“Bão nợ” ở Phước Sơn (3)
* Kỳ 3: Tiềm ẩn những bất ổn
(Cadn.com.vn) - Từ ngày Cty Vàng Phước Sơn đi vào hoạt động đến nay, cái được của người dân và chính quyền sở tại có lẽ ít ai nhìn thấy, đo đếm được. Còn cái chưa được, hay nói đúng hơn là cái mất đi thì luôn hiện hữu. Xả thải gây ô nhiễm môi trường, dân bức xúc chặn xe không cho vào nhà máy; đầu tư công trình nước sạch thì không sử dụng được; cầu cống, đường sá quanh năm hư hỏng, xuống cấp… Vấn đề nan giải nhất có lẽ là việc Cty này không thực hiện đúng nghĩa vụ thuế, các khoản đóng góp cho địa phương theo quy định của Luật Khoáng sản…
Ngày 4-12, chúng tôi có buổi làm việc với UBND H. Phước Sơn về tình hình của Cty Vàng Phước Sơn. Ông Hoàng Hoa - Chánh Văn phòng UBND huyện cho rằng, Cty Vàng Phước Sơn không chỉ nợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn mà còn nợ Nhà nước với số tiền lớn. Theo thông tin từ UBND H. Phước Sơn cung cấp, trong năm 2013, Cty Vàng nợ thuế Nhà nước hơn 140 tỷ đồng, trong đó thuế tài nguyên là 132 tỷ đồng, các khoản thuế khác gần 10 tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2012, Cty còn nợ H. Phước Sơn 4 tỷ đồng kinh phí theo cam kết đóng góp cho địa bàn (áp dụng theo Luật Khoáng sản, hai bên có biên bản thỏa thuận).
Đó là chưa kể khoản kinh phí đóng góp theo cam kết trong năm 2013 hiện Cty vẫn chưa có động tĩnh. Bên cạnh đó, Cty Vàng Phước Sơn còn cam kết hỗ trợ 2 tỷ đồng/năm cho xã Phước Đức (nơi nhà máy đóng chân) nhưng năm nay vẫn chưa thực hiện. Ngoài ra, Cty hứa khắc phục, sửa chữa đoạn đường đi từ đường Hồ Chí Minh vào cổng Cty để người dân đi lại được thuận lợi (vì đường hư hỏng rất lớn) cũng chưa đả động; hứa khắc phục đường nước sinh hoạt từ thôn 1 đến thôn 4 (đầu tư khoảng 2 tỷ đồng) nhưng tất cả vẫn chỉ là lời hứa...
Chợ Khâm Đức, nơi có nhiều tiểu thương đang bị Cty Vàng Phước Sơn nợ với số tiền lớn. |
"Điều đau đầu nhất là Cty Vàng Phước Sơn nợ rất nhiều cá nhân, tổ chức, DN gây ảnh hưởng đến đời sống, tình hình phát triển kinh tế, ANTT trên địa bàn" - ông Hoa nói. "Trước tình hình đó, UBND H. Phước Sơn có đề nghị tỉnh Quảng Nam can thiệp để Cty Vàng Phước Sơn nghiêm túc thực hiện các điều khoản đã cam kết. Đồng thời, cũng đề nghị tỉnh can thiệp, đề xuất với cấp trên có giải pháp thu hẹp diện tích thăm dò đã giao cho Cty này, vì với diện tích 4.200ha thì quá lớn, trong khi đó Cty mới chỉ thực hiện thăm dò khai thác trong phạm vi khoảng 8,7ha. Việc không quản lý được diện tích đã giao đã gây ảnh hưởng lớn đến tình hình ANTT tại địa phương, bởi khi Cty tổ chức đi thăm dò thì một số đối tượng khai thác vàng trái phép cũng đi theo khai thác trộm, gây mất mát tài nguyên, ô nhiễm môi trường…" - ông Hoàng Hoa cho biết thêm. Cũng theo ông Hoa, trước mắt, UBND huyện đề nghị ngoài việc trả nợ thuế, các khoản đóng góp cho địa phương, thì Cty Vàng Phước Sơn phải dành phần ưu tiên trả nợ cho các Cty, DN, các tổ chức, cá nhân là đối tác của Cty trên địa bàn, nhằm tránh xảy ra những hệ lụy khó lường.
Về việc đình công của các nhân viên bếp ăn của Cty Vàng Phước Sơn, Đại tá Đào Quang - Trưởng CAH Phước Sơn xác nhận, trong ngày 26-11, hơn 20 nhân viên đầu bếp có tổ chức chặn xe không cho chở công nhân vào Cty làm việc (vì đường vào nhà máy là độc đạo) để phản ứng việc Cty cho họ nghỉ việc để thay đổi cơ chế ăn tự túc. Sau khi nhận tin báo, CAH Phước Sơn phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cùng với Cty đối thoại, tìm hướng giải quyết thích hợp thì đến chiều 27-11 mới thông đường trở lại.
Cũng theo Đại tá Quang, từ khi Cty Vàng Phước Sơn đi vào hoạt động đến nay, thỉnh thoảng vẫn có hiện tượng chặn xe chở công nhân vào nhà máy do người dân Phước Đức bức xúc trước nạn ô nhiễm môi trường thải ra sông suối; một số chế độ chính sách chưa hợp lý, cho công nhân là người địa phương nghỉ không có lý do… "Vấn đề bức xúc nhất hiện nay là chuyện nợ nần, gây hệ lụy không nhỏ, bởi vậy Cty Vàng Phước Sơn phải có hướng trả nợ thích hợp. Các DN, tổ chức, cá nhân tồn tại hay không giờ phụ thuộc rất nhiều vào việc trả nợ của Cty Vàng Phước Sơn. Nếu tình trạng này kéo dài, tình hình ANTT tại địa phương sẽ có nguy cơ bất ổn" - Đại tá Quang nói…
Để có cái nhìn khách quan, đa chiều về sự việc nêu trên, trong ngày 4-12 và những ngày sau đó, chúng tôi tìm cách liên hệ với lãnh đạo Cty Vàng Phước Sơn và Tập đoàn Besra để làm việc. Khi liên hệ (qua điện thoại) với ông Phạm Quang Ngũ - Phó Tổng Giám đốc Cty thì ông không bắt máy. Chúng tôi tiếp tục trao đổi qua điện thoại với ông Lê Minh Kha - Tổng Giám đốc Cty Vàng Phước Sơn thì ông này xác nhận là "Cty Vàng có nợ" và cho số điện thoại của ông Paul Seton (thuộc Tập đoàn Besra) để làm việc. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết hiện ông Kha đã nghỉ việc tại Cty một thời gian. Tiếp tục lên trụ sở nhà máy đóng tại xã Phước Đức, chúng tôi vẫn không có thêm bất cứ thông tin gì, lý do được những người có trách nhiệm tại đây đưa ra là muốn cung cấp thông tin thì phải tiến hành theo… quy trình. Cụ thể là phải liên hệ với phòng truyền thông của Tập đoàn để họ sắp xếp thời gian làm việc.
Còn nhớ cách đây hơn một năm, trong chuyến công tác lên Phước Sơn để tìm hiểu về đời sống người dân ở cái nơi được coi là "thiên đường vàng" của cả nước, chúng tôi đã không khỏi bất ngờ, thậm chí có phần hụt hẫng khi biết được sự thật đằng sau cái tên gọi… mỹ miều ấy. Bởi theo lẽ thường, nơi nào có nhiều tài nguyên, khoáng sản thì người dân và chính quyền địa phương nơi đó có cơ may được hưởng lợi. Song điều này không đúng với Phước Sơn, thậm chí hoàn toàn trái ngược. Thực tế là người dân ở các bãi vàng Phước Sơn ngày càng nghèo đi, và tệ hơn thế nữa, có rất nhiều nỗi buồn ở lại trong khi vàng cứ tiếp tục khai thác đưa đi nơi khác.
Phóng sự điều tra: Doãn Nguyên Hưng
(còn nữa)