Báo Công An Đà Nẵng

Báo động tình trạng bạo lực học đường ở Gia Lai

Thứ bảy, 10/04/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, một số địa phương, nổi lên tình trạng bạo lực học đường, gây bức xúc, lo lắng trong phụ huynh và xã hội, các cơ quan chức năng chưa tìm ra biện pháp giải quyết. Tại tỉnh Gia Lai, trong vòng chưa đầy 1 tháng trở lại đây, tình trạng bạo lực học đường lại liên tục xảy ra với mức độ nguy hiểm gia tăng khiến các bậc phụ huynh vô cùng  hoang mang.

Bạo lực học đường -“SOS”

Trước khi video clip các nữ sinh đánh nhau ở Hà Nội được tung lên mạng gây xôn xao dư luận vào tháng 5-2009, một clip ghi lại cảnh teen nữ Gia Lai đánh nhau bằng mũ bảo hiểm cũng đã “online”. Tiếp sau sự kiện đình đám này, tại Gia Lai liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường với mức độ ngày càng nguy hiểm. Sáng 7-4, tại Trường THPT Nguyễn Trãi, TX An Khê (Gia Lai), trong giờ ra chơi hết tiết 1, Nguyễn Long Vũ (học sinh lớp 10A10) ngồi lại trong lớp nói chuyện với một số bạn thì bất ngờ bị bạn cùng lớp là Cao Hoài Linh (1993) từ phía sau lao tới đâm tới tấp nhiều nhát vào lưng và hông. Quá bất ngờ và hốt hoảng vì bị đâm liên tiếp, theo phản xạ, Vũ chụp lấy con dao trong tay bạn và vùng bỏ chạy. Vũ đã được các bác sĩ Khoa Ngoại– Ung bướu (BVĐK Bình Định) cứu chữa kịp thời nên sức khỏe đang dần hồi phục, nhưng vẫn còn rất hốt hoảng sau vụ việc. Còn Cao Hoài Linh đã bỏ trốn.

Trước đó, lúc 16 giờ 40 ngày 18-3, trước cổng Trường THPT Phan Bội Châu (TP Pleiku) nhiều người đi đường bất bình trước cảnh một học sinh nữ bị nhiều bạn cùng giới dùng gậy vây đánh “hội đồng” và ép lên xe máy chở đi nơi khác để tiếp tục thực hiện hành vi côn đồ trước khi lực lượng Cảnh sát 113 có mặt để ngăn chặn vụ việc và bắt đối tượng gây rối. Ngày 13-3, tại Trường Nguyễn Văn Linh (TP Pleiku, Gia Lai), trong giờ giải lao, em Lê Viết Lợi, học sinh lớp 8A3 có mâu thuẫn đánh nhau với em Un Giang San, học sinh lớp 7A2 cùng trường. Sau buổi học, em Un Giang San đã lôi kéo thêm 2 học sinh cùng trường là Trần Trung Hạnh (lớp 8A4) và Lê Bảo Hiếu (lớp 8A3) về tại phòng nội trú tập thể B14 để đánh Lê Viết Lợi trả thù. Hậu quả em Lợi bị chấn thương ở đầu, tụ máu bầm phải đi cấp cứu tại Bệnh viện 211 (Gia Lai)...

Những điều suy ngẫm

Đi tìm nguyên nhân khiến các học sinh hành xử với nhau bằng bạo lực lại thật đơn giản và khó lý giải và không ai lại không bất ngờ. Đối với vụ việc xảy ra vào ngày 7-4, ở Trường Nguyễn Trãi, theo điều tra ban đầu, trước đó giữa Cao Hoài Linh và Nguyễn Long Vũ xảy ra mâu thuẫn với nhau nhưng không được nhà trường và gia đình phát hiện, xử lý kịp thời nên để Cao Hoài Linh mang dao vào trường học và gây án nghiêm trọng. Ngày 8-4, tiếp xúc với phụ huynh, bạn bè cùng lớp và nhà trường, chúng tôi được biết: Vũ là con út trong nhà, rất ngoan, nhiều năm liền là học sinh tiên tiến, bạn bè rất quý mến. Đại diện Trường THPT Nguyễn Trãi cho biết, Cao Hoài Linh là học sinh lưu ban, cá biệt, gia đình “năn nỉ” quá nên nhà trường mới tiếp nhận. 

Trường Phổ thông Nguyễn Văn Linh (Gia Lai) -
nơi xảy ra vụ đánh học sinh Lê Viết Lợi. 

Về vụ hành hung nữ sinh trước cổng Trường THPT Phan Bội Châu (TP Pleiku), chúng tôi được biết trước đó, em Nguyễn Thị Thúy Liễu, học sinh lớp 11- B11 đã bị nhóm này đánh và ép lên xe đến đoạn đường Lê Hồng Phong (cách trường không xa) để đánh tiếp. Sau đó, cả nhóm quay lại tiếp tục đón đánh Hà. Qua điều tra, xác minh, bước đầu CATP Pleiku xác định 4 đối tượng hành hung hai nữ sinh Trường THPT Phan Bội Châu đều đã bỏ học, cùng trú TP Pleiku, gồm: Nguyễn Thị Tường Vy (1992), trú đường Sư Vạn Hạnh, P.Hội Thương; Nguyễn Thị Thúy Vân (1996), trú tổ 8, P.Hội Thương; Dương Hồng Anh (1992), trú tổ 7, P.Hoa Lư và Nguyễn Thị Ngọc Mai (1987), ở tổ 17, P.Phù Đổng. CATP Pleiku đã triệu tập các đối tượng lên làm việc. Bước đầu Vy, Vân, Anh khai việc đánh hai nữ sinh trên đều xuất phát từ những mâu thuẫn rất nhỏ. Đối với vụ bạo lực tại Trường Nguyễn Văn Linh, quá bức xúc vì em Lợi bị bạn học đánh hội đồng ngay tại ký túc xá trường, gia đình đã làm đơn tố cáo tới CATP Pleiku đề nghị điều tra làm rõ.

Nói về tình trạng này, bà Nhan Thị Hằng Nga- Phó Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Gia Lai cho rằng: bạo lực học đường không phải bây giờ mới có nhưng thời gian gần đây đã trở thành hiện tượng xã hội, đặc biệt là từ vụ “đánh hội đồng” của học sinh Trường Trần Nhân Tông (Hà Nội). Gia Lai gần đây cũng rộ lên chuyện học sinh đánh nhau. Đó là hệ quả do ảnh hưởng xấu từ môi trường với nhiều tác động tiêu cực. Ví dụ như sự phát triển của công nghệ thông tin, trong đó có internet, với nhiều chiều tốt xấu; do phụ huynh bị cuốn theo guồng máy mưu sinh mà thiếu quan tâm đến con cái; ý thức trách nhiệm của cả cộng đồng chưa đủ mạnh...

Thời gian gần đây, không chỉ tình trạng bạo lực học đường ở Gia Lai gia tăng mà tình trạng tội phạm vị thành niên cũng đang là vấn đề lo ngại, nhất là địa bàn TP Pleiku.  Thời gian vừa qua, trên địa bàn TP Pleiku nói riêng và toàn tỉnh nói chung, nhiều vụ đánh nhau, GRTTCC đã được lực lượng Cảnh sát 113 CATP có mặt kịp thời giải quyết. Các đối tượng gây rối phần lớn là ở độ tuổi thanh- thiếu niên.

Chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi với nhiều người ở nhiều cương vị khác nhau, đều nhận thấy có chung quan điểm: nguyên nhân của các vụ bạo lực học đường là phút bốc đồng, bồng bột của tuổi trẻ; cũng có thể các em bị ảnh hưởng bởi các trò chơi, phim ảnh bạo lực từ các phương tiện truyền thông. Những hành động đó có thể được can thiệp, ngăn chặn nếu có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình- nhà trường- xã hội. Thế nhưng trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh có tâm lý khoán trắng việc giáo dục, dạy dỗ cho nhà trường và khi sự việc xảy ra thì đổ lỗi cho ngành Giáo dục trong khi đáng ra gia đình phải là chỗ dựa vững chắc nhất đối với các em.

Từ đó cho thấy, để trị tận gốc tình trạng này, song song với việc các cơ quan chức năng tiến hành các giải pháp mạnh để ngăn chặn bạo lực học đường, không để nạn đầu gấu bùng phát trong nhà trường... cần phối hợp quản lý về mặt Nhà nước, các hình thức chế tài đảm bảo ANTT trong trường học kết hợp 3 mô hình: giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội cũng cần thực hiện quyết liệt, trong đó, vai trò gia đình vẫn là nòng cốt.

Bài, ảnh: Lê Duy