Báo Công An Đà Nẵng

Phiên họp thứ Ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV:

Bảo đảm sự thống nhất trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Thứ bảy, 17/09/2016 07:29

(Cadn.com.vn) - Tại phiên họp thứ 3 diễn ra vào chiều 16-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ  và công cụ hỗ trợ.

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được trình bày tại phiên họp cho biết, ngày 30-6-2011, UBTVQH đã ban hành Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; tiếp đó, ngày 12-7-2013, UBTVQH đã ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Sau hơn 4 năm tổ chức triển khai thi hành Pháp lệnh, công tác quản lý Nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã đạt được những kết quả quan trọng.

Trung tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm tổ chức triển khai thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong tình hình mới. Nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập và để tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH trong tình hình mới, thì việc xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là cần thiết.

* Sáng 16-9, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật quy hoạch. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông nêu rõ việc ban hành Luật quy hoạch sẽ là bước cải cách về thể chế tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch theo đúng quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và phù hợp với quy định mới của Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Chính phủ 2015 về vai trò quản lý nhà nước về kinh tế. Dự thảo Luật quy hoạch bao gồm 8 chương với 69 điều. Theo Tờ trình, Luật này được soạn thảo theo hướng điều chỉnh chung cho tất cả các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước về: lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện các loại quy hoạch; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động quy hoạch.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu đều khẳng định sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; cho rằng luật được ban hành sẽ thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác này.

Liên quan đến việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về hoạt động rà phá bom mìn, xử lý ô nhiễm bom mìn vì hiện nay hoạt động này đang được thực hiện bởi nhiều tổ chức với nhiều nguồn vốn khác nhau, công tác quản lý chưa thống nhất, còn bất cập.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng cho rằng, Điều 5 của dự án Luật về hành vi bị cấm còn chưa cụ thể; đề xuất cần “quy định rõ hành vi, đối tượng bị cấm; cấm ai, ai cấm, cấm cái gì, vì sao cấm thì phải nêu rõ, còn quy định như Điều 5 thì chung chung quá”. Đồng thời, quy định nổ súng như dự thảo Luật cũng chưa cụ thể, còn chung chung, khó vận dụng trong thực tiễn; dự thảo Luật cần nghiên cứu, xây dựng các quy định cụ thể về nổ súng.

Đồng quan điểm nêu trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Hà Ngọc Chiến nêu quan điểm: Bên cạnh được quy định trong dự án Luật thì nổ súng còn được quy định ở một số đạo luật khác; đề xuất nên tiến tới thống nhất đưa tất cả các quy định về nổ súng vào dự án Luật này (Điều 21) để bảo đảm tính thống nhất đối với các quy định về nổ súng. Đồng thời dự án Luật cũng cần có những quy định rõ về cảnh báo trước khi nổ súng.

Phân tích 2 xu hướng mà thực tiễn xảy ra là có trường hợp lẽ ra cần phải nổ súng, nhưng lực lượng chức năng không nổ súng vì các quy định chưa cụ thể, rõ ràng, người được trang bị sử dụng vũ khí sợ rủi ro pháp lý đến với mình khi giới hạn về phòng vệ chính đáng và không chính đáng là mong manh và xu hướng thứ hai là việc lạm dụng nổ súng, khi chưa cần thiết, không cần thiết nổ súng thì đã nổ súng, gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng người dân; Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về 2 xu hướng này với các số liệu dẫn chiếu cụ thể để cân nhắc, xây dựng các quy định cụ thể, rõ ràng và chặt chẽ hơn về quy định nổ súng, cũng như hoàn thiện hồ sơ đối với dự án Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH Nguyễn Thanh Hải và một số ý kiến ý kiến cho rằng dự án Luật cũng cần có những quy định cụ thể về điều kiện sức khỏe, tâm lý của những người được trang bị vũ khí, tránh tình trạng do những điều kiện về sức khỏe, tâm lý mà người được trang bị vũ khí lạm dụng vũ khí; không kiểm soát được hành vi trong quá trình sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được xây dựng với bố cục gồm 8 Chương, 75 Điều, quy định cụ thể về quản lý, sử dụng vũ khí; quản lý, sử dụng vật liệu nổ; quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ; quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ; tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý Nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Thu Thủy – TTXVN