Báo Công An Đà Nẵng

Bát canh môn của ngoại

Thứ năm, 06/11/2014 09:59

(cadn.com.vn) - Thời thơ ấu, tôi thường được bà ngoại dẫn đi ăn giỗ chạp, bởi mỗi năm mới  giỗ chạp một lần, đúng vào dịp thu hoạch “khoai môn” nên món canh môn luôn xuất hiện trên bàn cúng vào dịp cuối năm. Những món ăn nấu từ môn là tôi thích nhất vì nó ngon, mềm với hương vị rất riêng. Đó là món canh môn hoặc món môn um.

Bà tôi thường truyền cách chọn môn cho con cháu: môn có nhiều loại như môn trốn, môn sáp, môn tàu..., nhưng môn dựng là loại nấu canh với xương heo, giò heo là  hợp và  thơm ngon nhất. Trong các đám giỗ, cúng đất, chạp mả, cúng tất niên cuối năm, ngày Tết, canh môn nấu với xương là món ăn dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn, lạ miệng, trước cúng tổ tiên, ông bà, sau là  họ hàng, con cháu thưởng thức không thể thiếu của người dân đất Quảng.

Củ môn dựng dễ nhận biết  bởi  củ  môn không nứt củ con (dái) ở chung quanh mà nó gần như liền nhau, không phân biệt đâu là củ cái, đâu là củ con. Cạo vỏ ra, môn dựng có màu hồng nên nhiều nơi ở vùng Đại Lộc (Quảng Nam) còn gọi là môn “mặt khỉ”. Đặc biệt, loại môn này khi cạo vỏ bằng tay không thì rất ngứa, nhưng khi luộc, nấu thì rất  bùi, thơm, bở và dẻo. Cái màu hồng hồng của ruột  và da là màu đặc trưng của môn dựng mà không loại môn nào có được. Môn dựng nấu ăn chơi cũng được, nấu canh cũng ngon, nấu chè cũng đứng vào hàng số một, nấu món môn um cũng quá tuyệt.

Hằng năm, cứ vào dịp giáp Tết, bà tôi đào mấy hàng môn trong vườn mà hai bà cháu tôi đã trồng vào tiết mưa giông hồi tháng tư (âm lịch). Bà mang môn đã đào đi chợ quê bán để sắm đồ Tết và không quên mua ít cục xương heo về nấu canh môn. Những năm trồng nhiều, môn có giá bà lại sắm cho tôi cái áo mới đón xuân. Số môn còn lại, bà mang bày dưới bộ phản cho mát nhằm để được lâu. Có giỗ, chạp vào thời điểm này, bà mang môn ra cạo. Đôi bàn tay sần sùi, dày như cái mo của bà đã “trị” được chất ngứa của loại môn “siêu ngứa” này.

Bà cạo vỏ, rửa sạch, cắt lát và để ráo. Bà chặt xương heo nhỏ, rửa sạch ướp sơ với chút muối, ngũ vị hương, hành băm nhỏ. Bà cho vào xoong ít dầu ăn đun nóng cho hành tím băm nhỏ vào phi thơm, xong cho xương vào đảo một lát, cho vào nước lạnh đủ dùng và hầm trên lửa nhỏ cho xương mềm ra chất ngọt. Môn đã xắt  bà cũng đảo qua dầu ăn cho khỏi nát và béo, đợi xương mềm bà cho môn vào hầm tiếp đến khi môn chín nêm lại gia vị, muối, hạt nêm cho vừa ăn nhấc ra khỏi bếp cho ngò ta hoặc ngò tây cắt khúc và rắt tiêu bột lên trên. Thi thoảng để đổi món, bà còn um loại môn này thành món ăn rất mịn, bùi, béo, thơm, dẻo, mà người ăn chẳng thể nào quên. Không còn gì thú bằng  bữa cơm quê bằng  món canh môn hoặc món  môn um thơm lừng ăn cùng rau sống thơm non, nhất là “lua” cùng với món rau sống bằng rau cải con chấm mắm ớt cay cay.



Củ môn và bát canh môn trong mâm cúng.

Ngày nay, món canh môn hay món môn um vẫn ít thấy xuất hiện trên các mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên trong những ngày giỗ kỵ, Tết... ở quê tôi vì lẽ làm món này lắm công phu, tỉ mẫn và người chế biến dễ bị ngứa khi gọt vỏ.

Tôi còn nhớ, tiết tháng chín, tháng mười, quê nghèo sụt sùi mưa lụt, thức ăn hiếm hoi, bà mang tơi đội nón ra vườn bứt những bẹ môn già vào làm món dưa môn. Từ hũ dưa này, bà mang ra chợ bán, mua lại ít cá đồng vụn về kho với dưa môn ăn cũng khá ngon. Tuổi thơ tôi lớn lên, trưởng thành, một phần nhờ những mớ “rau đồng cỏ nội” ấy. Và trong lúc đào môn, bà vui vẻ đọc mấy câu thơ dân dã của làng tôi: “Canh môn nấu với cá trê / Ông ăn một bát, ông mê tới già”; hoặc “Canh môn nấu với cá tràu / Ông ăn một chén qua Tàu cũng không quên”...

Ngày nay, tôi được nếm nhiều món ăn ngon, lạ, đặc sản thơm ngon khắp cả vùng miền, song tôi vẫn nhớ đến trả canh môn do bà tôi nấu năm nào. Nhớ canh môn có một, nhưng nhớ bà đến  mười. Nhớ tấm lưng còng của bà đào môn mỗi khi gió bấc hây hây, xuân đến Tết về; nhớ đôi tay của bà nhăn nheo, chai sạn lúc gọt môn; nhớ những lời ân cần, khuyên nhủ của bà để lớn lên thành người tử tế... Và mỗi dịp đi qua luống môn của nhà ai đang xanh tốt, lòng tôi lại bồi hồi nhớ quê, nhớ bà, nhớ món canh môn bà nấu vào những ngày giáp Tết và thương cho bàn tay nhăn nheo, làm lụng vất vả một nắng hai sương để nuôi đàn cháu nên người tử tế.

Tiên Sa