Bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào DTTS ở Quảng Nam
(Cadn.com.vn) - Đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Quảng Nam có những giá trị văn hóa đặc trưng, phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa cũng như những tác động của thị trường, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng DTTS bị mai một dần.
Di sản văn hóa đa dạng, phong phú
Quảng Nam hiện có hơn 117.000 người đồng bào DTTS, chiếm 7,52% dân số toàn tỉnh, với các tộc người chính như: Cơtu, Giẻ Triêng, Ca Dong, Xê Đăng, Bhnoong, Cor... sinh sống chủ yếu ở 9 huyện miền núi cao.
Trong quá trình phát triển tộc người và sinh sống cộng cư ở miền núi, các DTTS tỉnh Quảng Nam đã sáng tạo, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc, đa dạng và phong phú cả về văn hóa vật thể và phi vật thể; vừa có tính đặc trưng riêng của mỗi dân tộc, vừa có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa trong cộng đồng. Về văn hóa phi vật thể, có thể thấy trong các lễ hội văn hóa mang tính tâm linh, các phong tục tập quán, nghệ thuật cồng chiêng, ngôn ngữ, âm nhạc, các điệu dân ca, dân vũ, văn học dân gian... Văn hóa vật thể thể hiện rõ nét trong nghệ thuật xây dựng nhà cộng đồng (gươl, nhà rông, moong...), nghệ thuật điêu khắc gỗ, dệt thổ cẩm cùng những cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng, văn hóa ẩm thực đặc trưng của núi rừng...
Lễ hội cồng chiêng của người Cơ Tu. |
Thời gian qua, cùng với việc quan tâm đầu tư có sở hạ tầng kinh tế, văn hóa - xã hội để từng bước cải thiện đời sống của đồng bào các DTTS ở miền núi, các cấp, các ngành, địa phương đã quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vùng đồng bào DTTS ở Quảng Nam, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của đất Quảng. Nhiều lễ hội văn hóa của đồng bào được phục dựng, nghệ thuật điêu khắc, cồng chiêng, những điệu dân ca, dân vũ được sưu tầm, phát huy trong đời sống cộng đồng.
Giá trị văn hóa đồng bào các DTTS Quảng Nam được phát huy mạnh mẽ qua chương trình lễ hội "Quảng Nam - Hành trình di sản", lễ hội "Văn hóa - Thể thao các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam". Đặc biệt, mới đây Hội đồng Di sản quốc gia vừa công nhận 4 di sản văn hóa của các cư dân xứ Quảng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong đó, có 3 di sản đại diện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Quảng Nam là: nghề dệt thổ cẩm, vũ điệu tung tung da dá của dân tộc Cơ Tu, nghệ thuật trang trí trên cây nêu và bộ gu của dân tộc Cor...
Phục dựng trống đất của người Ca Dong H. Bắc Trà My. |
Cần giải pháp đồng bộ, bền vững
Trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa cũng như những tác động của kinh tế thị trường, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng DTTS ở miền núi Quảng Nam cũng bị ảnh hưởng. Trong khi đó, việc bảo tồn và phát huy văn hóa của đồng bào chưa có sự hoạch định mang tầm chiến lược, thiếu sự quan tâm đầu tư đồng bộ nên đã có nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể bị mai một dần. Ông Trần Thanh Hải - Ủy viên Thường trực HĐND H. Phước Sơn, lo lắng: "Nhiều giá trị văn hóa phi vật thể như điệu hát, điệu múa của người Bhnoong ở địa phương hiện nay đã bị mai một khá nhiều nên việc khôi phục lại sẽ gặp rất nhiều khó khăn". Ông Nguyễn Thành - Phó Chủ tịch HĐND H. Đông Giang cũng không khỏi ưu tư: "Y phục thổ cẩm của người Cơ Tu thì hiện nay giới trẻ ít mặc, thậm chí không mặc. Chữ viết của người Cơ Tu hiện nay đã có bộ sách rồi, nhưng trong nhà trường phổ thông con em người Cơ Tu không được học chữ viết, nói thì nói tiếng mẹ đẻ nhưng viết thì không được".
Văn hóa đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang dần bị mai một và biến dạng, trở thành nỗi lo chung cần được giải quyết kịp thời. Đó là nội dung cấp bách đưa ra tại Hội nghị giao ban giữa Ban Dân tộc HĐND tỉnh với Thường trực HĐND 9 huyện miền núi Quảng Nam tổ chức trong tháng 9 vừa qua. Theo những người làm công tác văn hóa ở vùng đồng bào DTTS, vấn đề quan tâm nhất hiện nay là phải xác định cho được cái gì cần bảo tồn, lưu giữ, không để bị thất truyền; và cái gì cần phải khôi phục phát triển. Ông Nguyễn Đức, Trưởng Ban dân tộc HĐND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: Việc bảo tồn văn hóa đồng bào vùng cao cần sự vào cuộc có trách nhiệm các nhà chuyên môn, cơ quan quản lý ở các địa phương miền núi. Khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào các DTTS cần tuân thủ giá trị truyền thông, bản sắc và không gian văn hóa của đồng bào. Văn hóa của đồng bào DTTS vùng cao đang đứng trước những thách thức về công tác bảo tồn và phát triển, nên rất cần đến sự chung tay để tìm ra những giải pháp căn cơ, bền vững.
Trước hết, cần khảo sát tổng thể để xác định những tác động có nguy cơ đe dọa đến bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS, xây dựng thiết chế rõ ràng để có những định hướng và tìm ra các giải pháp phù hợp trong việc bảo tồn. Giải pháp chính là tập trung đánh giá tình hình và hiệu quả đầu tư thực hiện các chương trình, dự án khôi phục các làng nghề; xác định các giá trị, loại hình văn hóa đặc trưng, tiêu biểu để bảo tồn, cũng như các chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo các cán bộ, nghệ nhân, nhà nghiên cứu về đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Nhiều địa phương cũng đưa ra cách làm hay như lồng ghép các hoạt động văn hóa trong phát triển kinh tế, du lịch của địa phương; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng trong cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở vùng đồng bào DTTS...
Thạch Hà