Báo Công An Đà Nẵng

Bắt 2 đối tượng mua bán người, giải cứu 4 thuyền viên

Thứ ba, 26/12/2017 21:00

Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, đồng thời vẽ ra tương lai “béo bở” để “câu” những lao động thất nghiệp đang cần việc làm là chiêu lừa không mới nhưng nhiều lao động liên tiếp sập bẫy kẻ xấu. Ngày 25-12, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, Đại tá Tôn Quốc Khánh cho biết, đơn vị vừa phá thành công Chuyên án 423B về đấu tranh với hoạt động mua bán người trên địa bàn TP Đà Nẵng, giải cứu 4 thuyền viên, tiến hành khởi tố vụ án bắt giữ 2 đối tượng có liên quan.

Trần Văn Vũ                         ---                       Nguyễn Ngọc Trung

Trước đó, 20 giờ ngày 16-12, tại khu vực Trạm Kiểm soát biên phòng Công trình 15 (thuộc P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng), lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng phối hợp với Đoàn 2, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP đã giải cứu thành công 4 thuyền viên trên tàu cá BV5969TS do Trần Thế Tây (1986, trú ấp Tân Điền, xã Mỹ Lâm, H. Hòn Đất, Kiên Giang) làm chủ tàu có hành vi giam giữ, cưỡng ép lao động. 4 thuyền viên được giải cứu gồm: Nguyễn Văn Huy Tâm (1984, trú ấp Tân Thuận, xã Tân Lợi, H. Tịnh Biên, An Giang), Sơn Thương (1988, trú TT A, H. Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu), Lê Hữu Thành (1987, trú xã An Châu, H. Châu Thành, An Giang) và Phạm Văn Cảnh (1976, trú xã Trà Ôn, H. Phú Thành, Vĩnh Long). 4 thuyền viên khi được phát hiện, giải cứu trong tình trạng kiệt sức, gầy gò, ốm yếu vì bị bóc lột sức lao động nhưng vẫn phải làm việc phục vụ khai thác thủy sản cho chủ tàu.

Tại CQĐT, các thuyền viên cho biết mình là nạn nhân của bọn mua bán lao động nhưng vì bị giám sát, đánh đập nên không có cơ hội bỏ trốn. Theo đó, khoảng đầu tháng 11-2017, các thuyền viên từ quê rủ nhau lên TPHCM tìm việc làm theo lời mời của một Cty có trụ sở đóng tại đây. Tuy nhiên, khi đến Bến xe An Sương thì gặp một số xe ôm làm quen rồi cho biết Cty đó đã phá sản từ lâu, không hoạt động nữa. Thế rồi các thuyền viên được giới thiệu nơi có việc làm nhẹ, lương cao 8-9 triệu đồng/tháng. Các thuyền viên đồng ý và được chở đến TP Vũng Tàu với giá 3 triệu đồng/người. Do không có tiền nên các thuyền viên được một người phụ nữ tên Vân và Trần Văn Vũ (1990, trú 215/12A-Lưu Chí Hiếu, P. 10, TP Vũng Tàu) cho vay, bắt viết giấy vay nợ. Sau đó, Vũ đưa các thuyền viên vào một căn phòng kín, khóa cửa, cử người trông coi, không cho đi lại và tiếp xúc với người ngoài. Đến ngày 3-12, Vũ và Vân giao 4 thuyền viên trên cho Nguyễn Ngọc Trung (1988, trú 105/120/15-Lê Lợi, TP Vũng Tàu) bán cho Trần Thế Tây với giá 15 triệu đồng/người. Sau đó, Tây khống chế đưa các thuyền viên xuống tàu BV5969TS để đi khai thác hải sản trên biển lấy công trừ tiền mà Vũ đã bỏ ra.

“Bọn chúng là những kẻ buôn bán lao động chuyên nghiệp khi có cả đường dây móc nối với nhau. Từ những người xe ôm ở bến xe đến những kẻ cho vay nợ đều nhằm mục đích lừa bán lao động. Biết là bị lừa nhưng không còn cách nào khác vì họ lấy hết giấy tờ, điện thoại, lại nhốt trong căn phòng kín, có 2 thanh niên cao to theo sát không phút sơ hở nên chúng tôi không thể cầu cứu” - lao động Tâm cho biết. Trong khi đó, cũng theo các lao động, trong suốt quá trình làm không công họ bị đày đọa khi không được ăn uống đầy đủ lại làm việc hết sức, không có thời gian nghỉ ngơi và luôn bị chửi bới. “Bọn chúng nói cứ làm đi khi nào thuyền về họ sẽ trả công đầy đủ nhưng thực tế khi chúng tôi đòi tiền công họ lại hứa hết lần này đến lần khác. Trong thời gian dài đi khơi chúng tôi đều sống trong lo sợ, thấp thỏm. Cứ làm sai một tí là chúng chửi, đánh đập không cho ăn, thậm chí đi ngủ chúng cũng dựng dậy làm việc” - lao động Thương kể.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tuần tra giám sát địa bàn BĐBP Đà Nẵng nhận thấy những dấu hiệu khả nghi, bất thường của tàu BV5969TS nên Đại tá Tôn Quốc Khánh - Chỉ huy trưởng chỉ đạo lực lượng đánh án bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức “câu móc” Trần Văn Vũ và Nguyễn Ngọc Trung ra Đà Nẵng. Ngày 20-12, khi Trung và Vũ vừa đặt chân tới Đà Nẵng thì bị lực lượng đánh án bắt giữ, đồng thời giải cứu 4 thuyền viên.

PHI NÔNG