Báo Công An Đà Nẵng

Báo động tình trạng ô nhiễm do tuyển quặng vàng

Thứ năm, 05/05/2016 09:57

(Cadn.com.vn) - Tình trạng người dân lấy quặng từ mỏ vàng Bồng Miêu về ủ tuyển vàng dọc hai bên bờ sông Quế Phương (giáp ranh giữa xã Tiên Lập, H. Tiên Phước và Tam Lãnh, H. Phú Ninh, Quảng Nam) diễn ra đã lâu, nhưng các ngành chức năng không xử lý triệt để khiến môi trường, sông suối bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đỉnh điểm của sự việc khi ngày 20-4 trên địa bàn này xuất hiện mưa lớn, khiến những điểm tuyển quặng vàng bị sạt lở, hóa chất chảy ra sông khiến cá chết nổi đầy.

Hồ ngâm tuyển quặng vàng nằm sát bên dòng sông Quế Phương.

Ngày 4-5, chúng tôi có mặt tại hai bên bờ sông Quế Phương. Những ngày qua, trời không mưa nhưng nước sông đục ngầu. Không mất nhiều thời gian, chúng tôi tiếp cận một điểm tuyển quặng vàng công khai của một thanh niên nằm sát mép sông thuộc địa bàn thôn 7, xã Tam Lãnh. Qua tìm hiểu, người thanh niên này cho biết gia đình đã tuyển quặng vàng ở đây nhiều năm qua. Nguồn gốc quặng mua lại từ khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. "Mỗi hồ chứa như vậy phải cần từ 5 đến 7 ký cyanua. Ngâm ủ khoảng 1 tuần là lấy được vàng. Dọc bờ sông này lên đến khu vực mỏ vàng Bồng Miêu có đến hàng nghìn hồ như vậy"-người thanh niên cho biết. Làm vậy xã, huyện không cấm sao? "Ở đây nhiều nhà làm việc này, đâu phải mỗi gia đình em làm. Lâu lâu địa phương có xuống nói, nhưng họ nói thì nói, còn làm thì gia đình em cứ làm".

Qua quan sát, điểm tuyển quặng này có hai hồ được xây dựng kiên cố, gần nhau. Mỗi hồ đang ủ khoảng 5 khối quặng. Ở giữa khoảng cách hai hồ có hai thùng nhựa có chức năng nhận lấy vàng từ trong hồ chảy ra. Gần đó vài mét, cũng có hai hồ chứa quặng tương tự nhưng đã ngừng hoạt động vì chưa mua được nguồn quặng để làm. Theo lời người thanh niên trên, chúng tôi tiếp tục đi dọc theo dòng sông Quế Phương về hướng thượng nguồn. Chỉ một đoạn nhưng hai bên bờ sông có hàng chục điểm tuyển ủ quặng vàng trái phép, nước đục ngầu chảy ra sông. Bên bờ sông, ngoài những hồ chứa quặng, những đống đất nằm rải rác còn bốc mùi hóa chất nồng nặc được đổ ngổn ngang...

Chính vì việc làm trên không bị các ngành chức năng kiểm soát, xử lý mạnh nên nguồn hóa chất cyanua được người dân sử dụng công khai. "Việc cá chết nổi dưới sông cách đây vài ngày em có biết không?", tôi hỏi. Người thanh niên lúc nãy bảo vụ việc đó cả xã, huyện ai cũng biết. "Trời mưa xuống bất ngờ, những hồ chứa quặng đang ngâm cyanua bị vỡ, nước độc chảy xuống sông nên cá chết thôi. Cả khu vực bên mép sông này có cả nghìn hồ như vậy, tất nhiên chất độc sẽ nhiều rồi"- người thanh niên thản nhiên lý giải về nguyên nhân cá chết một cách rất bình thản.

Trước đó, chiều 24-4, khu vực này xuất hiện mưa to, sáng hôm sau người dân thấy cá chết nổi đầy trên sông. "Trước đó nước sông cũng đỏ như vậy, nhưng không có cá chết nổi lên, chỉ lạ là sau trận mưa đêm thì cá chết. Như vậy thử hỏi có phải do xả nước thải độc hại không? Sông ô nhiễm thì đã ô nhiễm rồi, nhưng cá chết là điều đáng lo sợ hơn nhiều", ông Lê Đình Tuấn (thôn 3, xã Tiên Lập) bức xúc.



Chất thải từ quá trình làm vàng chảy trực tiếp ra sông Quế Phương.

Ông Tuấn cho biết thêm, trước kia sông Quế Phương cá rất nhiều, dường như ngày nào nhà ông cũng bắt cá sông để làm nguồn thức ăn. Nhưng vài năm trở lại đây, cá chết hết. Sông ô nhiễm nặng nên không ai dám cho trẻ con ra đó học bơi nữa vì  lội xuống nước về là chân ngứa lở hết. Hiện tượng cá chết, theo ông Tuấn đã xảy ra một vài lần nhưng số lượng ít, gần đây xuất hiện cá chết nhiều hơn nên người dân rất lo lắng. Hôm xảy ra hiện tượng cá chết, một số người dân ở gần bờ sông đã ra vớt cá, nhưng địa phương khuyến cáo không nên ăn cá chết khi chưa tìm hiểu rõ nguyên nhân. Một số người đã vớt cá về nhưng sau đó đổ bỏ.

Trước sự việc trên, bà Nguyễn Thị Hồng Cẩm, Chủ tịch UBND xã Tiên Lập khẳng định: Sông Quế Phương ô nhiễm do nạn đào đãi vàng dọc theo hai bên bờ sông ở khu vực giáp ranh, cũng như do lượng nước thải từ khu vực mỏ vàng Bồng Miêu chảy ra. "Xã Tiên Lập liên tục tuyên truyền, truy quét để ngăn nạn đào vàng trái phép, nhưng ở khu vực giáp ranh rất khó đẩy đuổi khi bên Phú Ninh, nhất là xã Tam Lãnh không cùng phối hợp. Người dân bức xúc rất nhiều, xã gửi công văn lên huyện, rồi UBND huyện đề nghị Phú Ninh cùng phối hợp ngăn chặn hoặc đề nghị tỉnh vào cuộc thì may ra, chứ xã Tiên Lập cũng chẳng thể làm gì hơn"- bà Cẩm nói.

Còn ông Đoàn Văn Công, Phó Phòng TN&MT H. Tiên Phước cho rằng: Sông Quế Phương là nơi giáp ranh nên nạn đào đãi vàng trái phép vẫn rất nhức nhối, khó khăn trong việc xử lý. Dọc dòng sông về phía thượng nguồn, thực tế vẫn còn nhiều lán trại của người dân đào đãi vàng, nhưng đẩy đuổi bên này thì họ chạy về bên kia, vì vậy một huyện làm thì không xử lý được. Tiên Phước đã 2 lần gửi công văn đề nghị tỉnh can thiệp, đề nghị Phú Ninh phối hợp ngăn chặn nhưng vẫn chưa nhận được sự phối hợp tích cực.

Thiết nghĩ, chính sự thiếu cương quyết và thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương nên dẫn đến trình trạng đào đãi, tuyển quặng vàng trái phép tồn tại kéo dài ở đây trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, nguồn hóa chất độc hại được mua bán trái phép đang diễn ra tràn lan nơi đây khiến môi trường, sông suối ngày càng ô nhiễm trầm trọng.

Bão Bình