Báo Công An Đà Nẵng

Báo động bệnh nhân liên cầu lợn tăng đột biến ở miền Trung

Thứ bảy, 29/05/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Chỉ  trong vòng hơn 1 tháng (cuối tháng 4 đến tháng 5), Bệnh viện T.Ư Huế tiếp nhận 28 bệnh nhân (BN) các tỉnh khu vực miền Trung như Quảng Ngãi, TT- Huế, Quảng Trị, Quảng Bình..., mắc liên cầu lợn trong đó có khá nhiều BN cấy máu dương tính và một số nghi nhiễm. Tính đến ngày 28-5 đã có 5 BN tử vong vì liên cầu lợn và 7 BN đang điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu và Khoa lây BV T.Ư Huế.

BN ở Quảng Ngãi tử vong vì liên cầu lợn?

BN tử vong do liên cầu lợn gần đây nhất tại BV T.Ư Huế là anh Bùi Văn N. (37 tuổi, trú P. Lộ Chánh, TP Quảng Ngãi). BN này nhập viện sáng 21-5 trong tình trạng sốt cao, viêm phổi và suy đa phủ tạng sau khi ăn tiết canh lợn, đến rạng sáng 22-5 thì tử vong. Ngoài BN N. có 4 BN (trong đó TT-Huế có 2 trường hợp) đã tử vong vì liên cầu lợn.

Mặc dù theo kết luận của BV T.Ư Huế thì BN N. tử vong là do liên cầu lợn, tuy nhiên chiều 26-5, BS Nguyễn Xuân Mến-Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho rằng: trong vài ngày qua, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin  BN N. bị tử vong do liên cầu lợn, làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân và cộng đồng.

Theo BS Mến, bệnh liên cầu lợn gây nhiễm từ lợn sang người do tiếp xúc hoặc ăn thịt lợn chưa chín, ăn tiết canh lợn. Biểu hiện lâm sàng của bệnh này là nhiễm trùng huyết, xuất huyết dưới da khắp cơ thể và tạo thành cầu ban hoại tử, dẫn đến suy đa phủ tạng và tử vong. Trước đó, ngày 24-5, Sở Y tế Quảng Ngãi đã có công văn gửi BV T.Ư Huế đề cập đến vấn đề này.

BS Dương Văn sinh- Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu BV T.Ư Huế khẳng định: “Hiện, BV T.Ư Huế đã nhận được công văn yêu cầu xác nhận rõ nguyên nhân tử vong của BN N. và BV đang có công văn chính thức trả lời là BN N. tử vong vì liên cầu lợn”. Theo BS Sinh, mặc dù BN N. có kết quả xét nghiệm âm tính là vì trước đó ở tuyến cơ sở BN đã được uống thuốc kháng sinh.

BS Sinh khẳng định, BN N.  chắc chắn mắc bệnh liên cầu lợn. Ngoài việc dựa trên kết quả cấy máu, kết quả này còn được xác định qua yếu tố dịch tễ (người bệnh ăn thịt lợn), triệu chứng lâm sàng của người bệnh phù hợp với các triệu chứng của bệnh liên cầu lợn, ngoài ra các BN còn bị suy đa phủ tạng. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp có thể kết quả cấy máu không mọc liên cầu lợn nhưng bệnh nhân vẫn nhiễm bệnh và hiện một số trường hợp đang điều trị tại BV. Trong hồ sơ bệnh án của BN N. cũng nêu rõ, toàn thân có nhiều nốt xuất huyết, da mặt thâm đen, môi tím, kết mạc mắt vùng đậm, đau lâm râm vùng bụng...

Những bệnh nhân nghi nhiễm liên cầu lợn đang điều trị tại BV T.Ư Huế. 

Người dân không nên chủ quan

Mặc dù đã được các BS khuyến cáo không nên ăn tiết canh lợn, lòng lợn trước tình hình liên cầu lợn đang gia tăng, nhưng theo quan sát của P.V, khá đông người dân vẫn chủ quan và vẫn không loại trừ món “khoái khẩu” đó ngoài thực đơn buổi sáng. Theo BS Dương Văn Sinh thì triệu chứng của người nhiễm liên cầu lợn gần giống như ngộ độc thức ăn như nôn mửa, đi ngoài phân lỏng, mệt mỏi, sốc nặng, suy đa tạng...

Tuy nhiên, một số trường hợp khi xảy ra những dấu hiệu này thì cho là ngộ độc thức ăn vì vậy không đến ngay BV để thăm khám, và một số trường hợp đến BV khi quá trễ thì rất khó chữa trị. Ông Hoàng Hữu Nam- Phó Giám đốc Sở Y tế TT-Huế cho biết: “Chiều 27-5, Sở đã phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng và Phòng nghiệp vụ y nắm tình hình những trường hợp dương tính và nghi nhiễm liên cầu lợn tại BV T.Ư Huế.

Lòng lợn - thức ăn có thể dẫn đến bệnh liên cầu lợn. 

Trong số 5 BN quê TT-Huế đang điều trị tại BV T.Ư Huế, sau khi nắm danh sách cụ thể, ngày 28-5, các cơ quan chức năng đã phối hợp phun Cloramin B ở khu vực các BN đó sinh sống. Trong số 5 BN này, có 3 BN nhà nuôi lợn nhưng khi Chi cục Thú y kiểm tra thì lợn vẫn khỏe mạnh và đến nay, trên địa bàn TT-Huế vẫn chưa xảy ra dịch heo tai xanh”.

BS Dương Văn Sinh- Trưởng khoa Cấp cứu hồi sức Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, thời điểm này năm trước mỗi tháng chỉ có 1- 2 bệnh nhân mắc liên cầu lợn nhập viện, nhưng trong thời gian hơn 1 tháng trở lại đây lượng bệnh nhân mắc bệnh này nhập viện tăng gấp khoảng 5 lần so với cùng kỳ và số BN chết vì liên cầu lợn chiếm tỷ lệ cao so với từ trước đến nay. 
Trước tình hình người mắc bệnh liên cầu lợn tăng đột biến ở miền Trung, Sở Y tế TT-Huế đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền. Đối với những trường hợp đã có kết quả xét nghiệm dương tính, thì Sở thành lập đoàn tiến hành làm vệ sinh môi trường ở khu vực mà BN đang sinh sống. BS Dương Văn Sinh khuyến cáo, người dân không nên dùng thực phẩm chế biến từ thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa nấu chín, khi sơ chế phải mang găng tay; tuyệt đối không ăn tiết canh lợn.

Do vi khuẩn truyền từ lợn sang người nên khi người dân tiếp xúc với lợn cần có đồ dùng bảo hộ. Ngay sau khi nghi ngờ tiếp xúc với mầm bệnh phải rửa tay thật sạch. Đặc biệt, khi người bệnh sốt cao 40-41 độ, tiêu chảy, có các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, cứng cổ... cần đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị. Các ngành chức năng cần tăng cường kiểm dịch ráo riết, chặt chẽ; cấm lưu hành gia súc bệnh qua địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh: Hải Lan