Báo Công An Đà Nẵng

Bánh tét quê nghèo

Thứ tư, 15/01/2014 11:44

(Cadn.com.vn) - Ngày ấy, miền Trung quê tôi đất đai khô cằn sỏi đá, thiên tai lũ lụt hoành hành khiến mùa màng thất bát, nhà nhà nghèo xác xơ. Dẫu vậy, mẹ tôi nói “đói cũng ngày Tết, hết cũng ngày mùa” nên tích cóp để cuối năm nấu được nồi bánh Tét trước cúng ông bà, sau có món cho con ăn Tết.

Nhà tôi không có ruộng để cấy nếp hương nên hằng năm, vào tiết tháng Tám Âm lịch, mẹ tôi dầm mình trong tiết trời lạnh giá lội xuống đồng sâu gặt nếp cho các chủ điền, để được họ trả công vài bó lúa nếp. Bà đội về, dùng chân đạp lấy thóc nếp mang phơi khô, quạt sạch đổ vào lu cất để dành cuối năm làm bánh Tết. Để có củi nấu bánh, cha tôi phải nhặt nhạnh cả năm trời, khi là khúc củi trôi sông tấp vào bến bờ nào đó, cha tôi vác về; khi là những gốc tre đã cỗi sau hè, cha tôi cần mẫn đào bửa phơi khô. Nhà có nuôi heo nên trồng dăm bụi chuối chát, cuối năm cắt đủ lá gói bánh. Mẹ tôi còn đi hái thuê ngoài biền để có đậu xanh làm nhưn bánh.

Ai như cậu Năm tôi gói bánh tét đầu xuân.

Hằng năm, cứ đến ngày 28 Tết, xóm làng náo nhiệt, nhà tôi cũng chuẩn bị gói bánh tét. Trước đó, mẹ đã lựa cắt những tàu lá chuối lành, to bản mang hong nắng xuân cho bớt độ giòn rồi rọc ra từng miếng bề ngang khoảng 40 phân. Từ ngày đưa ông Táo về trời, cha tôi tranh thủ mấy bữa trưa ngồi chẻ lạt gói bánh. Mỗi người mỗi việc, mẹ tôi đảm trách khâu rọc lá, lau lá; chị tôi lo phần đãi vỏ đậu xanh trộn thêm muối bột và tiêu để làm nhưn bánh. Công việc khó nhất là gói bánh thường được cậu Năm, người có “bàn tay vàng” gói bánh đẹp, nhận lãnh.

Gói bánh xong, mẹ tôi cho vào thùng nhôm gò bằng ống “trái sáng” đã có nước đang sôi. Mỗi khi nước cạn xuống dưới mức bánh, mẹ lại chế thêm nước để bánh có màu xanh lục trông đẹp mắt. Mẹ nấu liên tục từ trưa đến tối thì bánh chín, vớt ra nhúng vào nước lạnh rồi lăn qua lăn lại nhiều lần, lấy các ngón tay vỗ hai đầu bánh để cho nước thoát ra ngoài và đòn bánh được tròn đều. Mỗi năm, nhà tôi gói hơn hai mươi đòn bánh tét, vừa biếu bà con, họ hàng và để cúng ông bà tổ tiên.

Ở quê, không phải ai cũng gói được bánh tét, mỗi xóm có vài người gói đẹp, vì thế, cứ đến ngày giáp Tết, cậu Năm tôi được xóm giềng mời đi gói bánh, gia chủ tiếp đãi rất niềm nở, nhưng cậu tôi chỉ giúp chứ không lấy tiền công. Năm nào bánh tét ra, có màu trắng, mịn và sáng, thì năm đó làm ăn được, còn ngược lại, làm ăn không ra chi. Cho nên, những “nghệ nhân” gói bánh tét ở quê tôi được trọng vọng, quý mến.

Mẹ tôi và tôi nấu bánh tét.

Trong ba ngày Tết, bên cạnh những đòn bánh được chưng trên bàn thờ, người miền Trung còn tét bánh để cúng rước ông bà, cúng giao thừa (hành khiến). Họ sắp 3 lát bánh vào đĩa thành ba hình tròn, rồi đặt lên trên ba lát bánh đó một lát thứ 4 nữa, trông giống như một bông hoa rất đẹp mắt. Lát bánh tét, có da bánh màu xanh cốm, mặt bánh nhuyễn màu trắng, nhân đậu xanh nằm ở giữa lát có màu vàng. Bánh cúng xong dọn xuống ăn kèm với củ kiệu, thịt heo muối đều rất ngon. Cái dẻo thơm của nếp, đậu, mùi thơm dân dã của lá chuối hòa quyện với các loại gia vị tạo nên hương vị đặc trưng của quê nhà.

Bao nhiêu năm xa quê, mỗi khi Tết đến Xuân về lòng tôi lại bâng khuâng rạo rực, ngóng trông về những mùa xuân đầm ấm, sum họp dưới mái tranh nghèo. Tôi còn nhớ như in, hơi ấm của ngọn lửa  nồi bánh tét năm nào đã xua tan cái lạnh cuối năm khi ngồi bên mẹ, được nũng nịu với mẹ. Bây giờ, cha mẹ tôi đã ra người thiên cổ. Cậu Năm tôi lưng đã còng, răng rụng, cũng ở nơi xa… Còn tôi, thân hàn sĩ, nổi trôi nơi đất khách quê người với nỗi nhớ khôn nguôi về những mùa xuân xưa.

Khánh An