Báo Công An Đà Nẵng

Kỷ niệm 69 năm ngày truyền thống TAND 13-9:

Báo chí với công tác tuyên truyền pháp luật từ những phiên tòa

Thứ bảy, 13/09/2014 17:13

Ghi và cảm nhận!

(Cadn.com.vn) - Khi biết tôi được phân công theo dõi mảng tòa án, không ít đồng nghiệp tỏ ra ái ngại cho tôi bởi khi nói đến tòa án, người ta thường nghĩ đến kiện tụng, tội phạm… Riêng tôi lại nghĩ khác, nhất là sau thời gian gắn bó với các hoạt động xét xử của tòa án, tôi nhận ra rằng đằng sau sự khô khan của những điều luật là rất nhiều câu chuyện cảm động, đầy ắp tình người. Và trên tất thảy, chính từ những phiên tòa, người dân lại có thêm một cách tiếp cận với pháp luật hiệu quả, điều mà những người cầm bút hướng tới.

Với nhiệm vụ của mình, hệ thống tòa án 2 cấp TP Đà Nẵng không ngừng nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật cụ thể từ việc nâng cao chất lượng xét xử. Bởi lẽ, một khi chất lượng xét xử được chú trọng đồng nghĩa với việc hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được nâng cao. Việc đưa những vụ án điểm ra xét xử lưu động tại địa bàn nơi xảy ra tranh chấp hoặc nơi xảy ra tội phạm không những mang tính tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân mà còn qua đó tạo sự công bằng; sự tin tưởng pháp luật và nâng cao tinh thần cảnh giác trong nhân dân.

Hẳn, trong cuộc sống không phải ai cũng hiểu tường tận về pháp luật, về các điều khoản quy định phạm tội, nặng- nhẹ nên không ít người khi dự khán những phiên tòa mới "ngộ" ra những kiến thức pháp luật hữu ích đối với mình. Còn nhớ, trong phiên xét xử vụ án "Cướp giật tài sản" xảy ra trên địa bàn Q. Thanh Khê (Đà Nẵng) mà bị cáo là một nữ cử nhân sư phạm là một ví dụ điển hình về sự thiếu hiểu biết pháp luật.

Trong lúc giằng co với người tình, nữ bị cáo làm đứt dây chuyền của anh ta nên bị cáo đem về nhà; qua điều tra, hành vi đó đã cấu thành một vụ cướp tài sản. Chỉ khi đứng trước vành móng ngựa, nữ bị cáo này mới biết được những hành vi của mình, trong luật pháp quy định là tội cướp.

Hay ở một phiên tòa khác, người mẹ tần ngần nhìn con trai đứng trước vành móng ngựa và bị truy tố về tội "Giao cấu với trẻ em". Bà đâu ngờ rằng việc làm của con là phạm tội, đơn giản trong suy nghĩ của bà là hai đứa yêu nhau, thường xuyên đến nhà chơi, ăn cơm và... ngủ lại.

Vậy nên, khi con bà bị bắt, bà không sao lý giải được. Việc giáo dục, tuyên truyền pháp luật tại các phiên tòa đạt hiệu quả còn thể hiện khi một bản án đưa ra đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và nhận được sự đồng tình ủng hộ. Qua đó, giúp người dân ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật, mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm.

Hoạt động xét xử của TAND góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống một cách hiệu quả.

Báo chí góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của tòa án

Tuyên truyền pháp luật từ những phiên tòa thông qua báo chí là một trong những kênh thông tin hiệu quả. Có thể thấy giữa tòa án và báo chí có mối quan hệ khăng khít và tương hỗ nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật cho nhân dân, qua đó góp phần nâng cao dân trí.

Hoạt động xét xử của tòa án 2 cấp TP Đà Nẵng và hoạt động thông tin, tuyên truyền của cơ quan báo chí đã có sự phối hợp đồng bộ, góp phần tích cực vào việc xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội. Trên cơ sở chức năng của mỗi cơ quan, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trên địa bàn TP Đà Nẵng thời gian qua đã tạo được những chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về các mối quan hệ pháp luật hình sự, hành chính và dân sự.

Ông Trần Huy Đức, Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng chia sẻ: "Có thể khẳng định, tại các phiên tòa, sự tham gia của báo chí trong việc đưa tin về công tác xét xử chính là một trong những điều kiện quan trọng để công tác tuyên truyền pháp luật đạt được hiệu quả. Thông qua việc đưa tin về công tác xét xử tại các phiên tòa, các cơ quan báo chí nói chung và Báo Công an TP Đà Nẵng nói riêng đã giúp cho Tòa án nhân dân hai cấp của thành phố Đà Nẵng thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước cũng như TAND Tối cao giao phó...".

Cũng theo đồng chí Trần Huy Đức, mối quan hệ gắn bó, tốt đẹp giữa báo chí với TAND hai cấp của thành phố Đà Nẵng chính là tiền đề quan trọng cho công tác tuyên truyền pháp luật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. TAND hai cấp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với báo chí trong công tác tuyên truyền pháp luật.

Tham dự tòa và viết về những vụ án cụ thể, người cầm bút không những có nhiệm vụ tuyên truyền, định hướng pháp luật cho người dân mà qua bài viết của mình để cảnh tỉnh mọi người cần tránh những việc làm phạm pháp; đồng thời khơi gợi sự bao dung của xã hội đối với người phạm tội biết ăn năn, hối cải. Báo chí không chỉ làm nhiệm vụ tường thuật lại các phiên tòa một cách giản đơn mà qua đó thông tin thêm cho bạn đọc một góc nhìn khác nhân văn hơn.

Có thể khẳng định, mục đích việc giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về những quy định của pháp luật và tự giác tuân theo. Thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Nhà nước có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực pháp luật, từng bước góp phần xây dựng công cuộc cải cách tư pháp thông qua hoạt động xét xử của Tòa án. Báo chí đã, đang và sẽ là nhịp cầu nối đưa pháp luật đến với người dân một cách cụ thể hơn, sâu rộng hơn từ diễn biến của mỗi phiên tòa.

Bài, ảnh: Phương Trang