Bảo tồn và phát huy Di sản nghệ thuật tuồng Quảng Nam
Trong hai ngày 25 và 26-10, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam phối hợp với UBND H.Duy Xuyên tổ chức Hội thảo "Bảo tồn và Phát huy giá trị nghệ thuật tuồng cổ Quảng Nam". Đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa-nghệ thuật... cả nước tham dự, với nhiều tham luận đóng góp, đề xuất những giải pháp tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Tuồng cổ Quảng Nam một cách hiệu quả hơn.
Một trích đoạn Tuồng biểu diễn tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. |
Tại Hội thảo, nhiều tham luận của các nhà chuyên môn đã tập trung vào các nội dung chủ yếu như: Khái lược về Tuồng văn Quảng Nam (NSƯT Nguyễn Gia Thiện), Những đóng góp của các nghệ sĩ tuồng và các vùng tuồng tại Quảng Nam (NSUT, Đạo diễn Sân khấu Cao Đình Liên), Những đóng góp của các soạn giả, nghệ sĩ tuồng người Quảng Nam đối với nghệ thuật tuồng Cách mạng (Văn Bá Dũng Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn), Hát bộ dưới góc nhìn nghệ thuật đương đại (Trượng Nguyên Ngã, Hội VHNT Quảng Nam)...
TS Trần Thị Minh Thu qua tham luận "Nhân tài tuồng Quảng Nam giá trị vĩnh cửu" nhận định: "Trong chiều dài lịch sử phát triển, tuồng Quảng Nam hội tụ nhiều nhân tài và các nhân tài đó sống trong tâm thức dân gian như những huyền thoại. Các kịch bản tuồng của Nguyễn Hiển Dĩnh, Tống Phước Phổ trở thành những kịch bản kinh điển, đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tuồng thầy, tuồng đồ, tuồng cách mạng, được ngành tuồng cả nước coi là mẫu mực để dàn dựng, biểu diễn và vẫn sống bền bỉ trên sân khấu hôm nay. Trường hát Vĩnh Điện mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật của Nguyễn Hiển Dĩnh tiếng tăm khắp tỉnh và ảnh hưởng không nhỏ đến những nơi khác. Nhiều vai diễn độc đáo của các nghệ sĩ bậc thầy đất Quảng trở thành hình mẫu cho bao nghệ sĩ cả nước học tập, làm theo. Nhiều nhân tài tuồng Quảng Nam như Chánh Phẩm, Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu... trở thành thầy của nhiều nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú trong ngành tuồng cả nước".
Nghệ sĩ Nguyễn Quỳnh, Chủ tịch Hội Bảo trợ tuồng H. Duy Xuyên, với tham luận "Tuồng với đời sống xã hội" đã nhấn mạnh việc đưa tuồng vào trường học "Sân khấu học đường" để đào tạo lớp kế thừa. Ông nêu rõ: "Ở Duy Xuyên trong vài ba năm qua, mặc dù kinh phí cho "Sân khấu học đường" khó khăn nhưng Hội Bảo trợ tuồng cùng với ngành Văn hóa Thông tin đã phối hợp tổ chức với phương thức xã hội hóa, sự hỗ trợ giúp đỡ của UBND huyện nên đã tổ chức xây dựng thành công 6 trường THCS trong huyện có được đội tuồng, ngoài phục vụ ngoại khóa cho trường học các em còn được mời đi phục vụ cho các ngày lễ, ngày hội của xã, của huyện như các trường THCS xã Duy Châu, Duy Thu, Duy Trung, Duy Sơn, thị trấn Nam Phước... Nhờ vậy, trong kỳ thi chọn thí sinh vào trường nghệ thuật sân khấu Trung ương đã có nhiều em đậu qua thi cử, đã vào trường học tập năm đầu 2017- 2018".
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc tại miền Trung Tây Nguyên cho rằng: "Trong khi hầu hết các đơn vị tuồng quốc doanh với kinh phí do nhà nước cấp rất mải mê với việc dựng các vở mới theo các đề tài lịch sử, hiện đại mà sao nhãng việc bảo tồn và phát huy tích tuồng truyền thống, nặng áp đặt các giáo lý chính trị mà nhẹ chú ý nhu cầu thưởng thức tuồng hồn nhiên của nhân dân thì các đơn vị tuồng dân doanh thì chủ yếu tập trung miệt mài khai thác kho tàng quý báu của cha anh, chú tâm thỏa mãn sở thích tuồng của nhân dân nhằm có được tiền để sinh sống và theo đuổi đam mê nghệ thuật. Bởi thế, không có gì lạ nhiều khi một số vở diễn kinh điển, một số miếng nghề độc đáo tưởng đã thất truyền trên sân khấu tuồng quốc doanh lại dễ dàng tìm thấy trên sân khấu các đơn vị tuồng dân doanh. Và cũng không có gì lạ trong khi tuồng quốc doanh vật vã đi tìm khán giả thì tuồng dân doanh lúc nào cũng sẵn khán giả trung thành của mình"...
Theo dòng chảy lịch sử, Tuồng xứ Quảng với không gian tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ngãi, xuất hiện và phát triển từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII. Mở đầu là sự ra đời và hoạt động của 2 gánh hát Đức Giáo (nay thuộc xã Quế Châu, H.Quế Sơn) và gánh hát Khánh Thọ (nay thuộc xã Tam Thái, H.Phú Ninh) ra đời vào khoảng đầu thế kỷ XIX và có nguồn gốc từ tuồng cung đình Huế. Vào thời huy hoàng nhất, cùng với sự hưng thịnh của Đức Giáo và Khánh Thọ, trên khắp vùng Quảng Nam, nhiều trường tuồng, rạp hát ra đời. Một thời gian dài, Nghệ thuật tuồng đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân xứ Quảng. Đến khoảng những năm 70 của thế kỷ XIX, ở Quảng Nam và Đà Nẵng đã hình thành nên một số vùng khá tiêu biểu như Tiên Phước, Nông Sơn, Điện Bàn, Hội An, Đại Lộc, Túy Loan, Miếu Bông, Chợ Mới... Giai đoạn này là thời kỳ cực thịnh của tuồng Quảng Nam với nhiều gánh hát bán chuyên nghiệp như: Gánh hát Nhưng Giai, Nhưng Bính; Bàu Toa; Chánh Lơn và các gánh hát chuyên nghiệp như: Quảng Hiệp Ban, Tân Thành Ban, Ý Hiệp Miền Trung.
Ông Hồ Tấn Cường-Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho biết, tuồng xứ Quảng vừa thừa hưởng của nghệ thuật tuồng cung đình Huế, vừa có sự giao thoa với tuồng Bình Định. Cái khác biệt lớn nhất giữa tuồng Bình Định và Quảng Nam là hát khách: tuồng Bình Định hát nhịp ngoại tuồng Quảng Nam hát nhịp nội. Ngoài ra, tuồng cổ Quảng Nam còn sở hữu dòng tuồng thiên về hát và biểu diễn nội tâm; có một phong cách khá riêng, rất đặc trưng. Đặc biệt, Quảng Nam sở hữu dòng tuồng văn, tức là thiên về hát và biểu diễn nội tâm mà đại đa số khán giả rất thích và đam mê. Với những giá trị đặc trưng và độc đáo của loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc, ngày 8-6-2015, Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng đã được Bộ VH-TT&DL quyết định ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL.
Trần Trung sáng
* Theo thống kê của ngành văn hóa, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 19 đơn vị tuồng đang hoạt động khá thường xuyên gồm Đoàn tuồng bán chuyên nghiệp Sông Thu H. Duy Xuyên và 18 câu lạc bộ tuồng không chuyên, trong đó có 7 CLB ở H. Duy Xuyên, 6 CLB ở H. Quế Sơn, 5 CLB ở H. Nông Sơn, 1 CLB ở TP Hội An. Trong khi đó, trên cả nước chỉ có 7 đơn vị tuồng chuyên nghiệp là Nhà hát tuồng VN (thuộc Bộ VH-TT&DL), Đoàn tuồng Thanh Quảng (Thanh Hóa), Đoàn tuồng thuộc Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (TP Đà Nẵng), Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định), Đoàn tuồng thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa và Nhà hát Hát bội TPHCM. Trong khi hầu hết các đơn vị này được nhà nước bao cấp gần như toàn bộ kinh phí mà đang hoạt động rất khó khăn, ngày càng vắng khán giả, thì sự hiện diện của gần 20 đơn vị tuồng bán chuyên và không chuyên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là một thành tựu đáng kể trong việc gìn giữ phát huy di sản nghệ thuật quý báu này. Đặc biệt, năm 2018, ở Quảng Nam có 2 nghệ sĩ tuồng được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ sĩ ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể là nghệ sĩ Nguyễn Quỳnh và nghệ sĩ Nguyễn Thị Thu Trang. |