Báo Công An Đà Nẵng

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Đà Nẵng làm việc với Sở Y tế TP

Thứ năm, 05/11/2015 11:14

(Cadn.com.vn) - Tình hình hoạt động hiện nay của Bệnh viện Ung bướu và động cơ gì khiến lãnh đạo Bệnh viện Ung thư (cũ) phải trả lại số tiền hơn 37,2 tỷ đồng cho đơn vị tài trợ; có hay không sự kết nối của cán bộ y tế đối với đội ngũ xe cấp cứu dỏm tại Bệnh viện Đà Nẵng; tình trạng phá thai, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm... là những vấn đề đặt ra tại cuộc làm việc giữa Sở Y tế TP và Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP Đà Nẵng diễn ra ngày 4-11.

* Nhằm tạo điều kiện cho ngành Y tế tiếp tục phát triển và ngày càng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, Sở Y tế thành phố đề nghị HĐND, UBND thành phố quan tâm nâng cấp và đầu tư xây mới một số trạm y tế (TYT) đã xuống cấp và tiếp tục trang bị mới các thiết bị y tế cơ bản cho các TYT theo Bộ tiêu chí mới ban hành năm 2014 của Bộ Y tế.

Đồng thời, có chế độ hỗ trợ đào tạo cho bác sỹ tuyến xã cũng như hỗ trợ cho bác sỹ làm việc tại TTYT H. Hòa Vang vì hiện nay thu hút bác sỹ về đây rất khó khăn. Bổ sung biên chế lao động cho BV Ung bướu (hiện nay mới có 129 biên chế/tổng số 521 lao động). Bên cạnh đó, quan tâm và bố trí kinh phí cho các dự án xử lý nước thải của các đơn vị y tế để hoạt động và bổ sung kinh phí hoạt động 4 tháng cuối năm 2015 cho BV Ung bướu...

Tình trạng phá thai vẫn còn cao

Bs.Ck 2 Nguyễn Út – Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, không chỉ ở Đà Nẵng mà Việt Nam hiện đang được xếp vào hàng nhất, nhì thế giới về tỷ lệ phá thai, kể cả tỷ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên. Qua báo cáo, thống kê của các trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản và DS-KHH cho thấy, tỷ lệ phá thai trên địa bàn thành phố có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Nếu trước đây, cứ một người sinh con thì có một người phá thai thì hiện nay là cứ một người sinh thì có gần 0,4 người phá. Tuy nhiên, đây chỉ là mặt nổi, được nắm ở những trung tâm trực thuộc Sở Y tế thành phố còn con số làm chui, làm lậu tại các cơ sở y tế tư nhân thì không thể nắm được…

Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP), BS Út cho rằng điều đáng mừng của Đà Nẵng là nhiều năm liền thành phố không có vụ ngộ độc hàng loạt (trên 30 người) nào xảy ra và không có trường hợp tử vong. Trong 9 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn thành phố chỉ có 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 9 người mắc, không có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, nguy cơ mất VSATTP cũng có thể xảy ra như những tỉnh, thành khác. Bởi thực tế vấn đề ATTP hiện nay vô cùng phức tạp, đa dạng.

Trong khi đó, cái khó lớn nhất là các ngành chức năng không thể kiểm soát được nguồn gốc nơi sản xuất thực phẩm. Hơn nữa, các ngành chức năng cũng không đủ điều kiện để xét nghiệm hết các mẫu sản phẩm nhập vào Đà Nẵng. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm khi nhập về cũng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nhưng không thể giữ sản phẩm lại để chờ kết quả. Vì vậy, khi có kết quả phát hiện chất cấm trong sản phẩm thì sản phẩm đó cũng đã được tiêu thụ ra thị trường...

Ths.Bs Ngô Thị Kim Yến phát biểu tại buổi làm việc.

BV Ung bướu điều trị cho bệnh nhân 49 tỉnh

Theo BS Nguyễn Út, sau 2 tháng hoạt động, BV Ung bướu đã từng bước đi vào ổn định về bộ máy tổ chức, tiếp tục duy trì hoạt động khám chữa bệnh ngày càng có hiệu quả. Các chỉ tiêu khám chữa bệnh đều tăng cao so với các tháng trước. Trong tháng 9, tổng số bệnh nhân điều trị nội trú tại BV là 1.626 bệnh nhân, công suất giường bệnh đạt 121,7%. Không chỉ điều trị cho bệnh nhân Đà Nẵng, Quảng Nam, trong 2 tháng qua, BV Ung bướu đã điều trị cho bệnh nhân đến từ 49 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó xa nhất là Yên Bái, Vĩnh Phúc, Tiền Giang…

Bên cạnh đó, BV cũng đã duy trì hỗ trợ cho tất cả bệnh nhân 3 bữa ăn/ngày, bố trí chỗ ở miễn phí cho người nhà bệnh nhân ở xa. Cụ thể, trong tháng 9 và 10-2015, BV đã miễn phí gần 87.000 suất ăn cho bệnh nhân, miễn phí lưu trú cho gần 200 người nhà bệnh nhân và số tiền miễn phí cho bệnh nhân nghèo hơn 320 triệu đồng. Ngoài ra, BV cũng đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ và BCĐ hiến máu tình nguyện huy động được gần 600 đơn vị máu…Tuy nhiên, hiện nay số lượng gạo của bếp ăn từ thiện chỉ còn dùng được khoảng 5 tháng nữa. Vì vậy, nếu không có sự hỗ trợ, đóng góp của xã hội, các nhà hảo tâm thì bếp ăn từ thiện của BV sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Liên quan đến câu hỏi: Động cơ gì khiến Giám đốc BV Ung thư (cũ) trả lại số tiền hơn 37,2 tỷ đồng cho đơn vị tài trợ, BS Út nói: “Việc ai đúng, ai sai và động cơ như thế nào thì chỉ có những người trong cuộc mới có thể trả lời chính xác được. Tôi cũng chỉ nghe sơ qua, không nắm rõ nên cũng không thể trả lời chính xác được. Mới đây, tôi có nghe chị Lan (bà Nguyễn Thị Vân Lan–Phó Chủ tịch Hội BTPN&TENBH TP Đà Nẵng) nói, họ (Ngân hàng Cổ phần Bưu điện Liên Việt) sẽ cho lại Bệnh viện Ung bướu 3 tỷ đồng để làm từ thiện”...

Về câu hỏi có hay không việc cán bộ y tế móc nối với hoạt động cấp cứu dỏm tại BV Đà Nẵng, Th.Bs Ngô Thị Kim Yến – Giám đốc Sở Y tế thành phố khẳng định không có chuyện cán bộ y tế liên quan đến hoạt động cấp cứu dỏm. BS Yến cho biết, sở dĩ những người hoạt động cấp cứu dỏm có thể nắm rõ được cụ thể thời gian bệnh nhân được trả về là do họ luôn có người túc trực tại cửa các khoa “nóng”.

Khi cán bộ y tế thông báo thông tin bệnh nhân nặng được trả về cho người thân thì họ nghe và sau đó truyền tin ra ngoài… Hiện nay, BV Đà Nẵng đã ra quy chế là không được đứng ra ngoài thông báo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cho người nhà mà chỉ điện thoại theo số đã được lưu trong hồ sơ bệnh án. Đồng thời, khi xe cấp cứu đến thì phải vào thẳng trong khoa, phòng để làm việc, thống nhất việc bàn giao và chuyển bệnh nhân về...

Trí Dũng