Báo Công An Đà Nẵng

Bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng

Thứ hai, 03/12/2018 11:03

Trong khuôn khổ những hoạt động chính của Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018 diễn ra tại Gia Lai, Hội thảo Bảo vệ và phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên do Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Gia Lai tổ chức được giới nghiên cứu quan tâm. Đây là cơ hội để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu đánh giá việc bảo tồn, phát huy các giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng cũng như phát huy giá trị di sản trong mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội, du lịch Tây Nguyên.

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh đưa ra giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị bền vững về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Những nỗ lực bảo tồn

Tại Hội thảo, nỗi lo âu xen lẫn trăn trở của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, quản lý văn hóa là nhiều thách thức đặt ra khi Không gian văn hóa cồng chiêng đang bị nhiều tác động của đời sống xã hội cũng như cách làm vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả. Cồng chiêng từ muôn đời nay gắn bó với cư dân đồng bào các DTTS ở đại ngàn Tây Nguyên như một phần không thể thiếu trong đời sống và những sự kiện quan trọng của cộng đồng buôn, làng. Cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ với thứ âm thanh truyền đời phản ánh nghệ thuật đặc sắc của các cư dân bản địa mà còn phản ánh nhân cách, tín ngưỡng, văn hóa. Nó đã trở thành vốn di sản văn hóa quý báu, có những độc đáo riêng biệt trong di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã đạt được một số thành công, đặc biệt là về thang âm cồng chiêng Tây Nguyên. Ông chia sẻ: “Tháng 5-2005, khi chúng tôi trình bày với GS.TS Trần Văn Khê – người được UNESCO giao trọng trách đánh giá hồ sơ cồng chiêng Tây Nguyên, ông đã rất xúc động khi hiểu được vấn đề. Rằng hệ thang âm cồng chiêng Trường Sơn thực sự độc đáo, là một trong những thành tố xác nhận sự phong phú và đa dạng của nền âm nhạc hùng vĩ này”.

Những năm qua việc thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng tại các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều đề án bảo tồn lễ hội, hoa văn, cồng chiêng, nhạc cụ đã được thực hiện. Hàng trăm lớp truyền dạy cồng chiêng được tổ chức ở mỗi địa phương, qua đó truyền dạy cho thanh thiếu niên đồng bào các dân tộc, khôi phục được những bài chiêng có nguy cơ thất truyền. Nhiều lễ hội truyền thống gắn với môi trường diễn xướng văn hóa cồng chiêng được phục dựng. Tính đến nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên còn hơn 10.000 bộ chiêng, trong đó còn rất nhiều bộ chiêng cổ.

Những nơi sinh hoạt cộng đồng của buôn, làng đang dần mất đi hoặc bị bỏ hoang.

Thách thức

Như đánh giá của nhà nghiên cứu Trương Bi, Sở VH-TT&DL Đắc Lắc, do ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường, văn hóa đương đại cũng như nhiều tác động khác nên không gian văn hóa của các dân tộc bản địa Tây Nguyên đã bị thu hẹp dần. “Không gian rừng bị mất. Không gian bến nước không còn được sử dụng. Không gian nương rẫy đã nhường chỗ cho cây công nghiệp…và đất rẫy đã biến thành khu công nghiệp, trang trại; nhà sàn truyền thống đã thay dần bằng nhà xây kiên cố, không còn chỗ cho việc tổ chức các nghi lễ – lễ hội truyền thống… Mất không gian này sẽ đến mất không gian nghi lễ – lễ hội, không gian văn hóa cồng chiêng, không gian văn hóa sử thi, không gian thổ cẩm, không gian ẩm thực…”, nhà nghiên cứu Trương Bi chỉ ra thực trạng đáng bàn nhằm giữ gìn được không gian văn hóa truyền thống –“đất sống” của cồng chiêng. Bên cạnh đó, một số đại biểu tham gia Hội thảo cũng nêu về thực trạng các nhà rông, nhà dài-nơi sinh hoạt của cả cộng động làng đang dần biến mất hoặc được thay thế bằng những căn nhà mái tôn, bê-tông khiến bà con không mặn mà với những sinh hoạt cộng đồng.

Một vấn đề khác đặt ra chính là cách bảo tồn, phát huy giá trị cồng chiêng tại một số địa phương đang có những rào cản và “đã không nhận thức và nhận diện đúng đắn về vai trò và giá trị của cồng chiêng trong nền văn hóa cổ truyền của đồng bào” như nhận xét của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ông chỉ ra rằng: một tình trạng là nhân dân “hiện đại”, các chủ nhân của di sản bắt đầu có hiện tượng “làm mới” di sản theo chiều hướng sân khấu hóa kiểu các liên hoan của văn hóa quần chúng một cách tùy tiện, dẫn đến việc méo mó, sai lạc giá trị chân chính của di sản. “Các bài chiêng vốn là những tác phẩm âm nhạc đa thanh, biểu hiện trình độ thẩm âm cao của người Tây Nguyên. Đem treo tất cả chiêng của một dàn chiêng vào cây tre dài rồi cho một người chạy đi chạy lại, gõ từng cái chiêng một, biến một tác phẩm đa thanh thành đơn thanh đã làm biến đổi giá trị vốn có của nghệ thuật âm nhạc độc đáo này. Đó là sự “cải lùi và hạ thấp giá trị”, là “gieo vừng ra ngô” nghệ thuật cồng chiêng độc đáo của nhân dân Tây Nguyên”, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh viện dẫn.

Tại Hội thảo, 46 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã đặt ra những vấn đề cấp thiết trong việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng. Đó là những trăn trở khi cồng chiêng đang có những dấu hiệu mai một khi nhiều ngôi làng, nhiều cộng đồng buôn, làng vắng tiếng chiêng vang. Và đặc biệt nhiều lễ hội – gắn với cồng chiêng chính tại cộng đồng buôn, làng đã ít được tổ chức. Nhà nghiên cứu Linh Nga Nie KDăm, Trung tâm phát triển Nông thôn Tây Nguyên trăn trở: “Không gian – chủ thể phải cần được chú trọng, phải làm sao để bà con tự hào chính là chủ thể và cũng là khách thể của những ngày hội. Nghệ thuật dân gian cần được truyền dạy từ các cộng đồng, trường học, đặc biệt là lớp trẻ…”.

Có thể thấy, để bảo vệ, phát huy di sản này, biến di sản thành tài sản, giúp phát triển kinh tế - xã hội vừa phát triển du lịch cần có những giải pháp cấp bách từ nhà quản lý, sự hỗ trợ, tâm huyết của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Đặc biệt, là ý kiến của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh về việc bảo tồn giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng: “Người ta chỉ có thể bảo tồn cái gì đã có, cái gì đã trải qua năm tháng của lịch sử và đã được định hình, định danh với những giá trị và đặc trưng riêng có, đã được nhiều thế hệ cha ông chúng ta chọn lọc và gìn giữ. Như thế chúng ta phải bảo tồn di sản toàn vẹn và đồng bộ của một thực thể như nó đã từng tồn tại. Có như vậy, chúng ta và qua chúng ta, thế hệ trẻ mới hiểu được di sản và quan trọng hơn, chúng mới hiểu được những ngọt bùi đắng cay mà tổ tiên gửi gắm, từ đó mới biết trân trọng vốn di sản quý báu”.

MINH TÂN

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh đưa ra giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị bền vững về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Những nơi sinh hoạt cộng đồng của buôn, làng đang dần mất đi hoặc bị bỏ hoang.