Báo Công An Đà Nẵng

Bao giờ Đà Nẵng là trung tâm kinh tế biển? (Kỳ cuối: Phát triển du lịch biển mang đẳng cấp quốc tế)

Thứ ba, 18/06/2019 13:29

Du lịch biển mang giá trị đặc trưng cốt lõi của du lịch Đà Nẵng, tạo thành điểm đến hấp dẫn, đóng góp quan trọng cho kinh tế TP. Tuy nhiên, để phát triển du lịch biển mang đẳng cấp quốc tế theo Nghị quyết số 43, Đà Nẵng sẽ phải giải quyết hàng loạt áp lực về hạ tầng ven biển, cũng như đa dạng các sản phẩm du lịch biển.

Phát triển nóng cơ sở lưu trú ven biển đã tạo áp lực về hạ tầng như thoát nước thải, giao thông phức tạp, thiếu bãi đỗ xe ô-tô.

Đa dạng sản phẩm du lịch biển

Những bãi biển đẹp, hệ sinh học đa dạng, khung cảnh thiên nhiên hấp dẫn kéo dài từ Hải Vân tới Sơn Trà, Non Nước đã tạo cho du lịch biển Đà Nẵng giá trị độc đáo hiếm nơi nào có được. Trong quá trình kiến thiết đô thị hướng biển, Đà Nẵng đã đầu tư, phát triển hạ tầng lưu trú, nghỉ dưỡng ven biển khá hiện đại. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, TP vẫn xác định tài nguyên biển là tài nguyên du lịch cốt lõi, tạo khác biệt và lợi thế cạnh tranh. Khi các tài nguyên đó kết hợp với sinh thái rừng núi, sông hồ, văn hóa địa phương, hạ tầng, môi trường, các di sản xung quanh như Huế, Hội An tạo thành một điểm đến độc đáo, ít nơi nào có được. Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã khai thác tốt ở mảng hạ tầng, tạo thành một trong những điểm đến có các khu nghỉ dưỡng biển tốt nhất. Bên cạnh đó là một số trò chơi trên biển, hệ thống nhà hàng, lễ hội mùa hè… giải quyết cơ bản nhu cầu của du khách.

Tuy nhiên, để khai thác tối đa nhu cầu của du khách thì Đà Nẵng vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu. Sản phẩm du lịch biển của Đà Nẵng quá nghèo nàn, hầu như mới chỉ có tắm biển, ăn hải sản. Để cạnh tranh được với các trung tâm du lịch biển trong vùng, như Nha Trang trước tiên Đà Nẵng phải phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch biển. Ông Dũng nói,  Đà Nẵng phải có qui hoạch, đặt vấn đề khai thác cả bờ biển, trên mặt nước, dưới mặt nước, để nhanh chóng hình thành được cụm tour du lịch biển xung quanh bán đảo Sơn Trà, trong vịnh Đà Nẵng và xung quanh đèo Hải Vân. Đó là hướng đi rất mới tạo cho Đà Nẵng sản phẩm thu hút khách một cách bền vững và tăng năng lực cạnh tranh của kinh tế. “Đà Nẵng hiện nay là một điểm đến tốt theo cách về hạ tầng, môi trường, nguồn khách, tài nguyên biển, cơ sở dịch vụ, đặc biệt là các khu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên mảng vui chơi giải trí trên biển, câu cá, đi bộ dưới đáy biển, lặn ngắm san hô, tour trên biển… chưa mạnh bằng Nha Trang”- ông Dũng nhận xét.

Từ thực tế đó, việc qui hoạch, tạo ra các sản phẩm du lịch biển mới cần khẩn trương thực hiện. Có thể mở tuyến từ cảng Sông Hàn hoặc cảng Tiên Sa đi các điểm đến như bãi cát vàng, bãi Sụn Cỏ, làng Vân. Song song với đó là những điểm nào được lặn ngắm san hô, điểm nào có thể bơi, điểm nào thăm nhà bè nuôi cá... Sau khi có qui hoạch cần kêu gọi các nhà đầu tư, kêu gọi cộng đồng lữ hành hình thành sản phẩm và triển khai chào bán. Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vitour Đà Nẵng nói, cần phát triển mạnh hoạt động thể thao biển, tổ chức các sự kiện biển quanh năm chứ không riêng gì mùa hè. Chẳng hạn khu vực biển Non Nước vào mùa Thu, Đông có điều kiện để lướt sóng rất tốt, có thể khai thác thành sản phẩm du lịch.

Dịch vụ lặn ngắm san hô ở Sơn Trà.

Dịch vụ nhà hàng nổi ven biển Đà Nẵng. 

Gỡ điểm nghẽn để bứt phá

Với 800 khách sạn có sao, khoảng gần 37 ngàn phòng, Đà Nẵng có số lượng phòng lưu trú lớn thứ 2 cả nước. Đặc biệt dọc biển phía Đông TP, hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng dày đặc. Ông Lê Tấn Thanh Tùng cho biết, do hạ tầng khách sạn ven biển phát triển quá “nóng” dẫn tới hàng loạt áp lực như hệ thống xử lý nước thải quá tải, không thu gom hết, tràn ra biển. Hoặc vào mùa hè thiếu nguồn nước cung ứng, phức tạp về giao thông, thiếu bãi đậu đỗ xe… Cũng theo ông Tùng, các khu nghỉ dưỡng ven biển Đà Nẵng nhiều nhưng nhỏ lẻ, từ 4-5 sao, một số còn có condotel, thiếu những khu lớn như Vinpearl Nam Hội An. Do đó, rất khó để phát triển trở thành trung tâm nghỉ dưỡng biển mang tầm cỡ thế giới. Trước mắt, để giảm áp lực hạ tầng du lịch ven biển, ông Tùng cho rằng TP cần khẩn trương đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông ven biển, các bãi đỗ xe, hệ thống thu gom nước thải, các lối xuống biển… Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch.

Theo ông Cao Trí Dũng, TP cần tiếp tục khởi động các dự án ven biển đã cấp phép để làm sao có những dự án mang tầm vóc quốc tế như Làng Vân chẳng hạn. Khi có các dự án qui mô thì các hoạt động dịch vụ sẽ sôi động, và Đà Nẵng có thể trở thành điểm đến cho các hoạt động vui chơi giải trí biển. Ông Lê Tấn Thanh Tùng cho rằng, Đà Nẵng rất cần những dự án lớn như Công viên đại dương để nâng tầm du lịch biển, song xây dựng ở vị trí nào cần lựa chọn, cân nhắc kỹ. Do đặc thù lượng khách công vụ kết hợp nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng rất lớn, do vậy Đà Nẵng rất cần các khu du lịch và nghỉ dưỡng biển đẳng cấp.

Mặc dù rất cần hạ tầng du lịch biển đẳng cấp, có sức hút song cũng cần phát triển hài hòa với thiên nhiên, đảm bảo môi trường. Nhiều mâu thuẫn đã nảy sinh trong quá trình xây dựng các khu du lịch, nghỉ dưỡng biển ở những vị trí “nhạy cảm” về môi trường thiên nhiên, trầm tích văn hóa như Sơn Trà, Nam Ô. Có ý kiến cho rằng cần giữ những làng chai đậm văn hóa như Nam Ô, đó mới là những nét độc đáo trong tương lai du khách đến Đà Nẵng muốn tìm hiểu, chiêm nghiệm, chứ không phải họ tìm đến để ở resort, thứ mà ở đâu cũng có. Ông Cao Trí Dũng cho rằng Đà Nẵng phải biết đa dạng nguồn khách, ứng với đó thì phải đa dạng sản phẩm du lịch. TP vẫn có những sản phẩm hướng về văn hóa bản địa, nó sẽ phù hợp với các nguồn khách lưu trú dài ngày (Châu Âu). Song TP vẫn phải có những điểm đến đẳng cấp thế giới để thu hút nguồn khách nghỉ dưỡng, có khả năng chi trả cao, chỉ đến để nghỉ ngơi. Đà Nẵng không phát triển các khu nghỉ dưỡng ồ ạt mà đang rà soát, điều chỉnh các dự án ảnh hưởng tới môi trường. Song, nhất thiết phải có những dự án đẳng cấp để tăng hấp dẫn của điểm đến, tăng sinh kế của người dân. Ông Dũng nói: “Những chỗ lâu nay để hoang sơ chưa khai thác được thì bây giờ khai thác làm cho nó đẹp lên thì việc gì không làm. Khó có thể nói Đà Nẵng chỉ chọn mỗi văn hóa địa phương thôi, chỉ chọn môi trường thôi, không cần các nguồn khách khác. Bởi lẽ điểm rơi tài nguyên của Đà Nẵng phù hợp với nguồn khách từ Đông Bắc Á  như Nhật, Trung, Hàn… và nội địa. Chính những nguồn khách đó rất lớn. Còn giờ ai cũng mong có nguồn khách ở dài, khám phá văn hóa bản địa như du khách Châu Âu, Bắc Mỹ nhưng lượng khách này không đủ lớn để tải cả hệ thống tài nguyên của TP. Cho nên Đà Nẵng phải biết đa đạng nguồn khách để có nguồn thu, để hấp dẫn các nhà đầu tư”.

Nhiều nơi có biển nhưng Đà Nẵng có các giá trị bổ sung khác (môi trường, an ninh, hệ thống dịch vụ, gần các di sản thế giới Hội An, Huế) hết sức độc đáo, tạo lợi thế, nên giá trị biển trở thành lực hút cho du lịch TP. Dứt khoát du lịch biển là cốt lõi, vì tài nguyên biển Đà Nẵng quá độc đáo. Điều cơ bản cần đạt được một cơ chế khai thác, giám sát hợp lý, làm sao vừa thu ngân sách tốt, vừa khuyến khích các doanh nghiệp du lịch phát triển. Tương lai, du lịch biển sẽ có đóng góp quan trọng đưa kinh tế biển trở thành một trong ba trụ cột phát triển vững chắc của Đà Nẵng.

HẢI QUỲNH