Báo Công An Đà Nẵng

Báo động tình trạng xâm nhập trái phép, bẫy thú trong rừng đặc dụng Sơn Trà

Thứ tư, 05/04/2023 07:15
Cán bộ Kiểm lâm thu giữ một chiếc bẫy rút phát hiện trong rừng Sơn Trà.

Cụ thể, vào ngày 1-4, một nhóm chụp ảnh phong cảnh thiên nhiên, động vật hoang dã tại đây đã phát hiện tiếng kêu cứu thảm thiết của động vật ở khu rừng gần cảng Tiên Sa. Lần theo tiếng gọi, họ tiếp cận và giải cứu con chồn bạc bị chiếc bẫy kẹp nhiều răng cắm vào chân. Sau đó, hai tình nguyện viên chuyên "giải cứu" động vật hoang dã tại Sơn Trà được một người chuyên đi rừng hướng dẫn men theo một lối đi nhỏ vào khu vực gần Suối Ôm để "rà" bẫy và phát hiện được 14 chiếc bẫy kẹp tương tự được bố trí theo đường dẫn dụ các con thú sa vào.

Nếu không có kinh nghiệm, người bình thường cũng rất dễ dính bẫy khi chúng được ngụy trang rất kín đáo dưới lớp lá khô. Theo các tình nguyện viên, các loại bẫy thú được đặt gần tuyến đường dẫn lên bán đảo Sơn Trà. Khi "đánh hơi" được khu vực có thú rừng, thợ săn sẽ đào một cái hố nhỏ rồi đặt bẫy xuống, phủ đất và lá cây cho bằng phẳng. Để chắc chắn con thú không thể thoát, nhiều bẫy được cột thêm dây cáp nhỏ nối với gốc cây gần đó. Dấu hiệu nhận biết bẫy là xung quanh được cắm cành cây để dẫn dụ đường đi của thú rừng.

Ông Ngô Trường Chinh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Trà- Ngũ Hành Sơn cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng Kiểm lâm đã thực hiện gần 100 đợt tuần tra đường bộ lẫn truy quét trong rừng, thu giữ 459 bẫy thú các loại, phá 2 lán trại trái phép đồng thời nhắc nhở nhiều người dân, du khách có hành vi xâm nhập rừng trái phép. Theo ông Chinh, việc đặt bẫy thú ở rừng Sơn Trà diễn ra nhiều năm qua do người dân và du khách được tự do ra vào rừng đặc dụng. Trong giai đoạn 2020-2022, do hạn chế đi lại, thực hiện giãn cách chống dịch, tình trạng này được kiểm soát nhưng gần đây tái diễn. Khác với cả nước, dù Sơn Trà là rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên nhưng người dân và du khách lại được ra vào tự do nên công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Địa bàn rừng Sơn Trà rộng lớn, có nhiều hướng xâm nhập, người dân có thể lợi dụng việc đi lại để vào đặt bẫy, săn bắt động vật trong khi kiểm lâm không được phép kiểm tra hành chính. Để bắt quả tang được người vào rừng khai thác lâm sản hay bắt bẫy thú rừng là rất khó khăn. Khi bị phát hiện, những người này nhanh chóng vứt dụng cụ, bỏ trốn rất nhanh. Địa hình rừng núi hiểm trở, rộng lớn nên khó truy đuổi. "Theo nhiệm vụ được phân công, lực lượng Kiểm lâm phải tuần tra ngày và đêm. Nhưng với 3.791 ha đất rừng mà chỉ có 8 người quản lý thì rất khó khăn. Chính vì vậy, rất cần sự chung tay của các cơ quan, đơn vị và cộng đồng", ông Chinh nói.

Những chiếc bẫy kẹp dùng để săn bắt động vật hoang dã trong rừng đặc dụng Sơn Trà.

Bán đảo Sơn Trà được xem là "lá phổi xanh" của Đà Nẵng, nằm cách trung tâm thành phố với ba mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị. Đây được đánh giá là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam. Hiện tại trong rừng đặc dụng Sơn Trà có nhiều động vật hoang dã quý hiếm như nai, chồn, hoẵng, các loài khỉ… Đặc biệt đây là "vương quốc" của nữ hoàng linh trưởng voọc chà vá chân nâu. Khoảng 10 năm trước, đây cũng từng là điểm nóng về vấn nạn đánh bẫy, săn bắt động vật hoang dã trái phép. Đỉnh điểm là vào năm 2015, cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ 5 người quê Tân Kỳ, Nghệ An đã lập lán trại trong rừng để đặt bẫy và xẻ thịt voọc chà vá chân nâu tại chỗ. Vào năm 2017, số người này bị tòa án tuyên phạt tổng cộng 12 năm tù.

Theo thống kê sơ bộ, hiện mỗi ngày có hơn 1.000 người ra vào khu vực bán đảo Sơn Trà. Quản lý việc đi lại của người dân và du khách tại đây đang là bài toán khó khăn do liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị.

Đông A