Bánh tét, bánh nổ, bánh tổ, bánh in
Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều
Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều...
Nuôi hai con lợn từ ngày xửa
Mẹ tôi tính đến Tết thì vừa
Trữ gạo nếp thơm mo gói bó
Dọn nhà, dọn cửa rửa bàn thờ.
Những câu thơ của thi sĩ thôn quê Nguyễn Bính đã gợi nhắc về cái Tết xưa. Đất nước có 3 miền Bắc, Trung, Nam. Phong tục mỗi nơi mỗi khác. Nhưng trong ngày Tết, người người, nhà nhà đều sửa soạn tinh tươm, chuẩn bị chu đáo cho cái Tết đoàn viên. Ở xứ Quảng, chỉ bằng gạo nếp, đường bát... với bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ đã tạo nên các thức bánh trái ngon lành trong mỗi dịp Tết đến, xuân về như câu truyền khẩu dân gian: “Bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh in”.
Trong ngày Tết của người miền Trung nói chung và người xứ Quảng nói riêng, bánh tét có vị trí không khác bánh chưng ở miền Bắc. Cũng từ thứ “nếp thơm mẹ trữ”, cùng với thịt lợn, đậu xanh đã tạo nên món quà từ đồng ruộng, góp thêm hương sắc cho ngày xuân. Gạo nếp được ngâm kỹ, để ráo, xóc với ít muối, tiêu cho mặn mà. Người gói bánh tỉ mẩn xếp chồng nhiều lớp lá chuối được hơ lửa cho “dịu” (mềm) đi, dùng chén con đong nếp rải dọc theo chiều dài lớp lá chuối; đặt vào chính giữa ít thịt mỡ, đậu xanh cà vỏ; cuộn tròn và dùng lạt tre siết chặt, buộc nhiều vòng tròn quanh thân bánh tạo thành hình dáng “đòn bánh tét” tròn, dài, cầm chắc tay. Nhiều nơi, bà con vẫn còn duy trì việc nấu bánh tét vào đêm giao thừa. Mọi người trong gia đình, quây quần bên bếp lửa bập bùng, vừa canh nồi bánh tét, vừa chờ đón thời khắc năm mới sang thật ý nghĩa.
Còn bánh nổ thì được làm từ những hạt gạo nếp mẩy tròn, rang với cát cho nở bung trắng xóa, thơm lừng rồi sàng sẩy cho sạch sẽ, ngào với đường đen thắng vừa tới. Tôi vẫn còn nhớ cách mẹ tôi hay thử nước đường: Lấy một chén nước, dùng đầu đũa nhỏ giọt đường vào chén, nếu không hòa tan ngay mà tạo thành giọt chạm vào đáy chén, ấy là đường đã đạt. Hỗn hợp ấy cho vào khuôn gỗ vuông tạo nên bánh nổ, thứ bánh ngon lành mà bọn trẻ con thường mê mẩn.
Bánh in được làm công phu hơn. Gạo nếp rang chín, xay thành bột mịn; đường bát lấy dao bén bào thành thớ mỏng tang; hai thứ ấy nhào trộn cho hòa quyện với nhau; vo thành nắm tròn, nén chặt vào khuôn gỗ có nhiều ô với nhiều hoa văn đẹp mắt. Tôi thích nhất là nhìn công đoạn mẹ tôi lấy cái dao phay gạt phăng trên khuôn gỗ để gạt bớt bột thừa rồi lại lấy cái đĩa nhỏ chà cho cái bánh được phẳng phiu và cuối cùng là trở cán dao, gõ nhẹ để bánh rời khuôn rồi sấy bánh trên chảo than hồng rực. Ngày nhỏ, bọn trẻ con chúng tôi hay xúm xít nhìn các bà, các cô, các mẹ hong khô bánh in rồi phụ bỏ vào trong cái thùng nhôm đậy kín. Hễ có cái bánh nào “sứt tai”, nứt gãy là chúng tôi được thưởng thức trước trong niềm vui sướng tột cùng. Ngày Tết, trong khay bánh đãi khách đều có bánh in. Nhâm nhi ly trà nóng, cắn miếng bánh in được sấy kỹ kêu “cái cốp” quả là mỹ vị trong đời.
Là người con xứ Quảng, không ai không biết câu ca: “Nem chả Hòa Vang, bánh tổ Hội An, khoai lang Trà Kiệu, thơm rượu Tam Kỳ”.
Bánh tổ chẳng chút cầu kỳ, cũng chính thứ bột nếp ấy, được trộn chung với nước đường bát, khuấy đều. Thứ bột dẻo quánh ấy được đổ vào những chiếc rọ bằng tre, có lót lá chuối bên trong, hấp chín, để nguội, rắc trên mặt lớp mè rang béo ngậy là có “ổ bánh tổ” đặt trên bàn thờ gia tiên cho đủ lễ. Trong mâm lễ dâng ông bà của người con xứ Quảng không bao giờ thiếu bánh tổ. Tuy còn nhiều quan điểm khác nhau về nguồn gốc của bánh tổ nhưng chiếc bánh này chỉ xuất hiện vào dịp Tết ta, Tết cổ truyền để thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ ông bà, tiên tổ, tri ân cội nguồn. Bánh tổ ăn đúng điệu phải là cắt lát, kẹp 2 miếng bánh tráng Đại Lộc trứ danh, rồi chiên lên trong dầu phụng quê. Miếng bánh tráng cùng lớp da ngoài của bánh tổ nâu giòn, vàng ruộm cùng quyện với vị ngọt, cái dẻo dính răng lạc vào miền ký ức của tuổi thơ không thể nào quên...
Tết là dịp các thành viên trong gia đình quần tụ bên nhau, cùng sắm sửa, cùng thưởng thức những món ăn truyền thống. Dù cuộc sống hiện đại có bộn bề, cái “Tết nay” đã nhiều tiện ích, nhiều thay đổi nhưng trong tâm khảm của mỗi người con của xứ Quảng vẫn nhớ về những hương vị của ngày xưa, của những loại bánh đơn sơ nhưng nhiều ý nghĩa. Xuân mới, nhắc lại câu chuyện cũ, chuyện “Bánh tét, bánh nổ, bánh tổ, bánh in” để gợi nhớ, để khơi dậy tình yêu quê hương và ý thức gìn giữ “nét xưa” trong văn hóa ẩm thực của người xứ Quảng.
TRƯƠNG THỊ ĐIỆP