Báo Công An Đà Nẵng

Báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ tuyên truyền về biển, đảo

Thứ tư, 06/11/2013 07:58

(Cadn.com.vn) - Ngày 5-11, tại Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kiến thức cơ bản về biển, đảo Việt Nam dành cho gần 300 đại biểu là cán bộ tuyên giáo, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên các cơ quan báo chí của 17 tỉnh thành từ Nghệ An đến Bình Thuận.

Hội nghị cung cấp những thông tin cơ bản, những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, cập nhật kiến thức, bồi dưỡng kinh nghiệm, nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, tuyên truyền viên thông qua một số sáng kiến, kinh nghiệm để triển khai tuyên truyền sâu rộng các nội dung về biển, đảo tới các tầng lớp nhân dân, góp phần đẩy mạnh việc thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đoàn công tác gồm lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và các cơ quan báo chí trong một chuyến thăm, làm việc tại đảo Trường Sa. Ảnh: HỒNG THANH

Đồng hành bảo vệ chủ quyền Tổ quốc

Theo ông Hoàng Ngọc Hà - Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo T.Ư, trong những năm qua, công tác tuyên truyền về biển đảo Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng cả chiều rộng và chiều sâu. Nội dung, hình thức và các biện pháp tuyên truyền được quan tâm đổi mới, bám sát thực tiễn. Bên cạnh tuyên truyền bảo vệ chủ quyền quốc gia, công tác tuyên truyền đã phản ánh đậm nét nhiệm vụ phát triển kinh tế biển.

Đi đầu trong nhiệm vụ này, báo chí đã chuyển tải được tinh thần, chủ trương xử lý vấn đề biển Đông của Đảng, Nhà nước ta đến với các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí chiến lược của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cạnh đó, những người cầm bút đã góp phần làm cho dư luận quốc tế ngày càng hiểu rõ hơn lập trường đúng đắn, chính nghĩa của Việt Nam trên Biển Đông, hiểu rõ sự phi lý trong yêu sách "đường lưỡi bò".

PGS.TS Nguyễn Bá Diến - Chủ nhiệm bộ môn Luật Quốc tế, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, công tác tuyên truyền nói chung và hoạt động của các cơ quan báo chí nói riêng đã góp phần đáng kể trong việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, lợi ích chính đáng của ngư dân Việt Nam, các hoạt động kinh tế, AN-QP của Việt Nam ở biển Đông đồng thời nâng cao nhận thức của người dân đối với vấn đề chủ quyền.

Các đại biểu dẫn chứng, nhiều cơ quan báo chí đã cử đội ngũ phóng viên, biên tập viên của mình thực hiện các chuyến công tác vùng hải đảo, bám biển cùng ngư dân để có những tin bài nóng hổi, phản ánh sự hiện diện của người dân Việt Nam trên các vùng biển, đảo chủ quyền. Chính điều này đã thể hiện biển, đảo là một bộ phận không thể tách rời trong toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Nhưng chưa xứng tầm

Đồng chí Trương Minh Tuấn - Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Ủy viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về Biển Đông - Hải đảo nhấn mạnh, báo chí là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ phản ánh các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề chủ quyền đối với biển, đảo. Tuy nhiên, so với tính thời sự nóng hổi và quan trọng đặc biệt này thì vai trò của báo chí vẫn chưa xứng tầm.

Thậm chí trong quá trình tác nghiệp, một bộ phận phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên của một số cơ quan báo chí vẫn xảy ra những sai sót không đáng có. Nhiều thông tin xuất hiện trên một số tờ báo còn thiếu chính xác, không kịp thời dẫn đến những ngộ nhận, hiểu lầm đối với người xem, người nghe, người đọc, tạo dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân. Lãnh đạo ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng, những sự cố này vô tình tạo cơ hội để các thế lực thù địch có thể lợi dụng, kích động nhằm gây nên sự bất ổn chính trị, xã hội, ảnh hưởng đến sức mạnh đoàn kết nhân dân trong vấn đề bảo vệ chủ quyền.

Theo Tiến sĩ Trần Công Trục - Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, trong thực tế có một số sự kiện đã xảy ra trên biển có liên quan trực tiếp hay gián tiếp nhưng chúng ta không hề biết để thông tin kịp thời mà phải dựa vào thông tin của nước ngoài. Việc chúng ta sử dụng thông tin từ các nguồn khác nhau đòi hỏi phải cẩn trọng.

Tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng, sức lan tỏa của công tác tuyên truyền về biển, đảo vẫn còn chưa xứng tầm, chưa đạt được yêu cầu như mong muốn khi mới chỉ quan tâm đến số lượng bài viết, ấn phẩm ra mắt mà chưa đi sâu vào đáp ứng đòi hỏi của dư luận trong và ngoài nước, nhất là vào các thời điểm quan trọng.

Trong khi đó, đại diện Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, những năm qua, các cơ quan báo chí đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề xây dựng quản lý, bảo vệ chủ quyền về an ninh biên giới, biển, đảo trong tình hình mới.

Song xét tổng thể, vẫn còn ít những chiến lược truyền thông hiệu quả. Một phần do nhận thức hạn chế của một bộ phận người làm báo, một phần chưa có chiến lược truyền thông lâu dài. Đây đang là một bài toán cần được lãnh đạo các cơ quan báo chí đưa ra lời giải đáp và có phương pháp tốt hơn để tuyên truyền cho xứng tầm và đạt hiệu quả truyền thông như mong muốn.

Biển đảo luôn là một đề tài nóng hổi, hấp dẫn đối với báo chí.
Trong ảnh: Đoàn công tác của Hội Nhà báo Việt Nam ra thăm Trường Sa. Ảnh: HỒNG THANH

Đổi mới về hình thức, chuyên sâu về nội dung

Các đại biểu tham gia Hội nghị cho rằng, cần có một chiến lược tuyên truyền lâu dài, quy mô, hiệu quả đối với vấn đề biển, đảo Việt Nam chứ không phải đến lúc có sự kiện, tranh chấp rồi mới tập trung phản ánh. Để có được điều này, trước hết, theo đại diện Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí phải có phóng viên chuyên trách về biển, đảo.

Hiện nay, ngoài những tờ báo chuyên sâu như Quân đội Nhân dân, Báo Biên phòng..., đội ngũ phóng viên viết về mảng đề tài này còn ít.

Vì theo ông Đoàn Công Huynh, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và truyền thông, cái khó của phóng viên khi viết về biển đảo là phải có kiến thức đa lĩnh vực.

Đại diện Ban Biên tập Báo Nhân dân đặt vấn đề về cơ chế phát ngôn đối với các sự kiện liên quan đến vấn đề biển đảo. Khi có vấn đề, sự kiện, xảy ra tranh chấp trên vùng biển, đảo của nước ta, Ban Tuyên giáo T.Ư và các bộ, ngành liên quan cần sớm cung cấp thông tin và định hướng tuyên truyền kịp thời tới các cơ quan báo chí.

Qua đó tạo điều kiện để phóng viên kịp thời viết bài tuyên truyền, góp phần đấu tranh dư luận bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Trong hoạt động tác nghiệp, lãnh đạo TTXVN đề xuất ngoài các chuyến đi thực tế ở Trường Sa, Ban Tuyên giáo T.Ư nên tổ chức cho lực lượng báo chí theo chân các đoàn tàu đánh bắt xa bờ để có những bài viết, phóng sự ảnh và truyền hình phong phú hơn.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Trần Công Trục, trong thời gian tới, bên cạnh nhấn mạnh những căn cứ pháp lý mà quốc tế, khu vực và Luật Biển của chúng ta đã quy định, công tác tuyên truyền còn có nhiệm vụ khai thác và cung cấp đầy đủ "chất liệu" siêu bền để xây dựng niềm tin chiến lược cho cả dân tộc, cộng đồng khu vực và quốc tế.

Chất liệu đó chủ yếu là kiến thức về pháp luật, lịch sử, địa lý, khoa học biển... và cần phải đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch và phải được quản lý một cách tập trung, thống nhất trong công tác thông tin, truyền thông đối nội cũng như đối ngoại. Để thông tin về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đến với dư luận quốc tế, cần đầu tư cho công việc dịch thuật các thông tin ra nhiều thứ tiếng phổ biến trên thế giới và đưa những thông tin này lên các trang mạng uy tín một cách thường xuyên, liên tục.

Đông A