Báo Công An Đà Nẵng

Bạo lực phụ nữ và trẻ em gái: Thực trạng và giải pháp phòng chống

Thứ năm, 14/12/2017 17:00

Trong nhiều vấn đề được các đại biểu nêu ra tại diễn đàn đối thoại về "Phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái" tổ chức sáng 13-12 dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ và Chủ tịch Hội LHPN TP Nguyễn Thị Thu Hà, vấn đề được thảo luận nhiều nhất là nhận thức, hiểu biết pháp luật của mỗi thành viên trong xã hội… 

Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ và Chủ tịch Hội LHPN TP Nguyễn Thị Thu Hà chủ trì diễn đàn đối thoại.

Những con số biết nói

Những con số do Hội LHPN TP nêu ra tại diễn đàn cho thấy, có 34% phụ nữ từng kết hôn cho biết họ từng bị chồng bạo hành về thể xác hoặc tình dục, 58% phụ nữ chịu ít nhất một trong 3 dạng: bạo lực về thể xác, tình dục, hoặc tinh thần ít nhất một lần trong đời. Hàng năm, có khoảng gần 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tại Đà Nẵng, từ năm 2012 đến 2017, TP có 21 vụ án/21 phụ nữ bị hiếp dâm và cưỡng dâm, 121 vụ trẻ em bị xâm hại. Trong năm 2016 và 2017, toàn TP có 4.200 vụ ly hôn, trong đó có đến 3.516 vụ xuất phát từ nguyên nhân mâu thuẫn gia đình, 63 vụ đánh đập và ngược đãi, 19 vụ do mâu thuẫn kinh tế. Riêng về bạo hành gia đình, từ 2009-2013 có đến 1.102 vụ, trong đó nạn nhân bị bạo lực gia đình là phụ nữ chiếm  1.064 vụ, chủ yếu là bạo lực thân thể. Trong 7 năm gần đây, trung bình mỗi năm xảy ra 160 vụ. Đặc biệt, thời gian gần đây, dư luận cả nước vô cùng căm phẫn trước thực trạng bạo hành trẻ em mà thủ phạm không ai khác chính là người thân, bảo mẫu chăm sóc trẻ... Thực trạng đó gây nhức buốt, gióng lên hồi chuông báo động, cảnh tỉnh toàn xã hội; đồng thời cũng đặt ra vấn đề mang tính cấp bách: Cần có những giải pháp, biện pháp mạnh trong công tác phòng chống nhằm đẩy lùi thực trạng này...

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ và Chủ tịch Hội LHPN TP Nguyễn Thị Thu Hà
trao đổi với đại diện phụ nữ thôn Giàn Bí (Hòa Bắc, Hòa Vang) bên lề diễn đàn…
  Ảnh: P.T

Nhận thức đóng vai trò then chốt

Hầu hết các câu hỏi, vấn đề được đại biểu nêu ra tại diễn đàn đều tập trung vào các nội dung liên quan đến việc triển khai công tác phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, bạo lực học đường; quấy rối tình dục nơi công sở và nơi công cộng; giải pháp phòng ngừa và xử lý xâm hại trẻ em; vấn đề bình đẳng giới trong gia đình; năng lực về công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới của cán bộ trong cơ quan quản lý Nhà nước, đoàn thể các cấp; kinh phí dành cho hoạt động bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; triển khai mô hình "Thành phố an toàn và thân thiện với phụ nữ, trẻ em và trẻ em gái" trong thời gian tới.

Theo đại diện Sở VHTT TP, thời gian qua, có khoảng 150 vụ liên quan đến bạo lực gia đình, trong đó có khoảng 96% nạn nhân là phụ nữ, trẻ em và trẻ em gái. Nguyên nhân chủ yếu là tư tưởng trọng nam khinh nữ, coi việc bạo hành gia đình là việc riêng tự giải quyết trong mỗi gia đình. Chính từ những nhận thức này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thống kê. Theo đó, số liệu trên chỉ mang tính bề nổi, được các cấp chính quyền, đoàn thể ở cơ sở phát hiện, xử lý. Thực tế, vẫn còn nhiều trường hợp chưa được phát hiện do người bị bạo hành cam chịu, im lặng... Cũng theo đại diện Sở VHTT, trong nhiều lý do dẫn đến bạo lực gia đình là do kinh tế khó khăn, ghen tuông, không hiểu biết pháp luật và người chồng, cha bị nghiện bia rượụ...

Đại diện ngành Tòa án TP cho biết, trong các vụ giao cấu, hiếp dâm trẻ mà ngành xử thời gian qua, phần lớn bị cáo đều cho biết là bắt chước, học theo trên mạng xã hội và không hiểu biết việc mình làm là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử án tù. Vì thế, vấn đề tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật vô cùng quan trọng.

Nói thêm về nạn bạo hành, bạo lực trong gia đình, Trung tá Lê Thị Thu Huyền- Chủ tịch Hội Phụ nữ CATP-cho rằng, sâu xa của vấn đề này xuất phát từ sự bất đình đẳng giới. Vì thế, ngay trong nhận thức của người làm công tác tham mưu cũng cần phải có một nhận thức đúng thì chúng ta mới làm tốt công tác tuyên truyền. Ngoài ra, trong công tác tuyên truyền về phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái, cần chú ý đến đối tượng tuyên truyền là nam giới. Bởi thực tế khi tuyên truyền đối tượng chủ yếu cho phụ nữ. Vì thế, các sở, ban ngành và cơ quan tham mưu cần  làm sao tác động được tới đối tượng nam giới, có như thế mới thay đổi nhận thức người gây bạo lực, kết quả tuyên truyền, phòng chống mới  khả quan hơn. Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho rằng, đối với vấn đề bạo lực gia đình, nguyên nhân sâu xa vẫn là từ nhận thức về bình đẳng giới. Thực tế, nhiều đàn ông quan niệm rằng "vợ tao, tao đánh", hay quan niệm phụ nữ là "phái yếu" cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng...

Trong nhiều giải pháp được đưa ra tại diễn đàn, ngoài việc đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục, tập huấn, xây dựng hiệu quả các mô hình, CLB phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái..., nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân..., một trong những vấn đề được Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh là chế tài xử lý, răn đe cũng rất quan trọng. Và sâu xa hơn là phải làm sao nâng cao và tạo sự đồng thuận về nhận thức của mỗi thành viên trong xã hội về vấn đề này. Có như thế mới đẩy lùi được thực trạng bạo lực phụ nữ và trẻ em gái. Riêng đối với thực trạng bạo lực học đường, trên cơ sở lắng nghe ý kiến, giải pháp từ đại diện Hội Phụ nữ CATP, Sở GD-ĐT TP, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho rằng, dù đến nay, Đà Nẵng chưa xảy ra vụ nào lớn liên quan đến bạo lực học đường như các tỉnh thành khác, nề nếp trường học và HS Đà Nẵng tương đối thuần,  nhưng không vì thế mà chủ quan. Theo đó, việc giáo dục, tuyên truyền, tập huấn, giáo dục các kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trước các tình huống thấy bạn bị đánh phải bảo vệ bạn và bảo vệ mình như thế nào cùng những kiến thức về phòng chống bạo lực vào trong những chương trình ngoại khóa, giáo dục công dân. Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đặc biệt thú vị trước cách đặt vấn đề của Phó Bí thư thường trực Quận ủy Sơn Trà Phan Minh Hải khi nêu ra vấn đề: Áp lực từ việc học tập, thi thố trở thành áp lực vô hình khiến không ít HS trầm cảm, stress, có dấu hiệu tâm thần, bỏ nhà đi... Đây có được xem là dạng bạo lực về tinh thần hay không? Theo đó, ý kiến này cần được nghiên cứu để đưa vào chương trình triển khai trong thời gian tới... Ý kiến này cũng đặt ra cho ngành GD-ĐT cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa trong dạy-học.

 Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đề nghị, thời gian tới cần tiếp tục duy trì các thành quả đã đạt được và tăng cường các giải pháp để tiếp tục thực hiện các mục tiêu vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực.  Đồng thời giao cụ thể công việc cho từng Sở, ban ngành, chính quyền các cấp thực hiện...

PHAN THỦY