Báo Công An Đà Nẵng

Bão vành đai (Bài 2: Phía sau cơn bão)

Thứ năm, 21/06/2018 12:48

Cơn bão đô thị hóa quét qua đã để lại nhiều hệ lụy về an ninh trật tự, việc làm, những biến đổi về tâm lý, nếp sống...

San lấp ruộng đồng làm KĐT tại Điện Bàn (Quảng Nam).

Vấn đề đặt ra với người dân trong vùng giải tỏa ven Đà Nẵng, Hội An hiện nay là giá đền bù thấp, trong khi chưa có cơ chế ưu đãi nhằm giải quyết việc làm cho người nông dân khi không còn đất để sản xuất. Cụ thể, tại các xã Duy Hải, Duy Nghĩa, người dân được nhận 90.000 đồng/m2 (trong đó 30.000 đồng tiền đền bù đất và 60.000 đồng tiền hỗ trợ việc làm). Tại các xã, phường của Điện Bàn người dân nhận được 146.000 đồng/m2 (đền bù đất 42.000 đồng/m2 và 84.000 đồng tiền hỗ trợ). Sau khi làm nhà, một số hộ dân mua xe tải chạy dịch vụ, buôn bán, gửi ngân hàng lấy lãi và có người vừa đủ tiền xây lại ngôi nhà còn lại là... hai bàn tay trắng.

Ông Nguyễn Tấn Nam, Chủ tịch xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên, Quảng Nam) cho biết, tại thời điểm giải tỏa, người dân được nhận tiền đền bù nên cuộc sống khá sung túc nhưng trong khoảng thời gian 5 năm, 10 năm nữa không biết điều gì sẽ xảy ra khi đất không còn, người cũng hết sức lao động... Điều làm nhiều người trăn trở là các dự án này được giao cho các doanh nghiệp thực hiện nhằm khai thác đất, bán lại cho những người có nhu cầu. Vậy Nhà nước hay doanh nghiệp được hưởng lợi, khi thiệt thòi lại dành cho người nông dân? Rõ ràng, với hiện tại, người nông dân nhận tiền đền bù từ các dự án để trở thành... tỷ phú là câu chuyện khá phổ biến tại Quảng Nam. Tuy nhiên, việc một đêm trở thành... tỷ phú của những nông dân này chưa biết là việc đáng vui hay đáng buồn. Bởi lẽ, bao đời nay họ chỉ cày sâu, cuốc bẫm, tài sản làm ra vừa đủ trang trải cuộc sống gia đình nhưng đổi lại sự an bình, nay có được số tiền lớn không biết sử dụng vào mục đích gì cũng sẽ cạn dần theo thời gian và không biết bao nhiêu hiểm họa đang... rình rập.

Đại úy Nguyễn Ngọc Thủ Đô, Phó CAP Điện Ngọc (TX Điện Bàn) cho biết, việc hàng chục dự án quy hoạch khu dân cư được thực hiện tại P. Điện Ngọc trong thời gian qua đã làm phát sinh nhiều bi kịch trong một số gia đình mà chẳng ai có thể ngờ. Trước tiên là việc tranh chấp tài sản, một số người vì tiền, bất chấp máu mủ, tình thâm kiện nhau ra tòa hoặc có trường hợp giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực dẫn đến cảnh huynh đệ tương tàn. Một vấn đề khác là các loại tội phạm gia tăng một cách chóng mặt. Theo tìm hiểu, từ khi gia đình nhận tiền giải tỏa đền bù, một số thanh niên tỏ thái độ ỷ lại, không chịu lao động, thường xuyên tụ tập ăn nhậu, vướng vào vòng xoáy các loại tệ nạn, như rượu chè, ma túy. Hết tiền, nhưng thói quen “phong lưu” vẫn còn nên một số thanh niên lâm vào con đường trộm cắp... nhằm thỏa cơn nghiện. Không riêng gì thanh niên, một số người luống tuổi cũng ăn chơi chẳng màng đến việc làm ăn, chăm lo gia đình... dẫn đến mâu thuẫn gia đình phát sinh, vợ chồng đưa nhau ra tòa ly hôn, hậu quả là những đứa trẻ phải gánh chịu.

Ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch UBND P. Điện An trao đổi: Điều đáng lo ngại nhất trong quá trình đô thị hóa là người dân không có việc làm. Từ chỗ “nhàn cư” dễ dẫn đến “vi bất thiện”. Ngoài ra, các tai tệ nạn phát sinh làm băng hoại nền tảng đạo đức, lối sống lành mạnh. Theo tìm hiểu, cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh tại các địa bàn vùng giáp ranh với TP Đà Nẵng thì các loại tội phạm ở đây cũng tăng theo. Trước hết là hệ quả từ việc sử dụng không đúng mục đích nguồn tiền có được từ việc đền bù giải tỏa. Cụ thể, nhiều người chưa có việc làm nên thường xuyên tổ chức nhậu nhẹt. “Rượu vào lời ra” cộng với một phút nóng giận bất chợt có những hành động sai trái, phải vướng vào lòng lao lý. Có nhiều gia đình chiều chuộng con cái, mua xe máy phân khối lớn dẫn đến tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu gây ra tai nạn giao thông... Đau lòng hơn là nhiều gia đình có người thân vướng vào tệ nạn tiêm chích ma túy. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Duy Hải (Duy Xuyên). Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Duy Hải tâm sự: Duy Hải trước đây là vùng đất yên bình, gần như không có tội phạm nhưng từ khi có cầu Cửa Đại, người dân nhận tiền đền bù từ dự án khu nghỉ dưỡng nam Hội An, địa phương đã xuất hiện các loại tệ nạn như cờ bạc, ma túy... Ngoài ra, trên địa bàn Duy Hải hiện có hơn 3.000 công nhân từ các địa phương khác đến tạm trú, làm việc, đây cũng là tác nhân làm cho tình hình ATTT trên địa bàn thêm phức tạp. Tương tự, nhiều địa phương khác trong tỉnh Quảng Nam cũng phải đối mặt với thực trạng như vậy.

Ngoài ra, một vấn đề làm lãnh đạo nhiều địa phương quan tâm, lo lắng là chuyện chuyển đổi ngành nghề cho những lao động nông nghiệp. Với số người trong độ tuổi lao động sẽ được đào tạo, chuyển đổi nghề phù hợp nhưng với người quá tuổi lao động việc phải tìm một công việc thích hợp vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. Việc quy hoạch đất nông nghiệp chuyển sang đất dịch vụ du lịch, đất ở lâu dài đã đưa người nông dân từ chỗ chuyên cày bừa, cấy tỉa, chuyển sang cảnh... ăn không ngồi rồi. Theo tính toán, hiện ở các địa phương lao động làm nông nghiệp có độ tuổi từ 60 trở lên chiếm khoảng 30%. Với độ tuổi như vậy, khi không còn đất sản xuất, chăn nuôi sẽ không còn việc làm để tạo thu nhập ổn định và không thể đào tạo, chuyển đổi nghề như các đề án đưa ra. Do vậy, xét về lâu dài vấn đề tạo việc làm, thu nhập cho người lao động quá tuổi lao động là điều cần được lưu tâm. Tuy nhiên, đây cũng là bài toán khó cho các doanh nghiệp và các địa phương. Vì các doanh nghiệp không thể ký hợp đồng khi người đã quá tuổi lao động và vấn đề không có việc làm đồng nghĩa với việc không có thu nhập nên nguy cơ tái nghèo đối với những gia đình có người già yếu, neo đơn chỉ là câu chuyện mang tính thời gian.

(còn nữa)

VĂN THI – HẢI HẬU