Báo Công An Đà Nẵng

Bão số 10 gây thiệt hại nặng

Thứ bảy, 16/09/2017 08:22

Trưa 15- 9, bão số 10 đổ bộ vào các tỉnh ven biển Bắc miền Trung. Với sức gió giật cấp 14, 15 đã gây ra hậu quả khá nặng nề. Theo ghi nhận của các P.V địa bàn, nhiều cột điện gãy đổ, hàng vạn nhà dân, trường học bị sập, tốc mái; nhiều công trình bị hất tung, phá hủy hoàn toàn.

Thủ tướng thị sát tại Quảng Bình

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát tại Quảng Bình sau bão số 10.

Ngay sau khi dự và phát biểu tại Hội nghị các Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 (SMEMM 24) tại TPHCM, sáng 15-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã ra Quảng Bình để kiểm tra tình hình mưa bão, chỉ đạo công tác ứng phó hoàn lưu sau bão và khắc phục hậu quả cơn bão. Cùng đi có Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Thủ tướng đã hủy hàng loạt cuộc làm việc tại các địa phương phía Nam theo chương  trình dự kiến trước đó.

Thị sát tình hình thiệt hại tại thành phố Đồng Hới, hiện đang bị mất điện diện rộng, Thủ tướng yêu cầu việc trước mắt là khắc phục hệ thống điện để cấp điện cho người dân, “chứ để cả thành phố tối, mất điện, rất nguy hiểm”. Thủ tướng cũng yêu cầu huy động lực lượng khắc phục, sửa chữa nhà cửa cho người dân, không để người dân vào cảnh màn trời chiếu đất. Theo báo cáo của tỉnh, số nhà bị tốc mái, hư hại là rất lớn.

Sau khi thị sát hiện trường, từ 19 tối 15-9, Thủ tướng có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Bình đánh giá tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả mưa bão. Tính đến chiều 15-9, theo thống kê của các cơ quan chức năng, tại Quảng Bình có 1 người chết, 6 người bị thương. Toàn tỉnh cũng có 13 nhà bị sập ở huyện Quảng Trạch, 1.500 nhà bị ngập ở thị xã Ba Đồn và 49.155 ngôi nhà bị tốc mái.

Trước khi cơn bão đổ bộ, Thủ tướng đã ban hành Công điện về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10, cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây đổ bộ vào nước ta, với cấp độ thiên tai là cấp 4 trên 5.

Theo VGP

80% nhà dân TX Kỳ Anh  (Hà Tĩnh) bị tốc mái

Có mặt tại Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đi kiểm tra tình hình mưa bão, công tác ứng phó hoàn lưu sau bão và khắc phục hậu quả. Bão đã qua, thiệt hại cũng khá nặng nề, Phó Thủ tướng Chính phủ chia sẻ khó khăn với nhân dân Hà Tĩnh nói chung, H.Kỳ Anh nói riêng, đồng thời yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành chức năng tiếp tục tập trung cao độ để ứng phó, không chủ quan với diễn biến tiếp theo của mưa lũ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Dù bão đã qua đi, nhưng chúng ta không được chủ quan. Trước mắt tập trung thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại, đồng thời ưu tiên hỗ trợ thuốc men, lương thực để người dân ổn định cuộc sống; sớm khôi phục hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và sản xuất. Cùng đó, Lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng cần theo dõi sát diễn biến hoàn lưu sau bão để tiếp tục sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, vùng nguy hiểm.

Tại “tâm bão” Kỳ Anh- Hà Tĩnh, bão số 10 gây thiệt hại khá lớn. Bà Nguyễn Thị Hoài Nam- Chánh văn phòng phòng chống thiên tai thị xã Kỳ Anh cho biết, 100% hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thị xã Kỳ Anh bị ngập, 80% nhà dân bị tốc mái. Ngoài ra, hàng chục trụ điện bị bão quật đổ. Ông Phan Duy Vĩnh- Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, cho biết lúc 11 giờ, cột truyền hình thị xã Kỳ Anh cao 100 mét đã bị bão số 10 giật đổ vào nhà dân. Rất may, trước đó, những hộ dân sinh sống gần đó đã di tản đến vùng an toàn nên không có ai bị thương vong.

Tại âu thuyền xã Kỳ Lợi, theo phản ánh của ngư dân đã có nhiều thuyền bị sóng đập vỡ. Anh Trương Quang Phong, ngư dân ở xã Kỳ Lợi cho biết: “Hôm qua, chúng tôi đã tiến hành cho thuyền vào neo đậu ở âu thuyền, nhưng sáng nay ra thì thấy nhiều thuyền bị sóng đập vỡ”. Tại thôn Minh Huệ, xã Kỳ Xuân, H.Kỳ Anh triều cường lên rất cao, tràn vào nhà dân ven biển. Tại khu vực các xã ven biển huyện Cẩm Xuyên có gió mạnh. Một số khu vực tại xã Cẩm Nhượng nước biển đã dâng vào đường thôn do sóng lớn vượt qua kè Cửa Nhượng.

Ra sức chằng chéo lại trang trại, ông Võ Ngọc Dũng (trú xã Kỳ Bắc, H.Kỳ Anh), cho biết: “Gió giật mạnh quá. Đã nhiều năm qua, tôi chưa thấy cơn bão nào có sức gió tàn phá mạnh như vậy”. Theo ông Dũng, bão số 10 đã thổi bay mái tôn che trước nhà cùng với mái nhà ở và trang trại của gia đình ông. Hàng loạt cây cối trong trang trại ông Dũng cũng bị bão quật ngã ngổn ngang.

Mưa lớn kèm theo gió đê đồng muối Châu Hạ, xã Thạch Châu, H.Lộc Hà bị vỡ với chiều dài khoảng 8m khiến nước từ biển Cửa Sót ồ ạt tràn vào lòng sông. Ở xã Hộ Độ, H.Lộc Hà cũng bị vỡ khoảng 50m đê.

Tại Quảng Bình, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật cấp 15; biển động dữ dội. Sóng vùng tâm bão lên tới 8 - 10m, vùng ven bờ 4 - 6m. Ven biển nước dâng do bão có khả năng cao 1m. Hiện có 1 người chết là ông Nguyễn Văn Hoa (50 tuổi, thôn Minh Tiến, Quảng Minh, TX Ba Đồn) do chằng chống nhà cửa và 6 người bị thương; hơn 49.155 nhà dân bị tốc mái và hơn 2.500 nhà dân bị ngập nước (trong đó có khoảng 1.000 nhà bị ngập sâu trên 1m). Đến thời điểm này, tất cả hồ đập trong tỉnh đều an toàn và đã triển khai các phương án phòng chống mưa lũ. Đỉnh lũ trên các sông phổ biến ở mức BĐ2 - BĐ3, trên sông Gianh có khả năng trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, 6 hồ xả lũ có cửa van mực nước đang ở mức từ 38 - 54% dung tích thiết kế, trong đó nhà máy thuỷ điện Hố Hô xả tràn: 660 m3/s

Nhà bị tốc mái tại Quảng Trị.

Công an Hà Tĩnh dọn tôn bay trên đường.

Nước dâng cao

Tại Quảng Trị, bão đổ bộ kèm theo mưa lớn khiến mực nước các sông dâng cao, nhiều vùng ngập cục bộ. Địa bàn sớm chịu thiệt hại nặng nề do bão là huyện miền núi Đakrông. Ghi nhận ban đầu, có 5 nhà dân sập hoàn toàn tại xã Ba Lòng, A Ngo và Tà Rụt. 1 trường học tại Tà Rụt cũng bị tốc mái nặng nề trước khi bão quét vào đất liền. Mưa rất lớn trên diện rộng, tập trung trong thời gian ngắn nên làm ngập một số tuyến đường giao thông nông thôn ở các vùng thấp trũng, ven sông, suối, một số tuyến đường có ngầm, tràn ở vùng miền núi và làm chia cắt một số tuyến đường  như tuyến Tà Rụt đi A Vao bị ngập trên 3m, tuyến đường 558A nước vượt cầu tràn Ba Lòng khoảng 2m, tuyến đường vào trung tâm xã Ba Nang bị ngập, chia cắt nhiều điểm, nước vượt ngưỡng tràn 2,5m.

Ở những địa bàn ven biển dọc huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong... hàng trăm nhà cửa, nhà hàng, quán xá bị tốc mái, hư hại. Chúng tôi có mặt tại TT Cửa Tùng (H. Vĩnh Linh), phố xá ngổn ngang cây cối, tấm lợp bay khỏi mái nhà, cửa ngõ bị gió xô bật, ngã vẹo. CATT Cửa Tùng cho biết có một thuyền của ngư dân bị chìm. Ở xã Trung Giang, H. Gio Linh, có trường hợp bão “hất” nguyên cả mái nhà, đồ đạc hư hỏng. Rất may, do công tác sơ tán dân được diễn ra quyết liệt nên tại những ngôi nhà bị ảnh hưởng không có thiệt hại về người. Ghi nhận tại TT Cửa Việt, đã xảy ra trôi lồng bè cá do sóng đánh mạnh.

Cơn lốc dữ dội kéo từ ven biển H. Gio Linh thẳng lên vùng đồi phía tây cũng đã khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, cây cối, hoa màu hư hại. Người dân trồng cao su tiểu điền tiếp tục hứng chịu thiệt hại do bão. Nhiều héc-ta cao su tại xã Vĩnh Thạch, TT Bến Quan, xã Vĩnh Thủy của H. Vĩnh Linh hay một số xã phía tây của Gio Linh... bị gió bão quật đổ. Nặng nhất là địa bàn Vĩnh Linh với hàng ngàn héc-ta cao su bị ảnh hưởng, trong đó có diện tích bị gãy đổ trên 70%.

Trước những thiệt hại do bão gây ra, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị luôn bám sát tình hình và kịp thời thăm hỏi, động viên bà con vượt qua khó khăn. Các lực lượng CA, Biên phòng cũng bám chặt địa bàn, giúp đỡ người dân. Đại tá Lê Phương Nam, Phó Giám đốc CA Quảng Trị cho biết CBCS CA nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động giúp đỡ nhân dân trong mọi tình huống. Tỉnh Quảng Trị ghi nhận 3 người bị thương trong bão. Trong đó, có hai người là xung kích bản A Đăng xã Tà Rụt, cụ thể là anh Hồ Văn Biên và anh Hồ Văn Cơi bị thương ở lưng và chân do cây ngã đè trong khi giúp nhà dân.

Quang cảnh hoang tàn tại bãi biển Cửa Lò (Nghệ An).

Một biển quảng cáo trên địa bàn H.Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) bị gãy đổ.

Cổng trang trí trên QL1A đoạn TP Đồng Hới bị sụp đổ.

Cảnh báo nguy cơ từ hồ thủy lợi

Theo báo cáo nhanh, tại Nghệ An, có 1 người tử vong là bà Đào Thị Thức (83 tuổi, trú P. Nghi Hải, TX Cửa Lò) do bị sập nhà và 1 người bị thương nặng là ông Ngụy Đình Ân (60 tuổi, trú xóm Hùng Cường 1, xã Kỳ Sơn, H. Tân Kỳ), 210 nhà và ki-ốt kinh doanh tại TX Cửa Lò và H. Nghi Lộc bị tốc mái. Ngoài ra, có 307 hồ thủy điện đầy nước và có nguy cơ mất an toàn như Đồn Húng, Kẻ Sặt, Cửa Thờ, Tuần, Khe Gang (H.Yên Thành); Hồ Thanh Thủy, Hồ Thành, Ba Khe, Cửa Ông (H. Nam Đàn); Hồ Khe Rạn (H. Con Cuông). Hồ Vực Mấu (H. Quỳnh Lưu) đã xả 1 cửa, đến rạng sáng ngày 16-9 tiến hành xả lũ tại Khe Bố (H.Tương Dương).  Ngoài ra, do sóng đánh và nước thủy triều dâng đê biển tại Quỳnh Thọ, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long (H. Quỳnh Lưu), TX Hoàng Mai,  đê Diễn Kỷ (H. Diễn Châu) bị sạt lở, nước tràn qua đê. Đặc biệt đê Mai Giang tại xã Quỳnh Nghĩa có nguy cơ bị vỡ.  Hiện lực lượng Quân sự và dân quân tự vệ cùng người dân đang tập trung khắc phục hậu quả bằng cách dùng bao cát, cọc tiêu làm rào chắn để nỗ lực cứu đê.

Theo ghi nhận, tại các huyện và thị xã gần biển như Nghi Lộc, TX Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, TX Cửa Lò, Diễn Châu... mưa to kèm theo sóng biển dâng cao khoảng 10m.  Khu vực  biển  Cửa Lò và Cửa Hội triều cường đang dâng lên, có nơi ngập sâu hơn nửa mét khiến người dân di chuyển khó khăn. Anh Phạm Ngọc Phú (trú khối Hải Bằng 2, P. Nghi Hòa, Cửa Lò), kinh doanh tại ki-ốt sát bờ biển Cửa Hội được 6 năm nay cho biết: “Do chúng tôi cũng hơi chủ quan vì nghe đài, báo bão vào Hà Tĩnh nên hầu như chỉ một số hộ dân chuyển đồ đạc về còn lại mọi người để lại trong ốt cả. Nếu như chỉ mưa và gió bình thường thì không việc gì nhưng dãy ốt chúng tôi nằm trúng luồng lốc xoáy nên bị tốc mái, đổ sập hết”.

NHÓM PV BẮC MIỀN TRUNG

--------------------------------------------------------------------------------------

Hủy 49 chuyến bay do bão số 10

Đại diện Tổng Cty cảng hàng không Việt Nam tại Đà Nẵng cho hay, do ảnh hưởng của bão số 10, đã có tổng cộng 49 chuyến bay bị hủy lịch trình đi và đến các sân bay khu vực miền Trung. Trong đó, Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) hủy 12 chuyến trong ngày 15-9 trên các đường bay từ Hà Nội/TP Hồ Chí Minh đi sân bay Vinh/Đồng Hới/Thanh Hóa. VietJet Air cũng thông báo ngừng khai thác 21 chuyến bay đi và đến các sân bay trong khu vực gồm Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Chu Lai. Trong khi đó, để bảo đảm an toàn cho hành khách, ngày 14 và 15-9, Hãng hàng không Jestar Pacific Airlines đã quyết định hủy 16 chuyến bay trên các đường bay quốc nội và quốc tế. Tình hình mưa bão vẫn diễn biến phức tạp, các hãng hàng không tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi để có kế hoạch điều chỉnh lịch bay phù hợp. Được biết ngoài đường hàng không, trong ngày 15-9, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam cũng đã thực hiện dừng nhiều đoàn tàu để tránh đi vào vùng tâm bão.

CÔNG HẠNH

--------------------------------------------------------------------------------------