Báo Công An Đà Nẵng

Báo động nạn trộm điện

Thứ bảy, 06/09/2014 08:20

(Cadn.com.vn) - Tính đến hết tháng 7-2014, tổng số vụ trộm cắp điện tại Đà Nẵng đã bằng cả năm 2013, song sản lượng bồi thường tăng gấp đôi. Con số này cho thấy, trong khi nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ quan đang tìm cách tiết kiệm điện, giảm chi phí cho mình cũng như làm lợi cho Nhà nước thì một bộ phận vẫn tìm mọi cách xài điện "chùa". Hành vi này vừa mất an toàn trong sử dụng điện vừa gây thất thoát một khoản lớn cho ngân sách.

"Điện tặc" phá sâu kỷ lục

Qua mỗi năm, nạn trộm điện tại TP Đà Nẵng lại có xu hướng gia tăng mạnh cả về số vụ và sản lượng điện thất thoát. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ trong 9 tháng của năm 2013 thì số vụ vi phạm sử dụng điện trên địa bàn thành phố đã bằng cả năm 2012. Và năm 2014 dù mới bước qua tháng 9 nhưng số vụ "xài điện chùa" đã bằng cả năm 2013 với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp và khó phát hiện. Số liệu thống kê của Điện lực Đà Nẵng, số vụ trộm cắp điện năm 2013 là 67 vụ với sản lượng bồi thường 119.506kWh, tương đương với số tiền 360.673.775 đồng. Trong khi đó, trong 7 tháng của năm 2014, "điện tặc" đã thực hiện 67 vụ nhưng sản lượng bồi thường 247.748kWh, tương đương số tiền 726.819.621 đồng.

Theo ông Trần Nguyễn Bảo An, Trưởng phòng Quan hệ Cộng đồng (Điện lực Đà Nẵng), nếu như trước đây các vụ vi phạm thường ở mức từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng thì giờ đây số tiền bồi thường từ các vụ vi phạm đã tăng gấp đôi, gấp ba. Ví như mới đây ngành Điện phát hiện và xử lý bà N.T.L (trú đường Yết Kiêu) với sản lượng bồi thường 16.013kWh (tương đương 42,6 triệu đồng), ông N.V.C (trú đường Điện Biên Phủ) dùng "chùa" 15.806kWh (tiền bồi thường 41,7 triệu đồng), hoặc như ông N.M.Đ phải bồi thường số tiền điện gây thất thoát lên đến 65,4 triệu đồng.

Hiện nay, nạn trộm điện phổ biến với 3 hình thức: bứt con niêm để điện không chạy qua phía trong đồng hồ, mổ cáp để đấu nối phía trước đồng hồ và các thao tác để kim đồng hồ không thể quay. Nếu như mỗi tháng các đối tượng trộm điện chỉ sử dụng điện hợp pháp trong vòng 15 ngày, số ngày còn lại họ giở trò thì sản lượng điện bị thất thoát cũng đủ khiến cơ quan chức năng toát mồ hôi. Một cán bộ Phòng Thanh tra bảo vệ pháp chế của Cty Điện lực Đà Nẵng cho hay, khi có cán bộ điện lực quận, huyện kiểm tra, ghi số đồng hồ vào những ngày định kỳ thì đồng hồ chạy ro ro. Nhưng trước và sau đó dăm bảy ngày thì nó nằm im thin thít mặc dù vật dụng trong nhà hoạt động hết công suất.



Không dễ để phát hiện hành vi mổ cáp âm tường trước đồng hồ để trộm điện.
Ảnh nhỏ: Một trường hợp mổ cáp trước đồng hồ bị cơ quan chức năng phát hiện.
Ảnh do Điện lực Đà Nẵng cung cấp.

Trộm tinh vi

Theo bộ phận chuyên môn của ngành Điện, hình thức trộm điện chủ yếu là đấu nối trước công-tơ như mổ cáp hoặc đấu trực tiếp lên lưới (chiếm 69%), can thiệp vào hệ thống đo đếm (7%), đảo sơ đồ dùng nguội ngoài (13%) và còn nhiều thủ thuật khác. Qua công tác xử lý, cơ quan chức năng cho hay, số vụ trộm cắp điện xảy ra trên khắp các địa bàn, từ thành thị đến nông thôn, chủ yếu trộm cho mục đích sinh hoạt (87%).

Theo lãnh đạo Điện lực Đà Nẵng, "điện tặc" ngày càng lắm chiêu trò để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, thậm chí đến khi bị phát hiện cũng tìm cách chối bay, chối biến hoặc giở trò cù nhầy, du côn. Thủ đoạn phổ biến nhất vẫn là thực hiện câu móc đường dây phía trước công-tơ, thay đổi sơ đồ đấu dây lấy nguội ngoài và dùng nam châm. Nếu như phương pháp dùng nam châm "giữ chân" kim đồng hồ được sử dụng cho những người không ưa phức tạp, lại có thể nhanh chóng xóa hiện trường thì thủ thuật tự ý đảo sơ đồ đấu dây vào công-tơ kết hợp nguội ngoài lại thuộc diện "cao tay", đòi hỏi chủ nhân phải có hiểu biết về điện.

Sản lượng điện thất thoát tăng vụt qua từng năm khiến cơ quan chuyên môn "đau đầu", dù đã triển khai nhiều biện pháp. Do đó, để giảm thiểu vấn nạn này vẫn còn đang là một bài toán nan giải. Theo ông Trần Nguyễn Bảo An, việc tiếp cận để kiểm tra của lực lượng kiểm tra viên đối với khách hàng có dấu hiệu vi phạm rất khó khăn, vì hầu hết hệ thống đo đếm đặt trong phạm vi quản lý của khách hàng. Các đối tượng đã chủ động cố tình trộm điện luôn luôn chuẩn bị mọi tình huống để có thể phi tang chứng cứ mỗi khi có đoàn kiểm tra. Chưa dừng lại ở đây, nhiều "điện tặc" khi bị bắt tận tay, day tận trán đã giở chiêu cù nhầy để chạy làng. Một kiểm tra viên ngành Điện cho biết, trong một số trường hợp, đối tượng vi phạm khi bị bắt quả tang đã cố tình kích động, lôi kéo đám đông gây áp lực nhằm phi tang bằng chứng, đôi khi hăm dọa hành hung cả lực lượng chức năng.

Sản lượng điện tiết kiệm được trong 6 tháng đầu năm 2014 của TP Đà Nẵng là 22,11 triệu kWh, đạt 73,68% so với kế hoạch cả năm (30 triệu kWh). Đây là kết quả của việc nhiều cơ quan, đơn vị, hộ gia đình đã vào cuộc, dùng điện một cách hợp lý và hợp pháp. Tuy nhiên con số ấn tượng này sẽ có ý nghĩa hơn nếu số lượng các vụ trộm điện giảm đi, ý thức trong sử dụng điện của người dân được nâng cao.             

Bảo Nam