Báo Công An Đà Nẵng

Bảo tồn làng biển xưa Đà Nẵng

Thứ sáu, 11/08/2017 14:00

Đưa nghệ thuật cộng đồng vào không gian sống và bảo tồn làng biển xưa tại làng An Tân và An Đồn, P.An Hải Bắc, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng là Đề án do nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Mỹ Dũng (Nguyễn Văn Mỹ) đề xuất đã được lãnh đạo thành phố ghi nhận là “đóng góp ý tưởng của công dân” và giao cho các đơn vị liên quan nghiên cứu, triển khai thực hiện. 2 làng chài An Tân - An Đồn nằm về hướng Đông bên trái cầu sông Hàn có diện tích khoảng 15ha. Nơi đây đã có hơn 779 hộ dân với 3.762 nhân khẩu. Những gia đình tam, tứ đại đồng đường sống trong những ngôi nhà chật hẹp, ẩm thấp, chia từng khu: ông bà ở nhà trên, cha mẹ ở nhà dưới, vợ chồng con cái ở gác lửng, cháu chít ở trong phần cơi nới…Cấu trúc làng xóm theo văn hóa truyền thống địa phương lâu đời, với những cây đa, đình làng, miếu xóm, giếng nước xưa, đường sá nhỏ hẹp quanh co…, tất cả cộng hưởng thành một ngôi làng khá độc đáo dưới góc nhìn mỹ thuật và bảo tồn.

Vết tích trụ cờ xưa. 

Theo NSNA Mỹ Dũng: “Tôi thiết nghĩ mấy năm qua thành phố chúng ta đã trải qua cuộc cách mạng di dời giải tỏa, chỉnh trang đô thị, giúp thành phố thay đổi diện mạo một cách phi thường. Song đến nay vẫn còn sót lại hai ngôi làng An Tân và An Đồn, nằm ngay sau đường Trần Hưng Đạo, sát bờ sông Hàn thơ mộng, nơi mà chỉ mấy bước chân, du khách có thể mục sở thị một địa chỉ khó ai ngờ tới mà cũng ít ai có thiện cảm. Hơn nữa hiện nay thành phố ta đang phát động toàn dân, toàn xã hội cùng thực hiện Chương trình 4 An, một chương trình không những mang lại bộ mặt đẹp cho thành phố mà còn mang tính nhân văn rất lớn. Do vậy, không lý do gì mà chúng ta lại không quan tâm tới một nơi còn nhếch nhác, ô nhiễm môi trường, mức văn hóa của người dân còn quá thấp. Chúng tôi sẽ đưa nghệ thuật cộng đồng vào không gian sống cho ngôi làng, ổn định đời sống cư dân, nâng cao văn hóa cho người dân. Nếu mô hình này được hình thành thì hy vọng ngôi làng sẽ có nét đặc thù riêng hấp dẫn nhiều khách tham quan trong nước, đặc biệt là du khách quốc tế”.

Nhà sử học Lê Duy Anh cho biết, ông sinh ra và lớn lên chính nơi mảnh đất này. Ông khẳng định nơi đây, từng là thành An Hải (*) cùng góp mặt với thành Điện Hải mở ra những trang sử oai hùng của quân và dân ta trong những trận đánh Pháp đầu tiên (1858). Nơi đây, bên cạnh giếng nước hơn trăm năm tuổi cùng với Lăng Ông, Lăng Bà có từ khi lập làng, hồi nhỏ ông vẫn nhìn thấy bên cạnh cột cờ cao chừng 20m còn có cả hai súng thần công để hai bên (về sau, thời Pháp, họ gia cố cột cờ này dùng để báo hiệu cho tàu bè vào sông Hàn. Khi nghe tiếng còi tàu từ xa, có người trèo lên cột cờ đó quan sát, nếu thấy tàu của nước nào thì treo cờ của nước đó lên cho bờ bên kia biết. Còn những súng thần công đã chuyển đi đâu không ai biết). Do đó, nếu làng biển được bảo tồn và phát huy được vào phục vụ du lịch theo như đề án nói trên là một điều vô cùng ý nghĩa.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng trình bày Đề án tại buổi làm việc với UBND Q. Sơn Trà.

Theo kế hoạch đề xuất của NSNA Mỹ Dũng, nguyên tắc thực hiện đề án là giữ nguyên hiện trạng, không đập phá; thiết kế quy hoạch tổng thể các hạng mục, phân khu; chỉnh trang giao thông gọn gàng, đặt tên ngõ thuận tiện việc giao thông, vệ sinh môi trường, thoát nước; tô vẽ, sáng tác mỹ thuật cho từng ngôi nhà, con đường, tường rào và ngõ hẻm cho cả 2 ngôi làng. Ứng dụng nghệ thuật sắp đặt theo chủ đề: Đưa nghệ thuật vào không gian sống và Bảo tồn làng biển. Bên cạnh đó, Làng du lịch trong tương lai cần hình thành: Đa dạng sản phẩm, ẩm thực, vui chơi, giải trí, sinh hoạt làng nghề truyền thống biển. Không gian mỹ thuật và bảo tồn hấp dẫn du khách. Tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Phát triển khai thác Homestay, sinh hoạt đời sống phong tục, tập quán lễ hội cùng dân làng...Tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống kinh tế cho chính người dân ở làng vì chính họ là chủ nhân và là nhân tố phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống miền biển, một nét văn hóa độc đáo và lâu đời của dân tộc ta. Đưa làng An Tân - An Đồn thành Quy mô làng du lịch bảo tồn và thương mại với phương thức hoạt động và kinh doanh: Sắp xếp các hộ cá thể kinh doanh theo phương án thống nhất, mô hình linh hoạt và phong phú (có thể mỗi hộ kinh doanh một mặt hàng truyền thống)…

Mới đây, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng về kế hoạch triển khai Đề án, UBND Q. Sơn Trà đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan để  tiến hành nghiên cứu, chỉnh trang hệ thống giao thông, điện chiếu sáng công cộng, thoát nước, môi trường vệ sinh, hệ thống chữa cháy…, trước mắt là với mục tiêu góp phần cải thiện an sinh xã hội của người dân khu vực và tạo điểm nhấn du lịch cho Đà Nẵng. Theo ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà, sau khi nghiên cứu, xác định tiến đến việc bảo tồn và khai thác Đề án như thế nào vẫn là câu chuyện cần bàn tính cẩn thận, đặc biệt là cần lấy ý kiến người dân và vận động người dân trở thành nhân tố phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống miền biển để khách du lịch đến đây được sống trong không gian sinh hoạt đời thường lẫn không khí lễ hội miền biển. Dự kiến trong tháng 8 này, bộ phận chuyên môn của quận sẽ có văn bản đề nghị đầy đủ báo cáo Sở VH-TT về Đề án này.

TRẦN TRUNG SÁNG

(*): Cùng với thành Điện Hải nằm bên tả ngạn sông Hàn, thành An Hải nằm bên phía hữu ngạn là 2 tấn sở quan trọng để bảo vệ Đà Nẵng được xây dựng từ thời Gia Long (1802-1820). Theo Đại Nam nhất thống chí, “thành An Hải ở phía hữu tấn Đà Nẵng thuộc làng An Hải, chu vi 41 trượng 2 thước (khoảng 165m), cao 1 trượng 2 thước (4,5m) chung quanh có hào sâu 1 trượng (4m), mở 2 cửa, dựng 1 kỳ đài và 22 ụ pháo đài. Năm Gia Long thứ 12 (1813) đắp bằng đất gọi là bảo An Hải, năm Minh Mạng thứ 11 (1830) xây bằng gạch, năm thứ 15 đổi làm thành”. Việc xây dựng thành An Hải ban đầu do Tiền quân Nguyễn Văn Thành trông coi. Lực lượng quân đóng giữ ở đây khoảng 500 người. Ngoài ra còn có các pháo đài nằm trên bán đảo Sơn Trà như Phòng Hải, Trấn Dương và một hệ thống đồn nhỏ. Khác với thành Điện Hải ở bên tả ngạn, về sau quân Pháp vẫn giữ nguyên, còn thành An Hải đã bị phá ngay sau khi quân Pháp rút khỏi Đà Nẵng (2-1860).