Báo Công An Đà Nẵng

Đọc "Thềm cũ đã xanh rêu":

Bâng khuâng chuyện đất chuyện người…

Thứ hai, 11/03/2024 15:45
Bìa sách "Thềm cũ đã xanh rêu".

Là người có hơn 25 năm viết báo, Nguyễn Minh Hải phần nào gắn yếu tố báo chí với yếu tố văn học, khi các tản văn của anh trong nhiều năm qua vừa có những thông tin của báo chí mà cũng những trầm tư, nghĩ ngợi một cách nhẹ nhàng, tình cảm. Dù nhiều năm chuyên về mảng chính luận, nhất là đề tài xây dựng Đảng, nhưng Nguyễn Minh Hải ít khi thể hiện các cách diễn đạt "kêu" mà thường khá mềm mại, nhất là trong các tạp bút của anh. Nên xuyên suốt trong "Thềm cũ đã xanh rêu" với 40 câu chuyện là những trải nghiệm của tác giả được ghi lại, kể lại một cách cụ thể, chi tiết bằng một giọng văn mà khi buông sách có lẽ nhiều người đọc sẽ cảm thấy bâng khuâng, ngùi ngùi…

Đến với "Thềm cũ đã xanh rêu", người đọc được dịp trải mình ở một số nơi gắn với hai thời kỳ sống của tác giả: thời gian sống ở miền Tây và những năm sống ở miền Đông Nam Bộ cùng các ký ức rời rạc khác xen kẽ. Trong lời tựa, Nguyễn Minh Hải viết, "các kỷ niệm phần lớn gắn với gia đình của tác giả nhưng hẳn ít nhiều phản ánh được những lát cắt của cuộc sống, có thể là kỷ niệm chung của nhiều người khác. Có thể chuyện chưa hay nhưng chắc không thiếu những xúc cảm giản dị mà chân thật, xưa cũ mà thân quen, xa rời mà ấm áp", người đọc hẳn có thêm cơ hội được khám phá những vùng đất mới, những câu chuyện về đất, về người, về tự nhiên, về xã hội… Có những điều vốn thân thuộc với nhiều người như chuyện về hàng dừa nước ven bờ kinh, về những rặng dừa bạc phếch tháng năm hay đọt lang dân dã mà giờ cũng thành đặc sản…, thì cũng có không ít điều khá lạ như chuyện đi bắt trích vào mùa lúa chín hay hiện tượng "trốt hốt" vào mùa khô, việc quét lá điều của người mẹ già mỗi năm… Có những điều bây giờ trở nên xưa cũ như hình ảnh đom đóm lập lòe trên ngọn bần gie ra ở mé kinh, khói bếp lượn lờ nồng nàn bao thủa, chuyện làm lúa kiểu truyền thống…, thì cũng có không ít điều đang diễn ra hiện nay như "vấn nạn" hạn mặn ở miền Tây, điệp khúc "được mùa mất giá"… Có những chiêm nghiệm tưởng chừng rất riêng của tác giả nhưng cũng là nỗi niềm, trải nghiệm của nhiều người, như việc nghe nhạc nước ngoài trên một kênh radio, chuyện chọn nghề và trưởng thành với nghề, chuyện về những thói quen, tập tục, nếp sống… từng in đậm trong một số người, ở một số nơi rồi bây giờ đang dần nhòa nhạt…

Nhưng có lẽ điều làm người đọc nhớ nhiều hơn cả là những tình cảm ấm áp, thân thuộc của tác giả đối với người, với cảnh. Như trong bài "Cây táo già", các ký ức về những người họ hàng của tác giả hẳn làm mỗi người liên tưởng đến cây me, cây ổi nào đó của mình với hình ảnh về người ông, người bà, người anh, người chị… ngày nào đó. Hay trong bài "Con chó già", câu chuyện cảm động về chú chó mực trung thành, giàu tình cảm hẳn sẽ gợi cho chúng ta về một chú chó nào đó, hoặc con mèo, con ngỗng, con chim…, khôn ngoan, gắn bó với gia đình qua nhiều thăng trầm. Trong "Chuyến thăm Cà Mau" và nhiều bài khác, sợi dây liên hệ họ hàng, quyến thuộc được nối khá bền chặt, từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ vùng đất này đến vùng đất khác…

Nhiều bài viết tuy là hoài niệm nhưng cũng đúc kết những vấn đề mang tính văn hóa, xã hội khá thú vị. Trong "Gọi nhau bằng "tiếng miền Tây", tác giả chỉ ra những đại từ quen dùng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long - vốn hay được gọi là "miền Tây" rất đặc sắc, như qua, bậu, ý, cố, chế, cưng, va, tay… Cũng về xưng hô, tác giả chỉ ra những sự chuyển dịch đáng kể trong bài "Có những cách gọi đang thay đổi"…, như từ gọi bằng thứ dần sang gọi bằng tên, có xu hướng thân dần về bên nội hơn bên ngoại… Hay người trẻ hiện nay đang dần không thích nghe cải lương nhưng nó vẫn "sống" trong đời sống thông qua ngôn ngữ, hình tượng… một cách âm thầm, lặng lẽ mà không kém phần mãnh liệt. Hoặc trong "Mỗi thời có một ước mơ"…, tác giả nhận định: "Ước mơ, xét cho cùng không phải là chuyện của cá nhân, mà của cả cộng đồng, của quốc gia, của toàn nhân loại. Có ước mơ thì người ta mới phấn đấu vươn lên". Và câu kết của bài này, "Sẽ là bi kịch nếu trong chúng ta chẳng ai có ước mơ, chẳng biết ước mơ!", có thể là một gợi mở không nhỏ cho mọi người!

Trong "tự giới thiệu" trên trang facebook cá nhân, Nguyễn Minh Hải viết: "Tạp bút Thềm cũ đã xanh rêu nói về các chuyện đã qua nhưng không xưa cũ, những ký ức tản mạn nhưng không vô nghĩa, ít nhiều thể hiện những cảm xúc chung của bao người về gia đình, họ hàng, quê hương, cuộc sống... Người đọc hẳn sẽ chia sẻ với tác giả những thương nhớ ngùi ngùi về những kỷ niệm như của chúng ta, của những người thân quen..., để khi gấp sách lại sẽ thấy thương quý mọi người hơn, trân trọng cuộc sống này hơn!". Có lẽ đó là điều sẽ được nhiều bạn đọc đón nhận và chia sẻ. Tuy tập sách là các câu chuyện riêng nhưng cũng là của nhiều người, là các câu chuyện cũ nhưng cũng còn đang tiếp diễn, là các ký ức nhưng cũng là những gợi mở dành cho tất cả chúng ta… Người đọc hẳn sẽ có chút ngùi ngùi với các hoài niệm nhưng sẽ không thấy buồn mà càng trân quý những ngày được tắm dưới ánh mặt trời, được hít thở bầu không khí trong lành, được gặp gỡ bao người thân yêu, được làm những điều có ích…

Trịnh Minh Giang