, hát lượn, lời ca mượt mà ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương tha thiết... Đó là làng Đồng Râm, nằm ẩn khuất sau một rặng núi, cách biệt trong một thung lũng nên ít người nơi xa biết đến. Anh bạn đồng hành cùng tôi cứ trầm trồ: người Tày hầu như chỉ cư trú ở các tỉnh vùng núi Việt Bắc, Tây Bắc, một số ít di cư vào Tây Nguyên, nhưng có một làng ở ngay vùng cao đất Quảng này quả là khá đặc biệt.
Tìm theo tiếng đàn tính rộn ràng, chúng tôi càng bất ngờ và thú vị hơn khi gặp đôi vợ chồng già với phong thái rất yêu đời và lạc quan, chồng đàn, vợ hát say sưa. Thấy có khách lạ, tiếng đàn, tiếng hát tạm ngưng, họ đon đả mời chúng tôi vào nhà và tự giới thiệu, ông là nghệ nhân Lý Kim Xuyến, đã nhiều lần đoạt giải trong các Hội diễn văn hóa nghệ thuật dân tộc ở Quảng Nam và cả Trung ương. Rót rượu mời chúng tôi, ông Xuyến cười vang: "Thật ra cũng có nhiều người khách tìm đến làng chúng tôi, vì họ cũng rất ngạc nhiên, khi có một làng người Tày trên dãy Trường Sơn như thế này". Trường Sơn ở địa phận Quảng Nam, được biết đến là nơi cư trú ngàn đời của đồng bào Cơ Tu, Bơ Noong, Ca Dong, Xơ Đăng... với những lễ hội đâm trâu, cùng tiếng cồng chiêng hùng tráng vang vọng, những điệu múa rộn ràng, uyển chuyển của các sơn nữ như ánh mặt trời đang lên trên triền núi. Vậy mà giữa Trường Sơn lại vang lên tiếng đàn tính, tiếng hát sli, hát lượn mượt mà, tha thiết như một cô gái Tày đi tìm người yêu bên dòng suối ở một làng Tày Việt Bắc thì thật là thú vị. Ông Xuyến xởi lởi kể chuyện: "Làng Đồng Râm có gần 50 hộ người Tày di cư tự do từ Cao Bằng vào đây. Hơn 30 năm trước, có mấy bác tham gia bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ, trong chuyến hành quân dọc Trường Sơn vào Nam đánh giặc đã phát hiện thung lũng Đồng Râm này. Sau giải phóng, trở về quê ở Trùng Khánh, Cao Bằng, họ kể lại chuyện cho bà con nghe về vùng đất yên bình, trù phú này. Lúc ấy mấy anh em ở làng Ta Nay, xã Ngọc Khê, rồi xã Lăng Hiếu, Trùng Khánh rủ nhau, hay là vào trong ấy xem sao, đất nước mình đâu chả là quê hương". Thế là, sau khi tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, gia đình ông Xuyến là một trong những hộ đầu tiên Nam tiến, đến làng Đồng Râm, xứ Quảng. Bây giờ làng người Tày Đồng Râm đã là cư dân chính thức ở Nam Giang, Quảng Nam.
Vợ chồng nghệ nhân người Tày-Lý Kim Xuyến ở làng Đồng Râm, Nam Giang biểu diễn đàn tính, hát dân ca sli, lượn. |
Anh Hoàng Văn Ru-Trưởng thôn Đồng Râm cho biết, người Tày có truyền thống làm ruộng lúa nước, từ lâu đời đã biết thâm canh và áp dụng các biện pháp thủy lợi như đào mương, bắc máng, đắp phai, cọn lấy nước tưới ruộng. Thung lũng Đồng Râm đã không phụ lòng những người Tày di cư từ vùng Việt Bắc xa xôi vào đây, cả làng bây giờ đã khai phá được gần 30 ha ruộng lúa nước, cấy lúa 2 vụ mỗi năm, đủ thóc lúa ăn dư dả quanh năm. Mấy năm gần đây, bà con lại nhận thêm 2.000 ha đất trồng rừng, trồng cao su, chăn nuôi giỏi cũng là truyền thống của người Tày. Cả làng có hơn 200 con trâu, bò, còn lợn, gà, ngan vịt nhà nào cũng không thiếu. Có thể nói, ở Nam Giang, Đồng Râm là một làng đời sống kinh tế khá giả nhất huyện. Sống giữa rừng, nhưng người Tày ở Đồng Râm chỉ chăm lo phát triển sản xuất, không bao giờ có chuyện phá rừng trái phép. Tình hình ANTT ở làng được đánh giá là tốt nhất huyện. Bà con người Tày, người Cơ Tu đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, chưa bao giờ xảy những vụ vi phạm pháp luật, dù là nhỏ ở làng Đồng Râm. Nét đặc biệt nữa ở Đồng Râm là, phát huy truyền thống quê hương cách mạng Việt Bắc, các cháu nhỏ ở làng Đồng Râm rất hiếu học, năm nào làng cũng có các em thi đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng. Trưởng thôn Hoàng Văn Ru khoe, chính anh cũng đã tốt nghiệp Trung cấp nông nghiệp, luôn là chỗ dựa của bà con mỗi khi áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất.
Cũng như nhiều dân tộc khác, người Tày có bản sắc văn hóa rất đậm đà, bản sắc văn hóa ấy vẫn được người Tày ở Đồng Râm duy trì và phát huy. Ông Xuyến bảo, người Tày ăn tết quanh năm, nào là tết nguyên đán, tết thanh minh tháng 3, tết đoan ngọ tháng 5, tết khoăn vài (vía trâu), tết rằm tháng 7, tết trung thu, tết cơm mới, tết đông chí... Lễ hội cũng diễn ra quanh năm, nào là lễ mừng thọ, lễ cấp sắc, lễ hội lồng tồng (xuống đồng), lễ Nàng Hai (nàng trăng)... Và trong các lễ, tết ấy không thể thiếu cây đàn tính, là linh hồn nghệ thuật trong dân ca dân vũ người Tày, là phương tiện giao tiếp mang đậm bản sắc của người Tày, và cả vùng Việt Bắc. Cùng với cây đàn tính là các điệu hát sli, hát lượn, hát then. Hơn 20 năm qua, cây đàn tính đã theo ông Xuyến từ quê hương Trùng Khánh, Cao Bằng vào Đồng Râm, Nam Giang. Là một nghệ nhân của làng, ông Xuyến đã được mời tham gia hầu hết các Hội diễn văn hóa nghệ thuật dân tộc ở Quảng Nam, miền Trung-Tây Nguyên, và đạt nhiều giải cao. Năm 2014, ông Xuyến đoạt Huy chương Bạc tại hội diễn khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Ông chỉ buồn, lớp trẻ bây giờ ít người còn mặn mà với văn hóa nghệ thuật dân tộc. Cả ông Xuyến và anh Ru đều tâm sự: "Người Tày ở Đồng Râm luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, làm ăn kinh tế giỏi, đoàn kết, giữ gìn quê hương luôn bình yên, con cháu chăm lo học hành tiến bộ... Nhưng cũng đang rất cần, chính quyền và ngành chức năng quan tâm hơn nữa, nhất là trong việc tuyên truyền cho người dân hiểu, nhận thức được truyền thống văn hóa quý giá của dân tộc, có ý thức gìn giữ lưu truyền từ đời này qua đời khác, không để mất đi bản sắc dân tộc mình...".
Trước khi chia tay, vợ chồng nghệ nhân Lý Kim Xuyến hát tặng chúng tôi một khúc sli, nội dung bài hát nói lên lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ, một lòng đi theo cách mạng, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. Tiếng đàn tính của nghệ nhân người Tày rộn ràng hòa cùng giọng hát mượt mà của vợ vang xa giữa núi rừng Trường Sơn...
Hồng Thanh