Báo Công An Đà Nẵng

Báo chí đồng hành cùng sự phát triển chung của Đà Nẵng

Thứ hai, 21/06/2021 10:58

Từng trải qua nhiều cương vị công tác, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, nguyên Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh từng gắn bó mật thiết với các hoạt động truyền thông, quản lý báo chí. Nhân kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông đã chia sẻ với Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng về vai trò, đóng góp của báo chí trên địa bàn trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh

P.V: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vai trò, tầm quan trọng cùng những đóng góp của báo chí đối với Đà Nẵng thời gian qua?

Ông Nguyễn Đình Vĩnh: Đà Nẵng được xem là trung tâm báo chí của khu vực miền Trung với 118 cơ quan báo chí: 5 cơ quan báo chí địa phương, 113 cơ quan báo chí Trung ương, địa phương khác đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú hoạt động tại Đà Nẵng. Tổng số nhân sự của các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn TP tính đến ngày 30-3-2021 khoảng trên 800 người. Với vai trò là một kênh thông tin quan trọng, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của Đảng bộ, chính quyền TP Đà Nẵng. Hệ thống báo chí ở Đà Nẵng (trong đó có Báo Công an TP Đà Nẵng, nay là Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng) đã có những đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến đông đảo công chúng. Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP, hằng năm các cơ quan báo chí đã thực hiện từ 120.000 đến 150.000 sản phẩm truyền thông về Đà Nẵng, trong đó đã tập trung phản ánh hầu hết các mặt, lĩnh vực chính trị, kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, đời sống người dân. Bám sát chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, hướng dẫn, định hướng của Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở TT-TT TP, các cơ quan báo chí trên địa bàn đã tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các chuyên trang, chuyên mục với nhiều phóng sự, tin, bài tuyên truyền đậm nét các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng; nhiều vấn đề báo chí nêu mang tính tham vấn, góp phần vào hoạt động quản lý, điều hành chung của thành phố và quảng bá hình ảnh, vị thế Đà Nẵng trong giai đoạn phát triển mới.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 xảy ra, các cơ quan báo chí đã kịp thời, nhanh chóng thông tin về các chỉ đạo, lãnh đạo của Trung ương và TP Đà Nẵng trong công tác phòng, chống dịch; các nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng đều được báo chí phản ánh đậm nét, sinh động. Ngoài nhiệm vụ thông tin tuyên truyền để người dân hiểu biết về dịch bệnh; tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng; các cơ quan báo chí đã thông tin tích cực, phản ánh nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, chiến sĩ, trong tuyến đầu chống dịch. Những hình ảnh, hành động nghĩa tình, những câu chuyện đẹp trong thời dịch được báo chí chuyển tải đã tạo sự lạc quan, tin tưởng, đoàn kết của người dân và cả hệ thống chính trị cùng hướng đến mục tiêu chiến thắng đại dịch. Đa số báo chí đã tích cực phản bác những thông tin sai trái, thiếu chính xác, góp phần định hướng dư luận… Đến thời điểm hiện tại, ước tính có trên 15.000 tin, bài liên quan đến dịch COVID-19 được sản xuất dưới nhiều hình thức. 

Có thể khẳng định, trong bất cứ thời kỳ nào, tinh thần sẵn sàng cống hiến, hy sinh của đa số những người làm báo Đà Nẵng cũng luôn luôn được phát huy; các cơ quan báo chí trên địa bàn TP thật sự là cầu nối giữa chính quyền và người dân, từ đó tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện những chủ trương, quyết sách hiệu quả.

P.V: Theo ông, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền của báo chí và các nền tảng truyền thông khác trong thời gian tới cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào?

Ông Nguyễn Đình Vĩnh: Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP Đà Nẵng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội của cả nước và TP; cả nước và Đà Nẵng vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Vì vậy, thời gian tới các cơ quan báo chí TP cần tiếp tục tập trung thông tin, tuyên truyền về kết quả Đại hội XIII của Đảng và Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP; thông tin, tuyên truyền đậm nét việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tuyên truyền sâu rộng, đậm nét và thường xuyên kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đặc biệt, một trong những nội dung quan trọng nhất trong công tác thông tin, tuyên truyền thời gian đến là những vấn đề mới của TP như Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội, Quyết định số 359/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… cũng như các chương trình hành động của thành phố thực hiện các Nghị quyết, Nghị định, Quyết định trên; tập trung thông tin về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc ban hành các Nghị định, Quyết định đối với TP, những cơ hội, tiềm năng thành phố cần khai thác; các dự án, đề án lớn đang được triển khai trên địa bàn trong thời gian tới. Đây là dấu mốc rất quan trọng, tạo bàn đạp để Đà Nẵng vươn mình phát triển đột phá và bền vững trong những giai đoạn tới.

Đồng thời, các cơ quan báo, đài tiếp tục thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống và các kết quả của từng thời điểm nỗ lực đẩy lùi dịch COVID-19 của TP và cả nước; tuyên truyền đậm nét việc triển khai thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế” và các mục tiêu chủ yếu của năm; việc thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU về nội dung “5 xây” “3 chống”, chủ trương về thực hiện văn hóa, văn minh đô thị, nông thôn mới; chương trình “Thành phố 4 an”, “Thành phố môi trường”, chủ trương về thực hiện văn hóa, văn minh đô thị…

Phóng viên tác nghiệp trong thời điểm dịch bệnh COVID- 19 bùng phát tại Đà Nẵng.

P.V: Ông nhìn nhận như thế nào về phẩm chất, đạo đức người làm báo trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ?

Ông Nguyễn Đình Vĩnh: Cùng với quá trình toàn cầu hóa, sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông cũng như mạng Internet, khủng hoảng đạo đức báo chí cũng trở thành vấn đề được toàn cầu quan tâm. Bên cạnh mặt tích cực về một môi trường báo chí hiện đại, năng động thì cũng phát sinh ra một số tiêu cực trong nghề báo. Vì cạnh tranh thông tin, vì mục đích kiếm tiền, có không ít nhà báo, tờ báo không còn chú trọng đến đạo đức nghề nghiệp, phẩm giá của người cầm bút. Đặc biệt, tình trạng “sáng đăng, chiều gỡ” diễn ra ở một số báo điện tử đã gây không ít bức xúc với bạn đọc, dư luận xã hội. Nguyên nhân chính xuất phát từ nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đạo đức người làm báo trong điều kiện thu nhập của họ không tăng. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí còn nhiều kẽ hở khiến những vi phạm trong đạo đức nghề báo chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một nguyên nhân nữa phải nhắc tới đó là sự thiếu bản lĩnh chính trị - văn hóa, thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của một bộ phận người làm báo; thiếu kiến thức cơ bản về nghiệp vụ báo chí.

Mặt khác, hiện nay mạng xã hội phát triển quá mạnh, nhiều thông tin, có những thông tin chuẩn xác, lành mạnh, nhưng cũng có không ít thông tin với mục đích xấu. Một số người làm báo thiếu sự kiểm chứng, thiếu tính chuyên nghiệp và thậm chí tùy tiện trong khai thác thông tin mạng xã hội, sa lầy vào những thông tin mang tính chất tầm thường, giật gân. Bên cạnh đó, do đặc thù của mạng xã hội nên thông tin lan tỏa với tốc độ chóng mặt đã tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội, làm cho người dân tiếp cận thông tin không chuẩn mực bị phân tâm, hoang mang hay hiểu sai về chính sách, chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước.

Đối với Đà Nẵng, trong những năm qua, báo chí và đội ngũ những người làm báo luôn đồng hành cùng với sự phát triển chung của TP. Hầu hết các cơ quan báo chí trên địa bàn TP rất chú trọng xây dựng một đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp với phương pháp, kỹ năng, tác phong làm báo phù hợp, cách viết hiện đại, sáng tạo, hấp dẫn nhằm thu hút được sự quan tâm của người đọc. Do đó, các cơ quan báo chí đã thể hiện được dòng chảy chính trong quá trình xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng, thực sự là cầu nối giữa chính quyền TP và người dân Đà Nẵng. Song, nhìn vào thực tế hoạt động của báo chí Đà Nẵng hiện nay, tuy tình trạng giật tít, câu view, đăng tải lại thông tin thiếu kiểm chứng dẫn đến sai lệch, có dấu hiệu áp đặt, suy diễn thiếu căn cứ không phổ biến nhưng vẫn tồn tại, ít nhiều gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân, chính quyền TP và cộng đồng báo chí tại Đà Nẵng. Vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí không tập trung phản ánh hoạt động của ngành, lĩnh vực mình mà sa đà phản ánh những vấn đề thuộc lĩnh vực khác không đúng tôn chỉ, mục đích…

P.V: Kỳ vọng của ông nói riêng, của Đà Nẵng nói chung đối với báo chí, trong đó có Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng?

Ông Nguyễn Đình Vĩnh: Đảng bộ và chính quyền TP Đà Nẵng luôn xác định báo chí, truyền thông là một trong những lĩnh vực hết sức quan trọng trong quá trình chỉ đạo, điều hành và phát triển TP. Theo đó, Đảng bộ, chính quyền TP hết sức coi trọng vai trò của báo chí. Cùng với sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ toàn diện về loại hình, số lượng, hình thức, công nghệ và đội ngũ người làm báo…, vai trò, đóng góp và sức ảnh hưởng xã hội của báo chí đối với xã hội ngày càng lớn, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của các cơ quan báo, đài TP và cơ quan báo chí Trung ương, địa phương khác đã ký kết hợp tác truyền thông với TP Đà Nẵng. Vì vậy, lãnh đạo TP mong muốn các cơ quan báo chí, trong đó có Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục đồng hành cùng TP trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và của TP đến với người dân; chú trọng đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng nội dung các tin, bài, phóng sự; không ngừng đổi mới, sáng tạo trong việc khai thác các đề tài liên quan đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, con người của TP, nhất là nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại Đà Nẵng trong thời gian tới. Đặc biệt sẽ tiếp tục đồng hành cùng thành phố trong công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19, trong các chương trình, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch...

P.V: Xin cảm ơn ông!

PHAN THỦY