Báo động TNGT tuyến đường sắt Bắc - Nam: Nơi đường bộ “chộ” đường sắt
(Cadn.com.vn) - Thống kê cho thấy, trong số gần 90 km đường sắt qua địa bàn Nghệ An, thì có trên 35 km là có tuyến QL1A chạy song song liền kề. Trong số đó, tính đến nay vẫn còn trên 10 km chưa được đầu tư xây dựng đường rào hộ lan để đảm bảo an toàn cho đường sắt cũng như cả tuyến QL1A. Tai nạn giao thông do ô- tô đâm hoặc đổ vào đường sắt trong thời gian qua cũng vì thế đã liên tục xảy ra.
Đường bộ “làm khổ” đường sắt
Năm 2011, đã có hơn 21 vụ ô-tô đổ vào tuyến đường sắt Bắc-Nam qua địa bàn tỉnh Nghệ An, chưa kể đến những vụ tàu va quệt người và các phương tiện thô sơ khác, làm ách tắc tuyến cũng như chậm giờ các đoàn tàu của ngành đường sắt lên đến hơn 11.000 phút. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng (từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 8-2011), tuyến đường sắt trên địa bàn Nghệ An liên tiếp xảy ra 10 vụ tai nạn liên quan đến đường sắt. Trong đó có 6 vụ tai nạn nghiêm trọng làm 6 người chết thảm, 5 vụ tai nạn khác liên quan đến đến đường bộ làm tê liệt đường sắt hàng chục giờ đồng hồ. Đáng chú ý nhất là vụ tai nạn xảy ra vào ngày 19- 11- 2011, trên địa bàn xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu): Ô-tô tải BKS 37C - 017.90 do Hồ Xuân Quang (1989, trú Quỳnh Yên, Quỳnh Lưu) điều khiển băng qua đường sắt thiếu quan sát đã bị đoàn tàu chở hàng Bắc- Nam mang số hiệu 230 chạy hướng Vinh – Hà Nội đâm ngang khiến 2 bánh xe trước của ô-tô bị đứt rời ra và văng xuống ruộng cách khoảng 10m. Phần còn lại của ô-tô bị mắc kẹt dưới gầm toa tàu và bẹp dúm phần đầu. Tài xế nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Địa bàn H. Diễn Châu từ nhiều năm nay vẫn được coi là điểm đen với nhiều vụ tai nạn do ô-tô đâm và đổ vào đường sắt. Có tháng chỉ riêng trên đoạn tuyến khoảng 7 km trên QL1A chạy song song liền kề với đường sắt Bắc- Nam, đoạn ga Yên Lý – Cầu Giát đã liên tục xảy ra hàng chục vụ TNGT, làm giao thông cả hai tuyến đường sắt lẫn đường bộ tê liệt nhiều giờ.
Taxi bị tàu đâm nát vào đêm 28- 2- 2012 khi cố tình băng qua đường sắt.
Hiện trường vụ tai nạn khiến 2 vợ chồng trẻ tử vong vào ngày 17- 2- 2012.
Đường dân sinh- dân tử nạn
Vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng gần đây nhất xảy ra vào lúc 10 giờ 30 ngày 17- 2- 2012, tại Km 305 +900 trên đường sắt thống nhất Bắc – Nam giao nhau với đường ngang dân sinh thuộc địa bàn xã Nghi Long (Nghi Lộc), khiến đôi vợ chồng mới cưới là anh Trường (29 tuổi, trú tại xóm Đông Vạn, xã Nghi Vạn) và chị Đậu Thị Then (22 tuổi, trú tại xóm Đình, xã Nghi Thiết), H. Nghi Lộc chết thảm. Vào thời gian trên, tàu SE8 đang lưu thông theo hướng Nam – Bắc khi đến đoạn đường ngang dân sinh không có rào chắn đã đâm vào chiếc xe máy BKS 37L9 – 6966 do anh Trường điều khiển chở theo sau chị Then. Cú đâm đã làm chiếc xe máy văng xa cách nơi xảy ra tai nạn gần 50m vỡ vụn, hai vợ chồng anh Trường bị hất văng sang mương thoát nước bên cạnh và tử vong tại chỗ. Cả hai vợ chồng anh Trường đều là công nhân trong
Trước đó, vào lúc 16 giờ ngày 12- 2, tại Km 312 đường sắt thống nhất Bắc- Nam giao nhau với đường ngang dân sinh không có rào chắn, thuộc địa bàn xóm 10, xã Nghi Trung (Nghi Lộc), xảy ra một vụ tai nạn làm 1 nam thanh niên chết thảm. Nạn nhân là anh Nguyễn Văn Tùng (1978, trú xóm 2, xã Nghi Hưng). Trước một ngày, tại Km 258 + 623 đường sắt thống nhất Bắc- Nam giao nhau với đường ngang dân sinh thuộc địa bàn xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu), do không quan sát khi qua đường, ông Phạm Văn Bàng (1961), thường trú xã Quỳnh Bá bị thương nặng, chiếc xe máy nát bét khi bị tàu SE8 tông phải. Ngày 3- 2, đoạn qua địa bàn xã Diễn Trường, H. Diễn Châu, xảy ra tai nạn đường sắt làm một nam thanh niên chết thảm. Nạn nhân là Nguyễn Thế Đại (1987), trú xã Diễn Đoài, H. Diễn Châu, trong lúc đứng đợi bắt xe khách đã bị tàu đâm chết.
Như vậy, chỉ trong chưa đầy 15 ngày trung tuần đầu tháng 2- 2012 trên tuyến đường sắt thống nhất qua địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 4 vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của 4 người, 1 người bị thương nặng. Theo một cán bộ ngành ĐƯờNG sắt tại Nghệ An thì tuyến đường sắt thống nhất qua địa bàn tỉnh Nghệ An là một trong những tuyến có mật độ tàu chạy cao nhất. Hầu hết tuyến đường sắt chạy song song sát với QL1A đều có đường ngang dân sinh do người dân tự mở không có rào chắn, không có đèn tín hiệu. Trong khi đó, ý thức chấp hành luật giao thông đường sắt của người dân lại rất kém. Nhiều vụ tai nạn chết người chỉ vì do băng qua đường ngang dân sinh thiếu quan sát hoặc cố tình vượt khi tàu sắp tới.
Sự cần thiết của hàng rào hộ lan và barie đường dân sinh
Một trong những nguyên nhân khiến cho TNGT tại các đoạn đường sắt song song với đường bộ là do chênh lệch độ cao giữa đường sắt với đường bộ khá lớn, dẫn đến tầm quan sát của người điều khiển phương tiện bị che khuất. Phần lớn, các vụ ô-tô đổ vào đường sắt xảy ra tại các đoạn đường chưa có hàng rào hộ lan, song cũng có những địa điểm đã xây dựng hàng rào hộ lan nhưng tài xế các loại xe có trọng tải lớn khi gây tai nạn đã đâm ngã cả hàng rào rồi lao sang đường sắt. Công tác cứu hộ và giải quyết các sự cố về đường sắt cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì đường sắt sát đường bộ, khi đưa các phương tiện cứu hộ vào sẽ gây ách tắc đường bộ.
Ở những đoạn tuyến đã có hàng rào hộ lan, những dấu vết của các phương tiện giao thông vẫn còn đậm nét. Thực tế này cho thấy, nếu không có hàng rào hộ lan, sẽ có nhiều hơn những vụ TNGT mà phương tiện đường bộ đâm và đổ vào đường sắt, nên việc xây dựng các hàng rào hộ lan ngăn cách đường bộ với đường sắt tại những điểm đường song song là việc vô cùng cấp bách. Và nữa, các tuyên đường dân sinh vượt qua đường sắt cũng cần có các barie và người gác bảo vệ khi có các đoàn tàu chạy qua. Cùng đó, chính quyền địa phương cần có sự giáo dục cần thiết đối với người dân về sự nguy hiểm khi băng qua đường sắt là vô cùng cần thiết.
Xuân Sơn