Báo Công An Đà Nẵng

Bảo tàng xuống cấp, cổ vật quý kêu cứu

Thứ ba, 29/12/2015 08:28

(Cadn.com.vn) - Sau hơn 7 năm đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục của Bảo tàng Quảng Trị bị xuống cấp, không đảm bảo lưu giữ, trưng bày cổ vật. Nhiều cổ vật, nhất là các độc bản được trưng bày ngoài trời đang bị phong hóa nặng cần có phương án bảo vệ.

Đập vào mắt khách tham quan Bảo tàng Quảng Trị là nền nhà bị lún, sụp nghiêng, ảnh hưởng đến không gian trưng bày. Tác phẩm “Cây đời” đặt giữa phòng Khánh tiết là biểu tượng sự vươn lên của tỉnh Quảng Trị bị nghiêng. Trần nhà làm bằng ván ép do thấm dột lâu ngày đã bị mục, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Nhiều phòng trưng bày ẩm mốc, ảnh hưởng đến hiện vật. Dẫn chúng tôi tận mắt chứng kiến những hạng mục bị hư hỏng, chị Nguyễn Thị Lệ Hiền - Trưởng phòng Thuyết minh hướng dẫn Bảo tàng Quảng Trị kể, sau khi nhà trưng bày của Bảo tàng khánh thành, đưa vào sử dụng được 1 năm là có hiện tượng thấm dột. Lúc đó, công trình đang còn thời kỳ bảo hành nên Ban quản lý dự án đã cho sửa chữa, nhưng sau thời gian lại như cũ và ngày càng xuống cấp nặng. Mỗi lần mưa, nước từ trên mái thấm dột, chảy tràn xuống sàn nhà, cán bộ, nhân viên Bảo tàng phải dùng thau, chậu hứng nước mưa, lấy khăn thấm nước vắt khô nền nhà để bảo vệ hiện vật. Đơn vị phải đặt biển cảnh báo để khách tham quan không nên vào khu vực thấm dột.

Bức phù điêu trưng bày ngoài trời nhưng không có mái che.

Trong số hơn 5.000 hiện vật được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Quảng Trị có hàng trăm hiện vật văn hóa Chăm quý hiếm, có tính độc bản đang trưng bày ngoài trời, do không có mái che bảo vệ hiện đã bị phong hóa, đổi màu, giảm tuổi thọ và tính niên đại. Đơn cử như Bức phù điêu lá nhĩ Trà Liên I, được tìm thấy tại di tích tháp Chăm Trà Liên, xã Triệu Giang, H. Triệu Phong năm 1980. Bức phù điêu này có hình bán nguyệt, bằng sa thạch, cao 1,21m, dày 0,2m, đường kính đáy 1,54m được các nhà nghiên cứu đánh giá là độc bản, ẩn sâu nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Hoặc pho tượng cổ độc nhất vô nhị gần 500 năm tuổi Phó Tướng Nguyễn Ư Dĩ (cậu ruột của Chúa Nguyễn Hoàng) đang lưu giữ tại thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, H. Triệu Phong do để ngoài trời không đảm bảo an toàn.

Trần nhà bị thấm dột, bong tróc nghiêm trọng.

Hiện Bảo tàng tỉnh Quảng Trị cũng đang gặp khó khăn về kinh phí trong việc lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận 10 cổ vật quý hiếm, mang giá trị văn hóa lịch sử thời kỳ Chăm và các niên đại thời kỳ khác nhau tại Quảng Trị như: Bò thần Nandin Kim Đâu tại di tích tháp Chăm Kim Đâu; Bò thần Nandin Quảng Điền; Trống đồng An Khê; Trống đồng Trà Lộc; Tượng Uma Dương Lệ; Cụm vò bàn sứ thời Đường làng Dương Lệ; Báo vật Tượng Nguyễn Ư Dĩ; Bản khoán ước làng Phú Kinh... Ông Lê Đình Hào, Giám đốc Bảo tàng Quảng Trị cho biết, để bảo vệ hiện vật, hàng ngày nhân viên Bảo tàng phải đem hiện vật phơi sấy, lau chùi nhưng do bảo quản thủ công nên hiện vật giảm tuổi thọ. Trước mắt, đơn vị kiến nghị tỉnh đầu tư kinh phí để trùng tu, sửa chữa hệ thống trần nhà, chống thấm dột. Đối với hiện vật Chăm đang trưng bày ngoài trời, cần có  mái che bảo vệ. Về lâu dài, “để bảo quản hiện vật lâu dài, tăng tuổi thọ, chúng tôi đề nghị tỉnh hỗ trợ nên đưa vào kế hoạch trung hạn lần lượt tôn tạo, nâng cấp hệ thống nhà trưng bày của bảo tàng, sửa lại hệ thống mái, đặc biệt là hệ thống mái che. Hiện vật Chăm ngoài trời cũng đã 10 năm, chúng ta trưng bày đến hôm nay đã bị phong hóa dần và tính tuổi thọ cũng có giảm dần”-ông Hào đề nghị.

Để đảm bảo an toàn cho khách tham quan, bảo tàng đặt biển báo không vào khu vực thấm dột.

Bảo tàng Quảng Trị, nơi lưu giữ, trưng bày hàng nghìn di vật, cổ vật, báu vật quý phong phú, đa dạng về loại hình, là địa chỉ đỏ để du khách đến tham quan nghiên cứu. Nhiều hiện vật đang bị đe dọa do bảo tàng xuống cấp đang đặt ra cấp thiết, đòi hỏi tỉnh Quảng Trị cần có phương án bảo vệ.

Nhuận Minh Hoàng