Bảo đảm quyền bầu cử, ứng cử của công dân
(Cadn.com.vn) - Hôm nay (6-11), Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Chiều 5-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Trước đó, sáng 5-11, các đại biểu Quốc hội làm việc ở Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND); thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự án Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. |
Quy định tiêu chuẩn ĐBQH để “lọc” từ đầu vào
Với 11 chương, 98 điều, dự án Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND được xây dựng trên cơ sở sửa đổi và hợp nhất Luật bầu cử ĐBQH và Luật bầu cử đại biểu HĐND hiện hành, nhằm cụ thể hóa các nội dung mới của Hiến pháp, bảo đảm thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức, chuẩn bị bầu cử.
Thảo luận dự thảo Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo luật phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND để lựa chọn và bầu ra những người ưu tú, đại diện cho các tầng lớp nhân dân tham gia trong cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương; nâng cao chất lượng ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp; bảo đảm sự phù hợp của Luật với Hiến pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật để công dân thực hiện đầy đủ quyền bầu cử, ứng cử của mình...
Thảo luận về việc quy định về tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND, dự thảo Luật bầu cử không quy định cụ thể về tiêu chuẩn đối với ĐBQH, đại biểu HĐND bởi các nội dung này sẽ được quy định cụ thể trong Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Không tán thành với quan điểm này và cho rằng quy định như vậy là không phù hợp, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị cần phải quy định ngay tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội trong dự thảo luật này để làm “bộ lọc” ngay từ đầu vào.
Trên cơ sở tán thành cần có quy định về tuyên truyền, vận động bầu cử nhưng một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn để bảo đảm có sự thống nhất trong thực hiện, tạo điều kiện cho người ứng cử sử dụng một cách tốt nhất các cơ hội giới thiệu về bản thân, song vẫn cần chặt chẽ để bảo đảm tính công bằng, dân chủ, khách quan trong quá trình bầu cử. Nhiều ý kiến nhất trí với quy định về hai hình thức vận động bầu cử là người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương nơi mình ứng cử tổ chức và vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (Điều 66). Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn về việc quy định giới hạn chỉ có hai hình thức vận động bầu cử nói trên sẽ hạn chế khả năng, cơ hội để người ứng cử được tiếp cận, giới thiệu về mình đến cử tri. Ngoài ra, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong vận động bầu cử (Điều 65) cũng chưa thật sự đầy đủ, chưa dự liệu hết các khả năng có thể phát sinh trên thực tế.
Phân định rõ giám sát của Mặt trận
Theo Tờ trình, dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) vẫn giữ đoạn Mở đầu của Luật hiện hành nhưng có sửa đổi, bổ sung nhằm khẳng định truyền thống của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc và thể hiện rõ vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam là tổ chức kết nối giữa Nhân dân với Đảng, với Nhà nước.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm tới hai nội dung về hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam (Chương V) và hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam (Chương VI). Đối với hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam, so với Luật hiện hành, Chương V của dự thảo Luật quy định về hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam đã mở rộng hơn phạm vi giám sát, đối tượng giám sát nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp.
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng mặc dù khoản 1 Điều 26 của dự thảo Luật khẳng định “Giám sát của MTTQ Việt Nam mang tính nhân dân, hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước,...” nhưng đối tượng, nội dung, phạm vi, hình thức giám sát của MTTQ Việt Nam (Điều 27 và Điều 28) không có nhiều điểm khác so với giám sát của cơ quan dân cử và cũng chưa thể hiện sự “hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước”.
Một số ý kiến đề nghị dự thảo luật cần phân định rõ giám sát của MTTQ Việt Nam với giám sát của cơ quan dân cử mang tính quyền lực Nhà nước để từ đó xác định đúng tính chất, quy mô giám sát, giá trị pháp lý của kết luận giám sát do MTTQ Việt Nam thực hiện; mối quan hệ giữa giám sát của Mặt trận với các hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử.
Về hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam (Chương VI), các ý kiến cho rằng việc thể chế hóa chủ trương của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong dự thảo Luật là cần thiết. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Hiến pháp đều ghi nhận nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Nhấn mạnh phản biện xã hội của MTTQ nhất thiết phải mang tính nhân dân, đại biểu Bùi Nguyên Súy đề nghị dự thảo Luật phải đưa ra mục đích, nội dung và đối tượng phản biện trong thiết kế Chương VI.
Theo chương trình, ngày 6-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Thu Thủy – TTXVN