Báo Công An Đà Nẵng

“Bản tường trình” của một tâm hồn

Thứ hai, 18/06/2018 11:31

Nở tàn biên niên ký, một trong 14 bản thảo bước vào vòng chung khảo cuộc thi “Người Việt viết sách” do Công ty CP Văn hóa Sách Sài Gòn (Saigon Books) tổ chức, đã được xuất bản thành sách vào tháng 5-2018. Cuốn sách là “đứa con tinh thần” của nhà văn Lê Vũ Trường Giang, hiện đang công tác tại Tạp chí Sông Hương. Cách đây 8 năm, sau khi giành giải Nhì cuộc thi truyện ngắn trẻ (2009-2010) trên Tạp chí Sông Hương với tác phẩm mang tính sử thi Giọt úa đại ngàn, Lê Vũ Trường Giang (sinh năm 1988) được xem là lớp nhà văn kế cận của Huế sau 10 năm vắng bóng những tài năng văn học. Anh cũng giành được Tặng thưởng truyện ngắn hay năm 2010 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội với truyện ngắn Huyền thoại x.D.

Nhà văn Lê Vũ Trường Giang (Ảnh từ trang facebook cá nhân của nhà văn Lê Vũ Trường Giang). 

Sau khi được khích lệ xứng đáng, những tác phẩm văn học của nhà văn Lê Vũ Trường Giang như truyện ngắn, thơ, ký… đã đều đặn xuất hiện trên các tờ báo và tạp chí văn nghệ có tiếng như: Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Văn nghệ Quân đội…Chính nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi trên con đường văn chương, anh đã vinh dự được kết nạp vào Hội Nhà văn TT-Huế. Đặc biệt, anh đã giành giải B Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ V (2008-2013) cho tập truyện ngắn Ngủ giữa trùng sơn (Nxb Văn học, 2013). Thông thường, rất ít khi các tác giả trẻ tuổi có thể đạt được giải thưởng này vì quy trình lựa chọn trao giải rất khắt khe. Tiến sĩ Trần Huyền Sâm (khoa Ngữ Văn, ĐH Sư phạm – ĐH Huế) nhận xét: “Lê Vũ Trường Giang có tài trong sử dụng chất liệu lịch sử. Truyện của anh hay hơn các tác giả phương Tây ở cùng độ tuổi mà tôi từng đọc. Điều này báo hiệu tầm vóc của một tiểu thuyết lịch sử tương lai, sau tập truyện ngắn này”.

Cách đây không lâu, cuốn bút ký Đi như là ở lại (Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2017) của nhà văn Lê Vũ Trường Giang đã xuất sắc giành được Giải thưởng Sách Chạm - Những cuốn sách chạm đến trái tim lần thứ nhất năm 2018 do Công ty cổ phần truyền thông Trạm Đọc (thuộc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam – VICC) bình chọn. Trong khi tài năng viết truyện ngắn về đề tài lịch sử đã được giới chuyên môn đánh giá cao, anh còn được giành được “chứng nhận” là có tài năng trên cả lĩnh vực bút ký văn học.

Quen biết nhà văn Lê Vũ Trường Giang từ lâu, tôi thường cùng anh tâm sự về chuyện văn chương chữ nghĩa và luôn được anh tặng những “đứa con tinh thần” khi chúng được xuất bản. Mới đây, anh lại báo tin mừng: Bản thảo Nở tàn biên niên ký của anh đã được Saigon Books phối hợp với Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ ấn hành. Cuốn sách gồm 15 bài viết, chia thành 3 phần: “Tôi của nhà - của làng - của nước”; “Cội nguồn thiêng”; “Mảnh mảnh tâm hồn”, được xem là những trang viết tìm về những giá trị Việt. Nói về “đứa con tinh thần” của mình, nhà văn Lê Vũ Trường Giang cho hay đây là những nghiệm suy của bản thân trong suốt bấy nhiêu năm tháng có có không không, đi về giữa cơn miên trường lịch đại và những suy tưởng bể dâu. “Tôi nghiệm ra rằng trạng thái cao nhất của một tồn tại là sự thiêng liêng. Thiêng liêng từ chính trong suy nghĩ của chúng ta, thiêng liêng từ mái ấm gia đình, họ tộc cho đến thiêng liêng nhất là Tổ quốc. Ý niệm thiêng liêng quyết định hành động thiêng liêng. Triệu sự thiêng liêng kết thành sức mạnh ngự trị trong tâm hồn và thể xác chúng ta. Và chắc rằng điều thiêng liêng đi cùng trường cửu. Hãy gìn giữ văn hóa dân tộc theo cách thiêng liêng nhất có thể” - nhà văn Lê Vũ Trường Giang chia sẻ.

Cuốn sách Nở tàn biên niên ký của nhà văn Lê Vũ Trường Giang.

Sau khi đọc Nở tàn biên niên ký, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp các Hội VHNT TT-Huế, Chủ tịch Hội Nhà văn TT-Huế, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương nhận xét đây là những trang tâm cảm của một người viết trẻ trên đường đi tìm lại hồn cốt bản lai diện mục của gia tộc mình, làng quê mình, dân tộc mình; tìm lại trong không gian đối sánh với biến thiên của lịch sử của nhân loại qua bao mưa nắng chiến tranh và hòa bình, tìm lại để tự soi mình trong gió xưa, trong nắng chiều qua, trong sương đêm đỉnh núi, trong lênh loanh trăng ngần; soi từ trang sách đến thiên nhiên cao vọng để mong nhìn thấy tâm mình. Nở tàn biên niên ký chính là bản tường trình của một tâm hồn–đó là nhận định của Tiến sĩ Phan Tuấn Anh (khoa Ngữ Văn, ĐH Khoa học – ĐH Huế). Chất “nông thôn” hiện hữu rõ trong văn của Lê Vũ Trường Giang. Bởi, anh sinh ra ở làng, lớn lên ở làng, sống ở làng và viết cũng ở làng. Chính vì vậy, cách viết của anh hoài cổ, trọng tiền nhân, tính nguyên/tích hợp, tầm chương tích cú, hài hòa với tự nhiên... Ngoài bản mệnh là một nhà văn, do đặc trưng nghề nghiệp, anh còn là người làm báo, người nghiên cứu văn hóa và lịch sử. Do đó, “Lê Vũ Trường Giang đã trình bày với bạn đọc bản tường trình về tâm hồn của anh một cách chi tiết, cặn kẽ, tài hoa qua cuốn sách Nở tàn biên niên ký” - Tiến sĩ Phan Tuấn Anh nhận định.

Theo nhà văn Uông Triều (Tạp chí Văn nghệ Quân đội): “Trong  Nở tàn biên niên ký, Lê Vũ Trường Giang đã vượt qua những cái lẩn quẩn của đời thường mà đa số chúng ta đang mắc phải bằng một khát vọng đi tìm cho mình những chân trời, những khoảng rực rỡ của tri thức, ước mơ. Anh có sự tài hoa, trau chuốt của ngôn từ và thận trọng lấy đó làm bàn đạp phiêu lưu vào vùng thẳm sâu. Mỗi trang viết mở ra không hẳn chỉ là những con chữ tinh luyện, đó là những suy ngẫm, chiêm nghiệm, hồi tưởng về quá khứ và cuộc sống ở hiện tại. Một cuốn sách được phủ bọc một thứ lấp lánh của lòng kiên trì, khát vọng vô biên của tuổi trẻ”.

Nguyễn Văn Toàn