"Bắt bài" Philippines
(Cadn.com.vn) - Nếu 2014 là năm Philippines phải vật lộn để khôi phục sau sự tàn phá khủng khiếp của siêu bão Haiyan, thì năm 2015 sẽ hứa hẹn nhiều thú vị, trước thềm bầu cử tổng thống năm 2016.
Tổng thống Benigno Aquino III sẽ phải nỗ lực rất nhiều trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2016. Ảnh: Diplomat |
1. Chuyến thăm nhà nước và chuyến công du của Giáo hoàng Francis là sự thúc đẩy tinh thần rất cần thiết cho người dân Philippines, quốc gia công giáo lớn nhất Châu Á. Giáo hoàng đến thăm các nạn nhân bão Haiyan, gặp gỡ các thanh thiếu niên và trẻ em lang thang, nói về nghèo đói và tham nhũng trước các nhà lãnh đạo hàng đầu đất nước. Liệu các chính trị gia sẽ lưu tâm đến lời nhắc nhở của Giáo hoàng nhằm "xóa bỏ mọi hình thức tham nhũng và chuyển hướng các nguồn lực từ người nghèo"? Giáo hoàng chỉ có 5 ngày ở Philippines nhưng ông tác động rất lớn đến chính trị nước này.
2. Sau khi Giáo hoàng Francis rời khỏi Philippines, những khởi đầu không chính thức vận động cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 sẽ bắt đầu. Sẽ có tranh cãi gay gắt giữa các nhà chính trị trong vài tháng tới. Liên minh cầm quyền dự kiến sẽ củng cố bộ máy trong cuộc đối đầu gay cấn này. Tổng thống Benigno Aquino III rất được ủng hộ, nhưng theo hiến pháp, ông không được phép tiếp tục tranh cử, do đó các đồng minh phải chạy đua cùng với lãnh đạo đối lập, Phó Tổng thống Jejomar Binay.
3. Các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải với Trung Quốc trong khu vực biển Đông vẫn là chương trình nghị sự chính mà Philippines sẽ tiếp tục nóng lên trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Manila nộp đơn kiện lên Tòa án trọng tài LHQ chống lại những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Điều này sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho người Philippines phản đối những yêu sách của Trung Quốc trong khu vực.
4. Những tháng tiếp theo là thời kỳ rất quan trọng để thực hiện lộ trình hòa bình theo thỏa thuận mà chính phủ soạn thảo với các nhà lãnh đạo của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro. Thách thức đầu tiên là phải được Quốc hội thông qua Luật Bangsamoro Cơ bản; và thuyết phục các học giả pháp lý và các nhà phê bình, thỏa thuận không vi phạm Hiến pháp năm 1987. Nếu Tổng thống Aquino thành công trong việc thay đổi Luật Bangsamoro trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm tới, đây là thành tựu lớn của ông.
5. Kinh nghiệm kinh tế của Philippines sẽ chịu sự giám sát toàn cầu vì Manila chuẩn bị đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Ông Aquino trước đó cho biết, chủ đề APEC năm nay là: "Xây dựng nền kinh tế hòa nhập, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn". Theo ông Aquino, đây sẽ là cơ hội để Manila thể hiện sự phát triển ngoạn mục với thế giới. Ngoài ra, sự hội nhập kinh tế của ASEAN năm 2015 sẽ là sự kiện lớn, tác động đến chính trị Philippines.
6. Khôi phục thảm họa sẽ là ưu tiên đối với cả chính quyền trung ương và địa phương. Ông Aquino không thể để xảy ra tình trạng khôi phục chậm chạp tại các thị trấn bị ảnh hưởng bởi bão Haiyan nếu muốn chính quyền được đánh giá tốt. Khả năng lãnh đạo của ông sẽ được xác định bởi sự thành công hay thất bại của chương trình khôi phục thảm họa tại Samar và Leyte. Đối với các chính trị gia địa phương, họ có nguy cơ mất đi sự ủng hộ nếu phân phối cứu trợ không hiệu quả và không có kế hoạch sử dụng tiền viện trợ làm sống lại nền kinh tế địa phương.
2015 thật sự là giai đoạn chuẩn bị cho 2016- năm lớn của Philippines- khi đất nước sẽ đi bầu một tổng thống mới.
An Bình (Theo Diplomat)