Báo Công An Đà Nẵng

Bão số 10 có thể tàn phá dữ dội

Thứ hai, 30/09/2013 09:03

(Cadn.com.vn) - Với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12, bão số 10 có thể tàn phá rất dữ dội. Cơn bão này gợi lại hình ảnh kinh hoàng của siêu bão số 6 năm 2006.

Hướng dẫn gần 45.000 tàu thuyền trú tránh

Theo Báo cáo của Văn phòng BCH PCLB&TKCN, BCH BĐPB các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hòa tính đến chiều 29-9, đã thông báo và hướng dẫn cho gần 45nghìn tàu/183 nghìn lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động trú tránh. Trong số này có 14 tàu/97 lao động của Quảng Ngãi đang ở khu vực Hoàng Sa; hơn 8 nghìn tàu/50 nghìn lao động ở các ngư trường khác và 40.310 tàu/147 nghìn lao động hoạt động gần bờ, đi về trong ngày. Cũng trong ngày 29-9, Hệ thống Đài TTDH Việt Nam cho hay 4 tàu cá của tình Bình Định gặp nạn do ảnh hưởng của bão số 10 đã vào trú tránh bão số 10 tại đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Lãnh đạo UBND 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong ngày 29-9 đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp bàn các biện pháp nhằm ứng phó với cơn bão số 10. Đến chiều cùng ngày gần 8.000 tàu thuyền với hơn 40.000 lao động đã được thông báo, hướng dẫn vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn. Với địa hình đồi núi dốc, 2 tỉnh này đặc biệt quan tâm đến an toàn của người dân tại các vùng khe suối, dưới chân hồ đập, các con đê. Chính vì vậy đã triển khai phương châm 4 tại chỗ và các phương án di dân khi cần thiết. Riêng tại Hà Tĩnh, nếu bão đổ bộ, sẽ có hơn 100.000 dân tại 31 xã ven biển, vùng cửa sông, vùng thấp phải di dời đến nơi an toàn.

Hàng nghìn tàu thuyền của ngư dân miền Trung đã trú tránh an toàn
tại Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng). Ảnh: Công Khanh

Tại Quảng Bình, 3 đoàn công tác do lãnh đạo UBND tỉnh đã về các địa phương để chỉ đạo công tác phòng chống bão. Theo Đại tá Bùi Xuân Thành - Phó Giám đốc Công an tỉnh, hơn 200 cán bộ chiến sĩ cùng với trang thiết bị cứu hộ cứu nạn như ô-tô, ca nô, xuồng... cùng các nhu yếu phẩm của Công an Quảng Bình đã triển khai xuống phối hợp cùng địa phương giúp đỡ bà con chằng chống nhà cửa và sơ tán ở các khu vực nguy hiểm để tránh bão.

Tại Quảng Trị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Cường chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, rà soát tại khu vực ven sông, ven biển, ven suối, vùng có nguy cơ cao bị lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu để chủ động phương án sơ tán dân an toàn. BCH PCLB&TKCN tỉnh cũng đã liên tục ban hành 4 công điện chỉ đạo các địa phương chú trọng phòng chống bão, chú trọng công tác kiểm kê, quản lý tàu thuyền, triển khai chằng chống nhà cửa, kho tàng, trụ sở, trường học...

Người dân H. Gio Linh, Quảng Trị chằng chống nhà cửa ứng phó với bão số 10.  
Ảnh: Lê Hoa
Người dân Quảng Trị nén đất trong các bao tải để chằng chống nhà cửa. 
Ảnh: Lê Hoa

Ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế chỉ đạo các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai phương án “5 tại chỗ” để ứng phó với bão số 10. Ngoài việc di dời khẩn cấp 56 hộ dân ở xã Hải Dương (dự kiến vào sáng 30-9), tỉnh cũng đã chuẩn bị phương án di dời hơn 2.000 hộ dân vùng xung yếu, sạt lở, vùng ven biển, cửa biển. Trưa 29-9, Bộ CHQS tỉnh TT-Huế lập 3 sở chỉ huy đóng tại trụ sở Bộ Chỉ huy quân sự, Nhà khách Điện Biên và Trung đoàn bộ binh 6, đồng thời huy động hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ túc trực 24/24 để sẵn sàng ứng phó với bão. Tối cùng ngày, hàng trăm loại phương tiện, dụng cụ cứu hộ cứu nạn đã được tập kết về các vùng xung yếu như xe ô-tô lội nước, xuồng cao tốc, phao tập thể, áo phao cứu sinh, máy phát điện, hệ thống nhà bạt...

Lãnh đạo tỉnh TT–Huế kiểm tra an toàn tại các âu thuyền tránh bão. Ảnh: Hải Lan

Đà Nẵng đã triển khai phương án đối phó với bão số 10 tại cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND thành phố kiêm trưởng ban PCLB&TKCN Phùng Tấn Viết chủ trì vào sáng 29-9. Trung tá Đinh Tiến Dũng – Trưởng Ban Tác chiến BCH BĐBP TP Đà Nẵng cho biết, đến 16 giờ ngày 29-9, hầu hết các phương tiện đã được thông báo về cơn bão số 10 và đã vào nơi trú tránh an toàn. Tại Đà Nẵng, đã có 1.828 phương tiện về bến, neo chủ yếu ở âu thuyền Thọ Quang, Vịnh Mân Quang, sông Hàn.

BĐBP Quảng Nam hướng dẫn ngư dân đưa tàu thuyền vào nơi trú tránh. Ảnh: Hồng Thanh

Đại tá Nguyễn Văn An - Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh Quảng Nam cho biết, toàn tỉnh Quảng Nam hiện đã có hơn 700 phương tiện tàu thuyền vào bờ trú ẩn an toàn, trong đó có 89 tàu cá xa bờ, với 2.967 lao động. Trong ngày 29-9, đoàn công tác do Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn - Phó Tư lệnh QK5, Trưởng Ban phòng chống bão lũ QK5 đã đến kiểm tra tại các địa phương ven biển từ  Đà Nẵng và các địa phương như Hội An,     Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành...

Đề nghị thủy điện chủ động xả nước cắt lũ

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng, Sở GD&ĐT đã có thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng cho học sinh toàn thành phố nghỉ học trong ngày hôm nay (30-9).

Theo báo cáo của các chủ hồ thủy điện, tính đến ngày 29-9, mực nước hồ thủy điện A Vương: 380,04 mét (mực nước dâng bình thường: 380m), lưu lượng đến là 85,2 m3/s; hồ thủy điện Đắc Mi 4: 258,13 mét (MNDBT: 258m), lưu lượng đến là 103,61 m3/s; hồ thủy điện Sông Tranh 2: 141,20 mét (MNDBT: 175m), lưu lượng đến là 144,89 m3/s; phát điện tối đa qua 2 tổ máy (lưu lượng mỗi tổ 110 m3/s). Để chủ động phòng chống tình hình mưa lũ do cơn bão số 10 gây ra, Ban PCLB Quảng Nam đã đề nghị các hồ chứa thủy điện chủ động xả nước về đến mực nước đón lũ theo đúng quy trình khi mực nước tại Ái Nghĩa còn dưới báo động I. Cũng với vấn đề này, ông Lê Trường Lưu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT– Huế yêu cầu các chủ đầu tư các hồ chứa thủy điện, thủy lợi như: A Lưới, Hương Điền, Bình Điền, Tả Trạch... phải tiến hành xả nước để có dung tích đón lũ.

Do Thủy điện Srêpôk (Đắc Lắc) tiến hành xả lũ nên một số vùng hạ du đã bị ảnh hưởng. Cụ thể, đã có 53 nhà của 4 xã, H. Buôn Đôn bị ngập nhẹ (xã Ea Wer: 39 nhà; xã Tân Hòa: 12 nhà; Ea Bar: 2 nhà), một số nhà phải di dời, 447 ha lúa, ngô, sắn và hồ tiêu của người dân một số xã ở vùng thấp đã bị ngập và thiệt hại. Trong khi đó, ngoài việc cuốn trôi 400m đường giao thông nội đồng tại xã Ea Tân, nhiều địa phương của H. Buôn Đôn cũng rơi vào cảnh lầy lội, đi lại rất khó khăn.

Nhóm PVTS

Hôm nay, bão số 10 vào Bắc Trung Bộ

Lúc 19 giờ ngày 29-9, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Dự báo, 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20km. Đến 7 giờ hôm nay (30-9), vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh – TT-Huế khoảng 150km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

 

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20km. Đến 19 giờ ngày 30-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 88 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.