Báo Công An Đà Nẵng

Bánh tráng quê mình

Thứ sáu, 13/12/2013 11:38

(Cadn.com.vn) - Những ngày rét mướt như thế này, tự nhiên thấy thèm biết mấy vị bánh tráng thơm nồng. Nhớ sao thuở nhỏ, giữa trưa hè nắng gắt cũng hè nhau đi hái mít non về trộn. Cái vị bùi bùi cay cay của mít trộn lẫn cái giòn tan của bánh tráng nướng mới nghe đã thèm. Âm thanh rôm rốp khi ăn bánh trộn hòa cùng những mái đầu cháy nắng, những khuôn mặt đen nhẻm của những đứa trẻ quê nghèo... bây giờ  như một tiềm thức đã quá xa xăm.

Các nhà ở quê làm ruộng, hầu như bao giờ gặt lúa về xong cũng tráng một chồng bánh để dành ăn dần. Bánh tráng xong, được phơi khô cất vào bao, lúc ăn thì đem ra nhúng nước hoặc sẵn than củi mà nướng. Bánh tráng rất dễ kết hợp với các món thường ngày. Có thịt cuốn thịt, có cá cuốn cá hoặc đôi khi chỉ cần ít rau sống, rau muống đồng chấm nước mắm cũng đã thành một bữa ăn ngon. Bánh tráng cũng như người nhà quê, giản dị đầy lưu luyến, hòa đồng mà chân chất.

Bánh tráng của người Quảng tuy không nổi tiếng bằng bánh tráng Tây Ninh nhưng với tôi nó có nét rất riêng biệt. Không như bánh tráng lề của người miền Nam làm theo khổ nhỏ cho tiện cuốn, bánh tráng người Quảng khổ to và thô. Bánh tráng Quảng bao giờ cũng được bỏ vào một bao ni-lông lớn màu trắng thành một chồng dày. Để bánh có mùi thơm hơn, người Quảng thường cho thêm mè vào bột trước khi tráng. Bánh tráng xong xếp ngay ngắn trên những miếng lưới mang đi phơi nắng. Bánh cứng chứ không dẻo như bánh Tây Ninh chắc cũng vì cái nết hay lo của người Quảng, làm gì cũng muốn để cho lâu, cho bền. Bánh tráng người Quảng có thể cất để dành cả năm trời cũng không sợ bị hư, bị mốc. Nhưng không phải chỉ có thế, bánh tráng nhìn vậy mà khi nướng lên lại bùi, nhúng mềm đi lại dai, nhai kỹ thì vị ngọt từ gạo đến day người.

Bánh tráng cứ giản dị vậy thôi mà ai đi xa cũng nhớ, cũng thèm được ngồi bên người thân cùng hàn huyên cùng cuốn bánh. Hết rau sống, hết thịt rồi vẫn còn cầm miếng bánh đưa lên miệng nhai nhai, cái hương vị ấy thật khó tả, thật khó quên.

Bánh tráng xong được phơi nắng.

Không chỉ riêng miếng trầu, miếng bánh tráng còn là đầu câu chuyện. Buổi tụ tập nào cũng  đem bánh tráng với chén mắm ra trước tiên. Một người đứng lên bẻ bánh, tất cả cùng cầm một miếng nhai, câu chuyện bỗng nhiên gần gũi và tự nhiên hơn biết mấy. Người Quảng cứ hay có cái tính sĩ diện  khi làm người đầu tiên cũng như không muốn làm kẻ sau cùng.

Trong ăn uống lại càng thế! Ấy, cũng chính cái vụng về đáng yêu mỗi khi bắt đầu câu chuyện đã trở thành nét đẹp đặc trưng của người Quảng. Người Quảng Nam ăn nói cục hòn, nếu không có tiếng bẻ bánh thì quyết không ai chịu nói chuyện trước. Vừa bẻ bánh vừa cười xòa, mặt ai cũng như giãn ra, cái ngượng ngùng như cũng biến mất. Cái nết này đi dọc cả dải đất chữ S cũng phải công nhận rằng chỉ có ở nơi đây. Bánh tráng như một người bạn thâm tình với người dân quê là thế! Bởi nó gắn liền với cả lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán, mâm cỗ mà không có bánh tráng thì cũng không thành. Những ngày tết, ngày giỗ mẹ sai đi mua cái bánh tráng nướng về cúng, điều đó càng khẳng định rằng bánh tráng không chỉ là món ăn mà còn là một phần quan trọng trong văn hóa thờ cúng.

Ai đi đâu xa cũng cố gắng xách theo chồng bánh tráng ăn cho đỡ nhớ. Bởi cái vị rất riêng ấy không thể tìm ở đâu khác ngoài bánh tráng ở quê do chính các bà, các chị xay gạo tráng. Bánh phơi bằng nắng quê mình hình như cũng đượm tình hơn xứ khác. Bánh tráng cuốn như cuốn cả những yêu thương của con người xứ Quảng, gói trọn cả những tình cảm về một vùng đất, một nền văn hóa.

Vùng đất Duy Xuyên nằm dọc theo bờ sông Thu Bồn trù phú, khách đi thăm khu thánh địa Mỹ Sơn đều dừng lại ở làng tráng bánh Thọ Xuyên để tận mắt chứng kiến tay nghề tráng bánh của các chị, các bà. Dưới cái nắng xuân vàng ươm tươi mới từng chồng bánh tráng được xếp ngay ngắn vào bao đời sống con người trở nên êm ái, đầm ấm biết bao.

Cứ như thế, dù có bao đổi thay, cuộc sống hiện đại khiến bánh tráng thuần của người Quảng trở thành bất tiện. Những đám cưới, giỗ lạt bây giờ người ta dùng bánh tráng phơi sương là nhiều bởi sự tiện lợi của nó. Nhưng mãi mãi về sau này, tôi chắc nhiều người vẫn nhớ thương chiếc bánh tráng nhà quê, nghèo thiệt, thô thiệt nhưng ngọt, dai và bùi như chính tâm hồn con người nơi tôi sinh ra và khôn lớn.

Hà Dung