Báo Công An Đà Nẵng

Bảo mật dữ liệu cá nhân - vấn đề được quan tâm hàng đầu trong dòng chảy kinh tế số

Thứ bảy, 04/11/2023 08:30

+ Năm 2022, có 400 triệu dữ liệu cá nhân, tổ chức bị xâm hại

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông chia sẻ phương thức tiếp cận tổng thể, đa chiều trong xây dựng chính sách dữ liệu cá nhân.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Khánh Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước cho rằng, dữ liệu số được khai thác đúng, hiệu quả sẽ mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho nền kinh tế, xã hội và con người. Cùng với đó, quản trị và quản lý dữ liệu cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ. Thời gian qua, tại Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến dữ liệu số. Cụ thể, không ít đối tượng sử dụng dữ liệu số cá nhân để kinh doanh và trục lợi phi pháp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, quyền lợi chính đáng của người dân. Do đó, vấn đề đặt ra cho nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, chứ không riêng tại Việt Nam là làm xây dựng cơ chế chính sách đạt được sự cân bằng quyền lợi các bên, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế số và quản trị bảo mật dữ liệu cá nhân.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Khánh Nam, với bối cảnh nêu trên, Hội thảo không chỉ giới hạn ở lý thuyết, mà thúc đẩy kết nối thảo luận, trao đổi ở góc độ đa chiều trong nghiên cứu về dữ liệu cá nhân của đội ngũ chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, ngành, nghề khác nhau. Bảo mật dữ liệu cá nhân là vấn đề mang tính toàn cầu, trên không gian số xuyên biên giới nên không chỉ tập trung vào lĩnh vực luật hay kinh tế mà cần nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề này.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) cho rằng, dữ liệu cá nhân là vấn đề quan trọng. Tại Việt Nam, nhiều cá nhân, tổ chức chưa quan tâm đúng mức. Trong khi đó, nhận thức và ý thức về vai trò của dữ liệu cá nhân trong đời sống, xã hội, kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế nên việc nâng cao hiểu biết, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam đã và đang phát triển nền kinh tế số.

Ông Nguyễn Quang Đồng phân tích thêm, không gian số là không gian toàn cầu và luân chuyển xuyên biên giới nên xây dựng chính sách đảm bảo phát triển kinh tế, mô hình kinh doanh mới, quyền lợi của người dân. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng phổ biến, nhưng nếu không có dữ liệu số thì không có AI và ứng dụng AI.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng phòng Thông tin Điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh, thống kê trên địa bàn có hơn 22 triệu tài khoản trên nền tảng mạng xã hội và con số này đang tăng rất nhanh. Tỷ trọng kinh tế số đang đóng góp vào phát triển thương mại, kinh tế thành phố ngày càng lớn, nhưng đi kèm với đó là câu chuyện quản lý nhà nước. Mỗi tuần, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố bình quân nhận khoảng 10 đơn tranh chấp liên quan đến dữ liệu cá nhân, tổ chức... Dữ liệu cá nhân có vai trò quan trọng. Vì vậy nắm được dữ liệu lớn và vận dụng hiệu quả nguồn dữ liệu này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số như: thương mại điện tử, bán hàng online...

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng chỉ ra rằng, công nghệ có giá trị tích cực cho nhân loại; đồng thời, thế giới ảo ngày càng thật hơn và được định vị là tài nguyên kinh tế số. Làn sóng công nghệ 4.0 phát triển nhanh chóng, nên dữ liệu cá nhân không còn bảo mật của riêng chính chủ, mà ngày càng được khai thác, quản lý theo cơ chế thị trường. Ngoài ra, trong kỷ nguyên số, thông tin đều được số hóa để tính toán và dữ liệu được thu thập liên tục từ nhiều mặt trong đời sống hàng ngày.

Thống kê năm 2022, có 400 triệu dữ liệu cá nhân, tổ chức bị xâm hại. Trước thực trạng này, đại diện đến từ các trung tâm nghiên cứu, hiệp hội khuyến cáo cá nhân, tổ chức nên sử dụng Internet từ những doanh nghiệp có đầy đủ chính sách bảo mật, có khả năng xác thực... Người dùng cần không ngừng trang bị kiến thức sử dụng Internet, công nghệ bảo mật, không chia sẻ thông tin cá nhân.

Mỹ Phương