Báo Công An Đà Nẵng

Bàn về cây xanh đô thị ở Đà Nẵng

Thứ năm, 06/10/2022 13:21
Sau những cơn bão lớn cây đổ ngã nhiều, người ta lại bàn tán, chê trách. Trong ảnh: Một cây xanh trên đường phố Đà Nẵng bị đổ trong bão Noru (bão số 4, ngày 27 và 28-9-2022).

Nhìn nhận một cách khách quan, kể từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến nay, mật độ cây xanh đô thị của thành phố ngày một tăng; chủng loại cây ngày càng đa dạng, phong phú, góp phần tạo nên một “Đà Nẵng xanh” bên màu xanh của biển, của rừng.

Nếu nói rằng, Đà Nẵng phát triển cây xanh một cách bài bản, có bước đi, có kế hoạch lộ trình cụ thể thì e rằng hơi chủ quan, mặc dù thành phố đã có Đề án Phát triển cây xanh đô thị giai đoạn 2013-2015 cũng như Kế hoạch Quản lý và phát triển hệ thống cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015-2020...Tuy vậy, trong một thời gian dài, đề tài cây xanh được đưa ra mổ xẻ, phân tích, tranh luận, để rồi… vẫn chưa có hồi kết. Tất cả cũng chỉ xoay quanh những câu hỏi như: trồng loại cây gì phù hợp, quản lý thế nào cho hiệu quả, kỹ thuật trồng ra sao để cây sống khỏe, sống lâu…

Thực tế là, được được quan tâm nhưng cây xanh ở Đà Nẵng phát triển còn thiếu đồng bộ, nói đúng hơn là thiếu quy hoạch mang tầm chiến lược. Đã có thời kỳ vì muốn nhanh có bóng mát, nhiều loại cây xanh mặc dù chưa chứng tỏ được tính thích ứng với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu của Đà Nẵng, đã được đưa vào trồng ồ ạt. Kết quả là nhiều loại cây nằm trong danh mục không khuyến khích trồng ở đô thị xuất hiện khắp nơi.

Bên cạnh đó, do chưa có quy hoạch cụ thể, cũng như chưa có những quy định, chế tài chặt chẽ trong việc quản lý và phát triển cây xanh, người dân tự ý trồng nhiều loại cây không phù hợp với điều kiện đô thị của Đà Nẵng, điển hình như cây trứng cá, sa kê, cây bồ đề và cả cây ăn quả như mít, mãng cầu, mận...

Nhiều dự án dân cư tuy đã được hình thành hàng chục năm nhưng cây xanh vẫn chưa được bàn giao cho cơ quan quản lý, đơn giản chỉ vì khi trồng cây, nhất là ở những con đường có mặt cắt từ 7,5m trở xuống, Ban quản lý dự án đã không trồng theo những quy định tối thiểu đối với cây xanh đô thị.

Đó là chưa kể người dân đã tự ý trồng trước nhà những loại cây mà họ ưa thích, hoặc chỉ vì loại cây đó dễ sống, dễ tìm, ít tốn tiền, dẫn đến tình trạng trên một tuyến đường có đủ lại cây. Tất nhiên, trên những tuyến đường “thập cẩm” đó cũng chưa thấy có cơ quan đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm, khuyến cáo, ngăn chặn hay xử lý. Mọi người mạnh ai nấy trồng vì không đủ kiên nhẫn để chờ Nhà nước trồng cây cho mình.

Một vấn đề khác là không phải nơi nào cũng tuân thủ quy định: khi hạ tầng (đường, điện, nước và cây xanh) hoàn chỉnh mới được phép xây dựng. Nhiều nơi đường chưa thảm nhựa, cây chưa trồng mà nhà đã được người dân xây dựng. Đó còn là tình trạng người ta trồng cây trên một “nền tảng” không vững chắc do phía dưới là đường cáp viễn thông, cống, đường ống dẫn nước…, nên diện tích để bộ rễ của cây phát triển không nhiều, cũng không ăn sâu, không bám chắc được. Đó còn là tình trạng vội vã khi đốn bỏ những loại cây tưởng như là có hại cho môi trường. Đơn cử như cây Sò Đo Cam, loại cây cho hoa đẹp, do bị vội vã “kết tội” là cây ngoại lai nguy hiểm, nhưng lại không nghĩ rằng, nó chỉ nguy hại trong môi trường ngoài đô thị như đồi rừng, thôn quê; còn ở đô thị, toàn đường nhựa và bê-tông thì đâu có chỗ để cây này phát tán, sinh sống mà phải lo lắng.

Độ tuổi của cây cũng chưa được quan tâm vì thông thường hầu hết loại cây đều có tuổi của nó, tuổi bình quân của cây xanh khoảng 45-50 năm. Sau tuổi đó, nó có thể “chấm dứt cuộc đời” bất kỳ lúc nào bởi các yếu tố tác động như: sâu bệnh, gió mưa.

Trong khi đó, môi trường của đô thị lại khó chịu hơn điều kiện tự nhiên tại rừng, núi, đồng bằng, lại thêm bị tác động bởi ô nhiễm sự vô ý thức của con người... Đó là chưa kể nhiều nơi trồng cây bằng cách bứng về những cây to nên cũng góp phần làm cho cây dễ đổ ngã, nhất là khi gặp mưa to, gió lớn.

Những nguyên nhân trên khiến cơ quan chức năng phải tính toán kỹ, có kế hoạch, lộ trình, tầm nhìn lâu dài mang tính chiến lược để trồng loại cây gì phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, môi trường của mỗi tuyến đường, nhất là phải bảo đảm cho cây bám rễ sâu và chặt. Cụ thể là không nên trồng cây to quá, nên trồng cây nhỏ ngay từ đầu, để nó lớn lên và thích nghi với điều kiện xung quanh. Từ đó, tuổi thọ cây sẽ bền lâu, có sức đề kháng, chống chịu với các yếu tố bất lợi bên ngoài...

Hiện nay, một số loại cây đã có thể khẳng định được chỗ đứng ở Đà Nẵng, đó là cây Bàng Đài Loan, Muồng kim phượng (Lim xẹt) Giáng hương (Sưa trắng)... Trong thời gian đến, nên chăng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về cây xanh cho thành phố. Qua đó, chắc chắn sẽ có rất nhiều ý kiến hữu ích của những người yêu và tâm huyết với thành phố quê hương.

Để cây xanh đô thị phát triển ổn định và bền vững, tạo “diện mạo xanh” xứng đáng cho một thành phố như Đà Nẵng, nên hình thành một quy trình bao gồm các công đoạn: đốn hạ cây bộng, di dời cây “xôi đỗ” và trồng mới cây xanh mới theo quy hoạch, quy trình chặt chẽ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc thực hiện Đề án Cây xanh đô thị, thực hiện xã hội hóa công tác quản lý cây xanh đường phố. Xây dựng vườn ươm quy mô, du nhập, khảo nghiệm các giống cây mới phù hợp với từng loại đường và điều kiện, khí hậu thổ nhưỡng của Đà Nẵng.

Đã có những hàng cây ở một số con đường mới của Đà Nẵng có đánh số để thuận lợi cho việc kiểm tra, theo dõi thông qua hệ thống phần mềm quản lý cây xanh vừa được thiết lập. Đó là những tín hiệu đáng mừng cần được ghi nhận và nhân rộng trong thời gian đến. Cần tiếp tục hoàn thiện, phát huy hiệu quả của hệ thống này để góp phần tăng mật độ cây xanh của thành phố đạt được chuẩn của một đô thị loại I cấp quốc gia trong tương lai không xa, để màu xanh của Đà Nẵng không chỉ là của biển, của sông, của rừng, mà còn là của cây xanh đô thị, một yếu tố không kém phần quan trọng để làm nên một Đà Nẵng - thành phố đáng sống.

DÂN HÙNG