Báo Công An Đà Nẵng

Bangkok “ngày thứ hai”

Thứ tư, 15/01/2014 12:52

(Cadn.com.vn) - Chính phủ Thái Lan ngày 14-1 tuyên bố có thể kiểm soát tình hình khi số người biểu tình xuống đường “đóng cửa Bangkok” đang giảm dần.

Chiến dịch biểu tình “đóng cửa Bangkok” nhằm buộc chính phủ tạm quyền Thái Lan từ chức đã bước sang ngày thứ 2. Song khác với dự đoán, dòng người xuống đường có vẻ thưa dần.

Theo Tân Hoa Xã, mặc dù lực lượng biểu tình bao vây Tổng cục Hải quan, Bộ Thương mại và Bộ Lao động, Phó Thủ tướng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul tuyên bố, chính phủ có khả năng kiểm soát tình hình. Chính phủ cũng triển khai hàng loạt biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho du khách và hoạt động bình thường của các chuyến bay.

Xe quân đội được triển khai để bảo vệ thủ đô Bangkok. Ảnh: AFP

Chính phủ có thể kiểm soát tình hình

Theo ông Surapong, việc phong tỏa nơi làm việc không ngăn cản những bộ này thực thi đúng nhiệm vụ và đường dây nóng của các cơ quan này vẫn thông suốt để duy trì tham vấn. Hiện Bộ Du lịch và Thể thao thành lập một trung tâm dịch vụ nhằm giúp các du khách liên lạc và nỗ lực tối đa bảo vệ du khách.

Những người biểu tình trước đó đe dọa phong tỏa Đài kiểm soát không lưu Thái Lan (Aerothai) trừ khi Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức cho đến cuối ngày 15-1. Nếu Aerothai bị cản trở, tất cả các chuyến bay đi và đến hoặc quá cảnh qua không phận nước này sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Surapong tuyên bố, chính phủ đang nỗ lực hết sức để không xảy ra tình trạng này. Ông cũng cho biết hiện chưa có báo cáo về trường hợp du khách bị thương trong cuộc biểu tình tại Thái Lan.

Hiện nhiều nút giao thông chính ở thủ đô vẫn bị người biểu tình bao vây. Người biểu tình tuyên bố tăng cường phong tỏa trụ sở các bộ ngành, đe dọa chiếm đóng sàn giao dịch chứng khoán. Phát biểu trước những người ủng hộ tối 13-1, thủ lĩnh biểu tình Suthep kêu gọi “bao vây, đóng cửa các cơ quan chính phủ vào buổi sáng và rút lui vào buổi chiều”. Thậm chí, ông Suthep còn đe dọa bắt Thủ tướng Yingluck và các bộ trưởng nếu họ không từ chức.

Tuy nhiên, Thủ tướng Thái Lan vẫn kiên quyết không từ chức dù cũng không mạnh tay ngăn cản người biểu tình.

Tương lai nào cho Thái Lan?

Bangkok vẫn còn nóng nực khi người biểu tình chưa chịu về nhà. “Đóng cửa Bangkok” là chương mới nhất trong một cuộc xung đột chính trị chia rẽ quốc gia Chùa Vàng trong gần 10 năm qua. Những người biểu tình chống chính phủ nhấn mạnh, họ là đại diện cho “nhân dân” và tuyên bố, hàng triệu người Thái thường xuyên xuống đường để yêu cầu thay đổi chính trị. Trên thực tế, họ chỉ là đại diện cho thiểu số người Thái, và đây là vấn đề của họ. Trong mỗi cuộc bầu cử được tổ chức tại Thái Lan từ năm 2001, đảng Dân chủ luôn bị đảng ủng hộ ông Thaksin đánh bại. Và kết quả tương tự cũng sẽ xảy ra nếu một cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 2 tới như kế hoạch. Khả năng thống trị chính trị bầu cử nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ người nghèo thành thị và nông thôn của ông Thaksin gây ra sự khó chịu cho các cư dân giàu có ở Bangkok, những người tin rằng họ phải là những người  nắm quyền. Và đó là lý do khiến họ xuống đường.

Mỹ hoan nghênh các nỗ lực kiềm chế của giới chức Bangkok đồng thời kêu gọi đồng minh Thái Lan tìm một con đường hòa bình để giải quyết những bất đồng sâu sắc. Tuy nhiên, một khi miếng bánh ngon đang bị chia phần, người giàu Thái Lan khó có thể chịu nhượng bộ và muốn làm đến cùng để “chờ bàn tay quyền lực của quân đội”.

Một tương lai khá ảm đạm đang chờ đón Thái Lan.

Khả Anh