Báo Công An Đà Nẵng

Báo động tình trạng học sinh đuối nước

Thứ tư, 23/03/2016 09:26

(Cadn.com.vn) - Chỉ trong vòng 3 ngày, 4 em học sinh ở hai huyện Quế Sơn và Đại Lộc (Quảng Nam) bị chết đuối thương tâm. Đây là hồi chuông cảnh báo về việc quản lý học sinh, trẻ em ở các nhà trường, gia đình. 

3 ngày 4 học sinh chết đuối

8 giờ 30 ngày 16-3, một nhóm học sinh gồm các em: Mai Nguyễn Hưng, Đặng Minh Triết (cùng học lớp 7) cùng 3 người bạn khác (học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo, xã Đại Nghĩa, H. Đại Lộc, Quảng Nam) sau giờ học thể dục rủ nhau ra sông Vu Gia (đoạn qua thôn Phiếm Ái 1,  xã Đại Nghĩa) để tắm. Trong lúc tắm, em Hưng và Triết bị cuốn trôi vào vùng nước sâu nên bị đuối. Thấy vậy, các em đi cùng hoảng hốt lao lên bờ gọi người dân giúp đỡ. Nhận được thông tin, chính quyền địa phương và người dân có mặt khẩn trương tìm kiếm. Đến 10 giờ cùng ngày, mọi người mới tìm được thi thể hai em cách hiện trường hơn 500m… Được biết, cách đây một năm, cũng trên đoạn sông này, một học sinh bị đuối nước khi đang tham gia vớt dưa hấu cùng người nhà. 

Cách đó 3 ngày, tại H. Quế Sơn cũng xảy ra một vụ đuối nước khiến 2 học sinh tử vong. Chiều 13-3, sau khi đi chặt tre làm cổng trại chào mừng ngày 26-3, em Trần Duy Khánh và Trần Văn Trí cùng nhóm bạn học lớp 10/7 Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (H. Quế Sơn, Quảng Nam) rủ nhau tắm suối. Cả nhóm đến con suối ở khu vực cầu Rù Rì, ranh giới giữa xã Phú Thọ (H. Quế Sơn) và xã Bình Quý (H. Thăng Bình). Tại đây, do không biết bơi, trong lúc nô đùa, các em Trần Minh Trí, Trần Minh Trinh và Trần Minh Triệu bị hụt chân xuống nước sâu vùng vẫy. Thấy vậy, Khánh nhảy xuống cứu vớt đưa được 2 bạn Trinh và Triệu lên bờ. Khánh tiếp tục xuống cứu Trí nhưng do lúc này đuối sức, cả hai bị nước nhấn chìm. Quá hốt hoảng, nhóm bạn đi cùng chỉ biết kêu la người dân ở gần đó và điện thoại báo với thầy, cô giáo đến cứu, nhưng khi đến nơi thì không kịp…

Theo thống kê của Phòng Chăm sóc và bảo vệ trẻ em (thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam), trong năm 2015, toàn tỉnh có đến 29 trường hợp trẻ em bị chết do đuối nước. Riêng từ đầu năm 2016 đến nay đã có 7 em bị tử vong do đuối nước.

Trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ em, học sinh khỏi bị đuối nước là trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và  xã hội.

Cần nâng cao kỹ năng chống đuối nước

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Trưởng Phòng Chăm sóc và bảo vệ trẻ em (CSVBVTE) cho biết, trong những tai nạn, thương tích ở trẻ em thì đuối nước là một tai nạn khiến trẻ chết nhiều nhất. Cũng theo bà Hồng, những trường hợp các em bị đuối nước do chưa được trang bị kỹ năng cần thiết khi gặp tình huống xấu. Bên cạnh đó, một phần do sự quản lý chưa chặt chẽ của gia đình nên nguy cơ thường trực đối với các trẻ nhỏ, học sinh, nhất là vào mùa nắng. Ngoài những em học sinh chưa được trang bị kỹ năng bơi lội, nhiều nơi ở các vùng nông thôn không có điểm giữ trẻ, hoặc gia đình khó khăn nên tự quản lý.

Theo bà Hồng, trong hai năm 2014, 2015, Phòng CSBVTE tỉnh đã tổ chức 13 lớp tập huấn về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho cán bộ, người dân ở các địa phương. Đồng thời đã chỉ đạo 18/18 huyện, TP thành lập ban bảo vệ trẻ em cấp huyện, xã; qua đó để bảo vệ trẻ em tốt hơn. “Thông thường, nhiều phụ huynh vẫn chưa ý thức được hết những tiềm ẩn nguy cơ đối với con em mình. Chỉ đến khi chúng tôi đưa ra những dẫn chứng thì họ mới nhận thấy được sự nguy hiểm rình rập. Bên cạnh tổ chức các lớp tuyên truyền, chúng tôi còn phát tờ rơi trang bị những nội dung thiết yếu giúp họ có kiến thức trong việc phòng, tránh rủi ro cho trẻ em…”, bà Hồng nói.

Để hạn chế những rủi ro trên, Phòng CSVBVTE tiếp tục duy trì 18 mô hình tại 16 huyện có từ năm 2012 (trong đó có 3 mô hình về chống tai nạn, thương tích trẻ em) nhằm bảo trợ cho trẻ em tốt nhất. Trong những tai nạn của trẻ em chủ yếu là do bị đuối nước, vậy nên việc tập huấn những kỹ năng sống cũng như đưa môn bơi lội vào trường học đang được gấp rút tiến hành.

Ở một số địa phương như TP Tam Kỳ, TX Điện Bàn đã đưa môn bơi lội vào trường học và đang vận hành rất tốt, nhận được phản ứng tích cực của phụ huynh học sinh. Ông Nguyễn Tấn Sĩ, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ) cho hay, trường đã đưa môn bơi lội thành một môn học chính thức từ 6 năm nay. “Môn bơi lội là môn học cần thiết cho những học sinh vùng sông nước như Tam Kỳ. Đồng thời, đây là môn học nâng cao được thể lực cho học sinh, tạo điều kiện để nâng cao kỹ năng phòng chống thiên tai. Thời gian đầu, nhiều phụ huynh chưa hiểu rõ vấn đề nên phản ứng rất mạnh. Tuy nhiên, qua thời gian dần thuyết phục, đến nay họ đã hoàn toàn hài lòng về môn học này. Hoạt động này của trường cũng đã nhận được thư khen ngợi của Bộ trưởng Bộ Giáo dục các nước Đông Nam Á năm 2013. Đến nay, học sinh toàn trường hầu như 100% đều biết bơi”, ông Sĩ cho biết.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có điều kiện để đưa môn bơi lội vào trường học. Theo bà Hồng, mỗi hồ bơi được đầu tư bài bản phải tốn kinh phí cả tỷ đồng, trong khi đó nhiều trường học ở các vùng quê chưa có điều kiện, kinh phí để xây dựng. “Hiện, Sở VH-TT&DL tỉnh đã có đề án đưa môn bơi lội vào trường học cho tất cả các trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Đề án trên đã trình lên UBND tỉnh và đang đợi tỉnh phê duyệt”, bà cho biết.

Trần Tân