Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng: Trăm năm & mãi mãi
100 năm với biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vẫn đứng đó thâm nghiêm, cổ kính và đầy bí ẩn, thu hút biết bao du khách thập phương trong, ngoài nước...
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Văn Miên cùng lãnh đạo Sở VHTT, Bảo tàng Điêu khắc Chăm và quan khách cắt băng khánh thành các công trình chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày Bảo tàng khánh thành và mở cửa đón khách. |
Đã có quá nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà sử học, nhà báo viết về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Thế nên, khi đặt bút viết nhân sự kiện 100 năm ngày Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng khánh thành và mở cửa đón khách (1919-2019), tôi không khỏi trăn trở bởi sợ lặp lại những gì mà nhiều người đã viết trước đó. Và rồi, ký ức cũ chợt quay về khi lang thang trong khuôn viên bảo tàng trước ngày diễn ra sự kiện trọng đại này...
1. Trong ký ức đầy ắp những kỷ niệm về tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng, có hai địa điểm gắn liền với Đà Nẵng mà thế hệ 7X như tôi không thể nào quên là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (nằm ở số 52 Bạch Đằng (cũ), nay không còn nữa) và Bảo tàng Điêu khắc Chăm mà chúng tôi vẫn quen gọi là Viện Cổ Chàm. Thời đó, mỗi dịp xuân về, Tết đến, lũ nhỏ xóm tôi thường chung tiền thuê xe xích-lô chở lên Viện Cổ Chàm du xuân. Sau khi vui chơi thỏa thích và chụp hình tại 2 khu hoa viên (một đối diện với Trường THPT Trần Phú (cũ), một nằm sau lưng Viện Cổ Chàm nay đã không còn nữa), chúng tôi lại rủ nhau lang thang vào Viện Cổ Chàm ngắm những bức tượng điêu khắc Chămpa. Dù chẳng hiểu biết gì, nhưng tôi vẫn cảm nhận có điều gì đó rất khác lạ khi bước chân vào đây. Ngày đó, mỗi khi nghe lũ trẻ xóm tôi bàn nhau sẽ đi đến đây chơi vào dịp Tết, người lớn thường dặn dò: "Viện Cổ Chàm là chốn linh thiêng. Vào đó xem, không được ồn ào, không được nhảy, ngồi lên tượng đá nghe không? Sẽ bị các vị thần ở đó quở phạt nghe chưa!". Người lớn dặn sao, chúng tôi nghe vậy. Không có đứa trẻ nào dám nghịch hay ngồi lên tượng đá. Chỉ ngắm, nhìn rồi lẳng lặng kéo nhau ra về. Cho đến tận bây giờ, khi đã hiểu đôi chút về lịch sử và những giá trị mà các hiện vật đang trưng bày tại đây, thì với tôi, Viện Cổ Chàm vẫn luôn thâm nghiêm, cổ kính và chứa đầy những câu chuyện bí ẩn...
Đại biểu tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh: PHAN THỦY |
2. Không chỉ riêng du khách trong và ngoài nước, ngay đối với người dân Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một trong những địa chỉ văn hóa đầu tiên được nhắc đến mỗi khi ai đó hỏi về Đà Nẵng. 100 năm kể từ ngày khánh thành và mở cửa đón khách, đến nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã chứng kiến biết bao đổi thay của thời cuộc. Cũng trong khoảng thời gian đó, bảo tàng đã 3 lần được mở rộng, nâng cấp và cải tạo không gian: 1936, 2002 và 2016, nhưng kiến trúc của tòa nhà cũ thì vẫn được giữ nguyên... Khi nói về sự hình thành của Bảo tàng quý báu này, hầu hết các học giả, các nhà nghiên cứu và những người làm công tác quản lý, bảo tàng qua các thời kỳ tại đây cũng như các nhà quản lý văn hóa Đà Nẵng luôn trân trọng nhắc đến công lao của ông Charles Lemire - công sứ tỉnh Quảng Nam thời còn Pháp thuộc, nhà khảo cổ học Henri Parmentier (Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp) và hai kiến trúc sư Pháp: Delaval và Auclair - những người đã thiết kế nên thiết chế văn hóa đặc sắc, nơi lưu giữ những tinh hoa quý báu của Vương quốc Chămpa xưa này. Bởi từ 1891-1892, ông Charles Lemire đã cho sưu tập những tác phẩm điêu khắc ở các đền tháp Chăm từ Trà Kiệu đến Khương Mỹ, Mỹ Sơn (Quảng Nam) đem về tập kết tại công viên Tourane (Bảo tàng Chăm ngày nay). Và tiếp theo đó là 13 năm kiên trì tìm nguồn kinh phí (từ 1902-1915) của những nhà nghiên cứu tâm huyết về văn hóa Chămpa đến từ nước Pháp, trong đó đặc biệt nhất là nhà khảo cổ học Henri Parmentier - người có công đề xuất xây bảo tàng này.
Là người làm việc tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng từ năm 1986 đến nay, theo Giám đốc Hồ Tấn Tuấn, ngoài công lao của người Pháp đặt nền tảng cho sự hình thành của bảo tàng quý báu này, nơi đây in dấu biết bao tâm huyết, trí tuệ và công sức của rất nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu, khảo cổ học, đội ngũ các nhà quản lý, nhân viên. Trong dòng hồi ức đầy xúc động về những năm tháng gắn bó với công tác bảo tàng, ông Tấn Tuấn đã đọc vanh vách cho tôi nghe một danh sách dài dằng dặc những con người đã có nhiều công lao với bảo tàng. Qua ông Hồ Tấn Tuấn, tôi được biết, mãi đến cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, bảo tàng mới có đội ngũ thuyết minh chuyên nghiệp. Và người hướng dẫn chính là nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương. Cũng theo ông Hồ Tấn Tuấn, nhờ thực hiện tốt công tác bảo tồn và trưng bày, triển lãm mà các bộ sưu tầm hiện vật của Bảo tàng đã phát huy được giá trị. Ông Tấn Tuấn minh chứng bằng con số thống kê sau: Năm 1936 đến hết năm 1937, nơi đây đón được 4.519 du khách. Năm 1956: 9.000 du khách. Năm 1995: 45.000 lượt khách. Và con số đó không ngừng tăng, đến năm 2018 là 300.358 lượt, trong đó có đến 90% là khách quốc tế. Điều đặc biệt hơn, kể từ khi khánh thành và mở cửa đến nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã đón rất nhiều nguyên thủ, lãnh đạo của các quốc gia đến tham quan. Điều đó đã minh chứng, khẳng định được sức hấp dẫn, sự thu hút của Bảo tàng đối với khách ngoại giao và du khách đến với Đà Nẵng. Điều này đã được NSND Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở VH&TT TP khẳng định tại buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày khánh thành & mở cửa đón khách chiều 22-11 bằng việc nhắc lại lời của một nhà nghiên cứu văn hóa rằng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một viên ngọc quý, hiếm trên lĩnh vực văn hóa ở Đà Nẵng - một viên ngọc đơn nhất...
3. Theo NSND Huỳnh Văn Hùng, có 3 niềm tự hào khi nói đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Niềm tự hào thứ nhất, đây là bảo tàng được được xây dựng và khánh thành đầu tiên của cả nước. Niềm tự hào thứ hai đó là, "đối với di sản văn hóa Chăm - một nền văn minh rực rỡ trong quá khứ, hiện nay có nhiều nơi có bộ hiện vật, nhưng bộ hiện vật mà Bảo tàng Điêu khắc Chăm đang trưng bày, giữ gìn và bảo vệ là đồ sộ nhất, lớn nhất. Đặc biệt, tại đây có bốn bảo vật quốc gia, không phải bảo tàng nào cũng có". Niềm tự hào thứ ba, cho đến nay, Bảo tàng điêu khắc Chăm là một trong ba bảo tàng của Quốc gia tự chủ trong chi thường xuyên. "Theo Phó Cục trưởng Di sản Phạm Đình Phong, nếu xét về bán vé thì Bảo tàng Điêu khắc Chăm đứng thứ 2, chỉ sau Bảo tàng Chứng tích chiến tranh của TP Hồ Chí Minh" - ông Huỳnh Văn Hùng chia sẻ thêm.
4. Ngoài phần tri ân, phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Giám đốc Sở VH&TT Huỳnh Văn Hùng đã đề nghị các cấp lãnh đạo TP quan tâm mở rộng không gian cho bảo tàng. Ông trăn trở: "Dù đã 3 lần nâng cấp, mở rộng và cải tạo, nhưng đến nay, không gian của bảo tàng vẫn còn chật. Trong khi đó, trong kho của bảo tàng còn nhiều hiện vật. Cho nên thời gian tới, vấn đề chúng ta cần tiếp tục suy nghĩ là làm thế nào mở rộng không gian trưng bày, có thể tại chỗ, có thể là một nơi nào khác. Mong lãnh đạo TP quan tâm đến vấn đề này. Bởi đây là một bảo tàng rất có giá trị về nhiều mặt, nên cần thiết đầu tư mở rộng không gian". Ngoài ra, Giám đốc Sở VH&TT giao trách nhiệm cho bảo tàng và bộ phận quản lý di tích khẩn trương tiến hành các thủ tục để làm hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận tiếp những bảo vật quốc gia tiêu biểu và làm hồ sơ công nhận đây là di tích kiến trúc nghệ thuật. Với bề dày 100 năm tuổi, ông Huỳnh Văn Hùng cho rằng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm hoàn toàn xứng đáng được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.
P.THỦY
Chiều 22-11, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm ngày Bảo tàng khánh thành và mở cửa đón khách (1919-2019). Phó Chủ tịch UBND TP Trần Văn Miên cùng Phó Cục trưởng Cục Di sản Bộ VH-TT&DL Phạm Đình Phong đến dự và cắt băng khánh thành đưa vào hoạt động Phòng trưng bày ảnh tư liệu: Bảo tàng Điêu khắc Chăm - 100 năm xây dựng & phát triển với 250 bức ảnh; trưng bày Kho mở Bảo tàng với gần 50 hiện vật; trưng bày kết quả khai quật khảo cổ di tích Chămpa Phong Lệ 2011-2018 và đưa hệ thống thuyết minh tự động bằng công nghệ mã quét QR vào phục vụ du khách. |