Báo Công An Đà Nẵng

Bảo đảm quyền lợi của người bệnh lao có thẻ BHYT

Thứ tư, 17/12/2014 09:57

(Cadn.com.vn) - Ngày 16-12, tại TP Đà Nẵng, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo định hướng xây dựng Thông tư hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đối với bệnh lao. Đây là hoạt động nhằm đánh giá thực trạng bệnh lao và công tác chống lao tại Việt Nam; phân tích khó khăn và vướng mắc trong triển khai thực hiện chính sách BHYT cho người bệnh lao cũng như đề xuất các giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện chính sách BHYT cho người bệnh lao nhằm bảo đảm quyền lợi của người bệnh lao có thẻ BHYT...

Người mắc bệnh lao đa số nghèo khó

Bệnh lao hiện vẫn là một trong những vấn đề sức khỏe được quan tâm trên toàn cầu về tỷ lệ mắc, tỷ lệ chết và gánh nặng kinh tế, xã hội. Nguy cơ mắc bệnh lao có thể xảy ra với tất cả mọi người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng. Việt Nam đứng hàng thứ 12 trong số 22 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Hằng năm, Việt Nam có khoảng 130.000 người mắc lao mới, 170.000 người mắc lao lưu hành, khoảng 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc và đặc biệt có đến 18.000 người tử vong do bệnh lao.

Trong số những người mắc bệnh lao có tới 75% là nông dân, người nghèo. Như vậy, ở nước ta trung bình, cứ 1 giờ có 2 người chết vì bệnh lao, trong khi bệnh lao là bệnh có thể điều trị khỏi nếu người bệnh được điều trị kịp thời theo quy trình điều trị của bác sỹ. Tuy nhiên nhiều người dân vẫn còn e ngại và thiếu hiểu biết về bệnh lao. Ngoài ra, theo con số dự báo, hiện phát hiện lao chỉ đạt 70%, còn 30% chưa được phát hiện trong cộng đồng, do vậy đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với việc hướng đến mục tiêu kiểm soát toàn bộ nguồn lây nhiễm.

Qua khảo sát của Bộ Y tế tại 6 tỉnh, thành phố (Hà Nam, Nam Định, Gia Lai, Bình Định, Cần Thơ, Hậu Giang), người mắc lao chủ yếu gặp là nam giới, tỷ lệ nữ mắc lao chiếm dưới ¼ tổng số người bệnh lao. Mặc dù không có số liệu chính xác nhưng theo báo cáo của các tỉnh, có khoảng 45% người bệnh là người cao tuổi, tập trung ở các vùng nông thôn nhiều hơn thành thị. Người mắc bệnh lao thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thuộc các hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Hiện nay, theo chính sách BHYT người thuộc hộ gia đình nghèo được nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí và người thuộc gia đình hộ cận nghèo được hỗ trợ ít nhất 70% chi phí mua thẻ BHYT.

Do vậy, đây cũng là một trong những lý do mà tỷ lệ người bệnh lao có thẻ BHYT tương đối cao so với các nhóm bệnh xã hội khác. Như vậy, với đối tượng người mắc lao tương đối đặc thù, thường là những đối tượng nghèo, cần có quan tâm hỗ trợ đặc biệt. Mặc dù hiện nay theo quy định của Luật BHYT, tỷ lệ đồng chi trả đối với người thuộc hộ gia đình nghèo là 5% và thuộc hộ gia đình cận nghèo là 20% tổng chi phí điều trị, tuy nhiên, chi phí đồng chi trả này tương đối lớn so với điều kiện kinh tế của đa số người mắc lao. Vì vậy, việc xây dựng cơ chế tài chính BHYT phù hợp là vấn đề hết sức cần thiết nhằm đảm bảo người bệnh có khả năng tiếp cận dịch vụ y tế thuận tiện và hiệu quả.

Cần quy định người mắc lao là đối tượng đặc biệt được nhà nước mua thẻ BHYT.

Bảo đảm quyền lợi của người bệnh lao có thẻ BHYT

Với mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người bệnh lao một cách có hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống lao, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam, tạo sự công bằng trong việc tiếp cận các dịch vụ cho người bệnh lao nhất là trong giai đoạn hiện nay khi các nguồn viện trợ cho điều trị và phòng chống bệnh lao ở Việt Nam đang dần cắt giảm và tiến tới tự chủ hoàn toàn về tài chính thì việc xây dựng một cơ chế chính sách bảo đảm bền vững tài chính cho phòng chống lao là vấn đề hết sức cấp bách.

Vì vậy, việc xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện khám, chữa bệnh BHYT đối với người có thẻ BHYT mắc bệnh lao là rất cần thiết. Văn bản này cũng là bước tiếp theo của việc hoàn thiện các văn bản dưới luật trong tổ chức, thực hiện Luật BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT...

Theo các đại biểu, người bệnh lao được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến quận, huyện và xã, phường. Theo quy định của Luật BHYT, để được hưởng đầy đủ phạm vi quyền lợi BHYT, người bệnh lao phải đến cơ sở KCB đúng theo nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu để điều trị hoặc được chuyển tuyến. Hiện nay, các tổ lao hiện đang trực thuộc chủ yếu tại TTYTDP. Tuy nhiên, TTYTDP hầu hết không có phòng khám đa khoa, do vậy không có chức năng khám bệnh, chữa bệnh.

Theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật về BHYT hiện hành, TTYTDP không được đăng ký KCB ban đầu cho người bệnh có thẻ BHYT. Điều này dẫn đến thực tế người bệnh lao được quản lý tại các tổ lao tại TTYTDP sẽ không được hưởng quyền lợi BHYT và chuyển tuyến KCB BHYT tại trung tâm. Do vậy, việc xây dựng thông tư có nội dung quy định về các cơ sở đủ điều kiện đăng ký KCB ban đầu cho người bệnh lao gồm các TTYTDP là điều cần thiết để đảm bảo quyền lợi, giảm bớt khó khăn cho người bệnh có thẻ BHYT. Đồng thời, cần cân nhắc bỏ quy định về tuyến điều trị đối với người bệnh lao có thẻ BHYT theo lộ trình phù hợp để người bệnh lao có thể đi khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở KCB nào đều được hưởng đầy đủ quyền lợi của người bệnh BHYT.

Ngoài ra, lao là một bệnh mãn tính cần điều trị dài ngày, để bảo đảm đủ thời gian người bệnh lao được điều trị tại các cơ sở tuyến trên cho đến giai đoạn ổn định, Bộ Y tế cần quy định cụ thể bệnh lao là một trong các trường hợp được sử dụng giấy chuyển tuyến hết năm tài chính trong Thông tư quy định về đăng ký KCB và chuyển tuyến đối với người bệnh có thẻ BHYT. Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng Luật BHYT sửa đổi bổ sung đã ban hành và quy định từ ngày 1-1-2015, người bệnh có thẻ BHYT thuộc hộ gia đình nghèo được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh, thuộc hộ gia đình cận nghèo phải đóng 5% đồng chi trả. Tuy nhiên, các đối tượng khác vẫn phải đóng 20% đồng chi trả.

Như vậy, khi quỹ BHYT trở thành nguồn tài chính cơ bản chi trả chi phí KCB cho người bệnh lao có thẻ BHYT, toàn bộ thuốc để điều trị bệnh lao (thuốc điều trị lao theo phác đồ, kể cả lao kháng thuốc) cần phải có trong danh mục thuốc điều trị lao thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Ngoài ra, lao là một bệnh đặc thù, gói chăm sóc y tế và chi phí tương đối tương đồng giữa các trường hợp người bệnh mắc lao cùng một thể. Do vậy, việc chuyển đổi thanh toán từ phí dịch vụ sang thanh toán theo định suất là một giải pháp hợp lý để giảm bớt các vướng mắc hiện đang tồn tại...

Đối với các chính sách trong giai đoạn xa hơn, các đại biểu cho rằng cần quy định người mắc lao là đối tượng đặc biệt được nhà nước mua thẻ BHYT (thực hiện như đối tượng người nghèo hiện nay) hoặc nhà nước hỗ trợ kinh phí thông qua chương trình phòng chống lao quốc gia để mua toàn bộ thẻ BHYT cho người bệnh lao. Đồng thời, được nhà nước chi 100% chi phí KCB BHYT hoặc nhà nước hỗ trợ kinh phí để đóng toàn bộ kinh phí đồng chi trả cho người bệnh lao...

T.Dũng