“Bão” nghe lén đổ bộ Châu Á
(Cadn.com.vn) - Cơn bão bê bối nghe lén của Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (NSA) vốn đang tàn phá đời sống chính trị Châu Âu, hiện đã đổ bộ đến Châu Á.
Bộ Ngoại giao Indonesia hôm 30-10 triệu Đại diện lâm thời Mỹ tại Jakarta, bà Kristen Bauer, làm rõ các chi tiết liên quan đến cáo buộc Mỹ nghe lén tại nước này. Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cũng tuyên bố kịch liệt lên án hoạt động này là “không thể chấp nhận được”.
Đông Nam Á nằm trong mục tiêu
Jakarta là quốc gia Châu Á đầu tiên phản ứng như vậy sau khi tờ Sydney Morning Herald của Australia dẫn nguồn tài liệu rò rỉ từ cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden cho biết, Washington dùng các đại sứ quán để nghe lén điện thoại và lọc dữ liệu tại khắp Châu Á.
Theo đó, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và NSA phối hợp thành lập đơn vị đặc vụ lắp đặt 90 cơ sở nghe lén bí mật tại trụ sở đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ trên toàn thế giới, trong đó có đại sứ quán tại Indonesia. Cơ quan Tình báo Australia (DSD) thực hiện việc do thám tại các đại sứ quán mà hầu hết giới ngoại giao nước nhà không hề biết. Với mật mã STATEROOM, chương trình này gồm hoạt động nghe lén điện thoại và đọc dữ liệu lưu chuyển bằng internet. Việc thu thập thông tin tình báo diễn tại các đại sứ quán Australia ở Hà Nội (Việt Nam); Jakarta (Indonesia); Bắc Kinh (Trung Quốc); Bangkok (Thái Lan); Cao ủy Australia tại Kuala Lumpur (Malaysia); Port Moresby (Papua New Guinea) và Dili (Đông Timor Leste)...
Hiện, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia từ chối bình luận về vụ việc này đồng thời khẳng định, Canberra không bình luận về các chủ đề tình báo bất chấp việc Trung Quốc yêu cầu các bên liên quan giải thích rõ hoạt động nghe lén này.
Người dân Mỹ kêu gọi chính phủ chấm dứt nghe lén. Ảnh: Reuters |
Càng gỡ càng rối
Tranh cãi quanh bê bối nghe lén này vẫn chưa có hồi kết khi NSA bất ngờ phản pháo rằng, họ hoạt động dựa trên sự giúp đỡ của giới tình báo Châu Âu.
Đây là một hành động bào chữa bất thường và hiếm hoi bởi vì các quan chức tình báo thường không hé miệng bất kỳ chi tiết về những sắp xếp liên lạc với các cơ quan gián điệp nước ngoài vì các mối quan hệ như vậy là rất nhạy cảm. Nhưng đó lại là những gì mà Giám đốc NSA, tướng Keith Alexander phát biểu tại phiên điều trần công khai Quốc hội công khai hôm 29-10. Trong ghi chú nội bộ của NSA đăng trên báo “Le Soir” của Bỉ ngày 30-10 cũng cho thấy, Brussels là đối tác đặt biệt chia sẻ thông tin với tình báo Mỹ. Ngoài ra, một số quốc gia được xếp vào danh sách A tức là chỉ sự hợp tác toàn cầu với NSA gồm có Anh, Australia, Canada, New Zealand và một số quốc gia thuộc danh sách B (hợp tác có mục đích) như Áo, Bỉ, Czech, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Hulgaria, Iceland, Italia, Nhật Bản, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha... Vì thế, ông Paul Pillar – cựu chuyên gia phân tích của CIA cho rằng, người Châu Âu thật đạo đức giả khi tỏ ra “bị sốc” trước thông tin “đồng minh theo dõi các đồng mình”.
Vụ nghe lén ở Châu Âu bùng nổ khi báo Le Monde của Pháp dẫn tài liệu cho biết, NSA thu thập dữ liệu hàng chục cuộc điện thoại của người dân Châu Âu. Nhưng các quan chức Mỹ nói rằng, vấn đề bị hiểu sai. Một quan chức an ninh quốc gia Mỹ cho biết, tài liệu trên thực sự nằm trong chương trình theo đó các nhà chức trách Pháp cung cấp cho các cơ quan tình báo Mỹ một lượng lớn dữ liệu cuộc gọi điện thoại. Quan chức này cũng chỉ ra rằng, kịch bản này cũng được áp dụng đối với những cáo buộc về NSA thu thập số lượng lớn dữ liệu điện thoại ở Tây Ban Nha. Theo NSA, các tài liệu này do bản thân chính phủ các nước đó thu thập và chuyển cho Mỹ. Một số thông tin giúp điều tra ít nhất 3 trường hợp chống khủng bố.
NSA cảm thấy “không có gì đáng hổ thẹn” về bộ sưu tập “hợp tác xã” như vậy. Nhưng rõ ràng, những tiết lộ này chỉ càng làm trầm trọng thêm một số vấn đề chính trị “đối với một số đồng minh Châu Âu”.
Khả Anh