Báo Công An Đà Nẵng

Bảo vệ "kho báu"...

Thứ năm, 13/06/2019 13:02

Quảng Nam được xem là một trong những địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước (đạt tỷ lệ 58,6%). Cùng với đó, hệ động thực vật rừng phong phú, đa dạng nên việc quản lý, bảo vệ luôn được các ngành chức năng chú trọng. Để bảo vệ những cánh rừng quý hiếm trên, kiểm lâm địa phương đã thành lập những trạm chốt chặn giữa rừng để bố trí cán bộ túc trực 24/24 giờ, không để xảy ra phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép, phá hoại vùng dược liệu...

Trạm chốt chặn rừng lim nằm ở thượng nguồn Khe Lăng.

Từ rừng lim cổ thụ...

Hơn 5 năm qua, từ khi lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 tích nước, Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Sông Bung phải thành lập trạm chốt chặn ở đầu nguồn Khe Lăng (thuộc địa phận xã Zuôih, H. Nam Giang) để bảo vệ rừng lim quý hiếm. Rừng lim mà họ bảo vệ nằm trên địa phận xã Lăng của H. Tây Giang, với mật độ dày và nhiều cây có đường kính 1,5 đến 2 mét được xem là quần thể rừng lim lớn nhất còn lại của Quảng Nam và là đích ngắm thường xuyên của "lâm tặc". Trạm chốt chặn được thành lập với mục tiêu bảo vệ nghiêm ngặt "kho báu" này. Vì thế, cán bộ của trạm hầu như không ngày nào vắng mặt. Mỗi kíp trực phải huy động 5 thành viên, kéo dài suốt một tuần.

Mới đây, có dịp trở lại trạm chốt chặn này khi cơn mưa chiều vừa ngớt. Khi đến nơi, căn lều dựng bằng gỗ lợp tôn của trạm bị gió lốc cuốn bay hoàn toàn. Để có chỗ ở mới, cán bộ kiểm lâm nơi đây phải nhờ người dân địa phương đến hỗ trợ dựng lại. Khó khăn là vậy, nhưng với tinh thần trách nhiệm, niềm đam mê gắn bó với núi rừng, các kiểm lâm nơi đây đã khắc phục gian khó, quyết tâm bảo vệ rừng. Tâm sự với chúng tôi, Tổ trưởng Nguyễn Thành Long cho biết, chỉ cần lực lượng kiểm lâm rút lui khỏi điểm chốt chặn khoảng 1 tháng thì rừng lim coi như bị xóa sổ. "Khu vực rừng lim chủ yếu nằm ở thượng nguồn con suối Lăng, nếu lâm tặc đưa máy cưa vào đến nơi thì cây bị cưa hạ sẽ lao xuống suối. Từ đây gỗ sẽ dễ dàng theo đường thủy được đưa đi tiêu thụ. Do vậy, chúng tôi luôn dặn nhau phải tập trung cao độ cho việc bảo vệ rừng lim này. Bất kể ngày đêm, cả đường sông lẫn đường rừng, mọi sự xâm nhập đều phải được phát hiện, nắm bắt kịp thời. Ngay cả dịp lễ, tết, anh em vẫn chia ca túc trực, đảm bảo giữ an toàn tuyệt đối cho rừng lim"- anh Long cho biết.

Điều đáng nói, đa số những cán bộ kiểm lâm ở đây đều công tác xa nhà, những ngày lễ, phép, anh em phải vượt hàng trăm cây số, tranh thủ về với gia đình, vợ con. Như câu chuyện của Pơloong Láo, vợ con ở tận xã Trà Kót (H. Bắc Trà My), mỗi lần về thăm vợ con, Láo phải vượt gần 600 cây số cả đi và về. Còn lại là chuỗi ngày triền miên với rừng, với căn lán nhỏ bên mênh mông lòng hồ thủy điện Sông Bung 4. Hay như kiểm lâm viên Alăng Y Vân, Y Vân có nhà tận xã Ating (H. Đông Giang), nhưng hiện anh đang theo học lớp Đại học tại chức ở Huế. Tranh thủ cuối tuần, Vân chạy xem máy về xã Ating thăm vợ con rồi tiếp tục chạy xuống Đà Nẵng (hơn 200km) để bắt xe ra Huế để học... Hoặc mỗi khi có cuộc họp của đơn vị, cán bộ kiểm lâm ở đây phải chạy xe máy xuống TT Thạnh Mỹ (H. Nam Giang) sau đó "quá cảnh" qua H. Đông Giang rồi mới lên đến trụ sở đơn vị ở H. Tây Giang. Mỗi lần đi họp như vậy phải vượt quãng đường gần 400km. Hoàn cảnh vất vả, gian khó là vậy nhưng các cán bộ nơi đây đều vui vẻ, tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ.

Lực lượng kiểm lâm rừng phòng hộ Đắk Mi tuần tra bảo vệ rừng sâm ba kích tím.

...đến vùng dược liệu quý hiếm

Rời trạm bảo vệ rừng lim, chúng tôi theo lòng hồ thủy điện Đắk Mi đến với trạm chốt chặn vùng dược liệu ba kích tím thuộc lâm phận quản lý của Hạt Kiểm lâm rừng Phòng hộ Đắk Mi. Vùng ba kích tím tự nhiên trên với quy mô hàng ngàn héc-ta được phát hiện đầu năm 2018 trong lâm phận rừng phòng hộ Đắk Mi. Quần thể ba kích tím này nằm cách hồ thủy điện khá xa và được đánh giá cao về giá trị dược liệu. Để giữ rừng ba kích tím này, lực lượng kiểm lâm đã lập tổ chốt chặn nơi thượng nguồn lòng hồ thủy điện Đắk Mi và bố trí nhiều cán bộ trực 24/24 giờ không để xảy ra phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép, phá hoại vùng dược liệu. Khu vực chốt chặn trên được UBND H. Phước Sơn đầu tư xây dựng một trạm bao gồm khu nhà ở, nơi làm việc, khu nhà ăn để thuận tiện cho cán bộ, nhân viên kiểm lâm túc trực giữ rừng.

Y Pha, một kiểm lâm viên người địa phương với dáng người cao lớn được phân công cùng với các kiểm lâm khác thường xuyên có mặt ở trạm này. Anh Pha cho biết, dù công việc với nhiều khó khăn, song được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, tỉnh nên cuộc sống sinh hoạt của anh em nơi đây tương đối đảm bảo. "Khu vực trạm cách đường xe chạy hơn 1 giờ di chuyển bằng ghe máy, nằm ở khu vực đầu nguồn, nơi có rừng dược liệu và những cánh rừng nguyên sinh nên là đích ngắm đến của "lâm tặc". Ý thức được nhiệm vụ của mình nên anh em ở trạm đều phát huy tinh thần, trách nhiệm để giữ rừng. Bên cạnh đó, anh em cán bộ kiểm lâm thường xuyên tuyên truyền cho người dân địa phương nâng cao nhận thức quản lý, bảo vệ rừng, ý nghĩa, tầm quan trọng của rừng và nhiều người dân đã ý thức hơn, họ biết bảo vệ, không đốt rừng làm nương rẫy như trước đây"- anh Pha chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Tình - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Đắk Mi cho hay, sau khi phát hiện vùng ba kích tím với số lượng lớn và gần 10ha cây dược liệu sa nhân tại đây, đơn vị đã lập chốt quản lý bảo vệ rừng nhằm bảo vệ vùng dược liệu quý hiếm, đồng thời triển khai nhiều kế hoạch ngăn chặn nạn phá rừng, săn bắt động vật trái phép. "Trong năm nay, ngoài công việc chốt chặn bảo vệ rừng, chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển cây dược liệu như cây sa nhân tím và cây ba kích tím để hỗ trợ cho người dân phát triển dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập, tạo sinh kế cho người dân H. Phước Sơn, chúng tôi sẽ triển khai công tác bảo tồn, nhân rộng cây dược liệu dưới tán rừng, đồng thời tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn dược liệu quý hiếm này" - ông Tình nói.

Dù cuộc sống lênh đênh gắn với sông nước, núi rừng, đường sá đi lại khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng với quyết tâm và niềm đam mê của mình, những cán bộ kiểm lâm nơi đây trong thời gian qua đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ được những cánh rừng lim, bảo vệ vùng dược liệu quý hiếm, việc làm của các anh thầm lặng và rất đáng trân trọng.

BÃO BÌNH