Báo Công An Đà Nẵng

Bảo vệ rừng ở Đà Nẵng: Kiểm tra, quản lý tận gốc

Thứ bảy, 06/12/2014 07:10

(Cadn.com.vn) - Là thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng Đà Nẵng lại có diện tích rừng giàu tài nguyên, có giá trị vào loại nhất nước với 28.000 ha rừng đặc dụng, trong đó có 15.000 ha rừng nguyên sinh. Song cũng chính vì vị trí không quá xa so với trung tâm đô thị, nên tình trạng rừng bị xâm hại cũng diễn biến rất phức tạp. Sau vụ phá rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa (vừa được cơ quan chức năng khởi tố vào cuối tháng 11-2014), dư luận đặt ra câu hỏi: làm thế bảo để bảo vệ được rừng Đà Nẵng khi công tác bảo vệ rừng và chính lực lượng có chức năng giữ rừng vẫn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập?

Một trong những địa phương có diện tích rừng nhiều nhất Đà Nẵng là xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang. Lâu nay, tình trạng phá rừng nơi đây diễn ra dai dẳng, hết sức phức tạp. Sau khi vụ phá rừng Cà Nhông thuộc phạm vi rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa bị phát hiện, lực lượng chức năng kiểm tra, truy quét,  các đối tượng phá rừng dạt về phía Sông Bắc.  Theo số liệu từ ngành Kiểm lâm, từ đầu năm 2014 đến nay trên địa bàn xã Hòa Bắc xảy ra 16 vụ phá rừng và vận chuyển lâm sản trái phép,  lực lượng truy quét đã phá hủy 22 lán trại, tịch thu 28 m3 gỗ các loại, 1 máy cưa, tạm giữ 5 xe ô-tô chở gỗ lậu…

Phức tạp nhất hiện nay là khu vực do Cty CP Vinafor quản lý với diện tích khoảng 500 ha rừng trồng cây nguyên liệu nằm ở thượng nguồn Sông Bắc, phía Tây đèo Mũi Trâu. Theo nhận định của cơ quan Kiểm lâm, nhiều đối tượng khai thác rừng trái phép đang ẩn náu tại đây, tìm cách khai thác gỗ quý, liên kết với người dân địa phương vận chuyển gỗ ra Sông Bắc, kết bè chuyển về đồng bằng. Cuối tháng 11-2014,  Hạt Kiểm lâm Hòa Vang đã mai phục, phát hiện lâm tặc  kéo bè gỗ trên sông, bị truy bắt, các đối tượng bỏ chạy, bỏ lại  16 phách gỗ xẻ.

Gỗ bị lâm tặc khai thác được lực lượng chức năng phát hiện
trong vụ phá rừng Bà Nà- Núi Chúa mới đây.

Chỉ sau đó 2 ngày, lực lượng Kiểm lâm và dân quân, CAX Hòa Bắc lại phát hiện nhiều đối tượng đang kéo bè gỗ trên sông Bắc, các đối tượng đã dùng đá ném vào lực lượng truy bắt. Chỉ đến khi lực lượng truy bắt nổ súng cảnh cáo, các đối tượng mới bỏ chạy, nhưng cũng đã kịp thời tẩu tán tang vật.  Trước đó vào tháng 6-2014, tại tiểu khu 12, lực lượng chức năng đã phát  hiện 99 cây rừng  có đường kính từ 30 đến 85 cm bị chặt hạ,  thu tại hiện trường hàng chục mét khối gỗ… Ông Hồ Tăng Phúc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, không chỉ khu vực rừng Sông Bắc, khu vực tiểu khu 10-15, giáp ranh với các xã Hòa Liên và khu vực Bàu Bàng cũng bị xâm hại nghiêm trọng. Khu vực này chỉ còn các loại cây gỗ nhỏ, thế nhưng lâm tặc cũng không chừa.

Có thể nói, rừng ở Hòa Bắc đang bị xâm hại khắp nơi, nhiều đối tượng lâm tặc đang bám sâu vào rừng, săn tìm gỗ tốt để chặt hạ, mới đây nhất vào ngày 28-11-2014,  Hạt Kiểm lâm Hòa Vang khi tuần tra đã phát hiện 3 đối tượng, trú tại TT-  Huế đang chặt hạ gỗ rừng. Qua đấu tranh ban đầu, các đối tượng khai, lâu nay vẫn lẩn lút trong rừng, tìm chặt hạ gỗ rừng tại nhiều địa điểm, nhiều khu vực… Trong cuộc họp bàn các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng Hòa Bắc ngày 18-11-2014, tại UBND xã Hòa Bắc, ông Phạm Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND H. Hòa Vang nhận xét: “Các đối tượng phá rừng vô cùng phức tạp, lực lượng bảo vệ rừng đông nhưng chưa đủ mạnh…!”. Người dân ở  2 thôn Tà Lang, Giàn Bí xã Hòa Bắc vô cùng bức xúc trước tình trạng rừng bị tàn phá, nhiều người dân đã đề nghị cho họ được tự lập các chốt tại các vị trí xung yếu để ngăn chặn, bảo vệ rừng.

Lực lượng Kiểm lâm Đà Nẵng kiểm tra số gỗ tang vật tịch thu
trong vụ phá rừng Bà Nà- Núi Chúa.

Tại buổi trao đổi với chúng tôi vào một ngày đầu tháng 12-2014, ông Trần Văn Lương, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng trăn trở: “Kiểm lâm khổ quá nhà báo ơi…”. Nhưng ông khẳng định: “Dù khó khăn mấy cũng phải làm…”.   Trao đổi với ông Lương, mới thấy nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra trước lực lượng Kiểm lâm, chính quyền và ngành chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tại một Hội nghị ngành Kiểm lâm vào cuối tháng 11-2014 mới đây đã đánh giá,  hiện cả nước có 12.000 cán bộ, Kiểm lâm viên, phải quản lý hơn 60 triệu ha rừng các loại, theo quy định  mỗi kiểm lâm viên phụ trách địa bàn phải quản lý 500 ha rừng đặc dụng, đa phần ở những địa bàn hiểm trở, khó khăn, thiếu thốn đủ các mặt, không điện, không nước, không nơi ăn, chốn nghỉ.

Đó là tình hình chung, ở Đà Nẵng cũng không ngoại lệ, một Kiểm lâm  phụ trách địa bàn phải mất hàng tháng trời liên tục mới có thể  bao quát được 50km2 rừng, nhưng chỉ có thể thực hiện được liên tục vào mùa khô, còn mùa mưa việc địa bàn bị “bỏ trống” là điều không tránh khỏi. Bởi chính vào lúc thời tiết bất lợi, khắc nghiệt, các dịp lễ, tết lại là thời điểm lâm tặc “ra quân” phá rừng.  Hiện rừng Bà Nà- Núi Chúa có 6 trạm kiểm soát, nhưng cũng chỉ chốt chặn ở các vị trí xung yếu, ở các cửa rừng, trong khi lâm tặc có hàng trăm con đường có thể đưa gỗ ra khỏi rừng, bằng nhiều cách vận chuyển từ vác vai, trâu kéo, xe máy, đường sông… Trước tình hình trên, muốn giữ được rừng, trước hết phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân cán bộ, nhân viên làm công tác quản lý, bảo vệ rừng, mà trách nhiệm đầu tiên là lực lượng Kiểm lâm.

Trong vụ phá rừng Cà Nhông,  đã có nhiều cán bộ ngành Lâm nghiệp, Kiểm lâm bị xem xét xử lý về việc “thiếu tinh thần trách nhiệm” vì để xảy ra vụ việc. Đó cũng là một bài học cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, theo ông Lương, trách nhiệm trước mắt đối với lực lượng Kiểm lâm  Đà Nẵng là phải làm sao giữ được rừng Bà Nà- Núi Chúa. Trước tình hình xâm hại rừng còn phức tạp, nhất là ở khu vực Hòa Bắc, cuối tháng 11-2014 vừa qua Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng đã thành lập tổ công tác gồm 20 thành viên, trực tiếp do một Phó Chi cục trưởng phụ trách, chia làm hai nhóm, tiến sâu vào các khu rừng xung yếu, chốt chặn liên tục từ nay đến tết nguyên đán.

Ngành Kiểm lâm cũng đã đề xuất, báo cáo với UBND TP Đà Nẵng, Sở NN-PTNT, UBND H. Hòa Vang, triển khai gấp rút các kế hoạch truy quét, chốt chặn, điều tra xử lý các điểm nóng về phá rừng; kiểm tra các xưởng cưa, chế biến gỗ tại các địa phương có rừng… Ông Lương  khẳng định: “Vấn đề quan trọng hiện nay là  phải quyết tâm kiểm tra, quản lý tận gốc của rừng, có như vậy mới đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ rừng  đạt hiệu quả trong thời gian tới…”.

Hồng Thanh