Bất cập chuyện tái định cư vùng Đông Quảng Nam
(Cadn.com.vn) - Vùng Đông Quảng Nam đang trong một cuộc đại di dân. Với hàng ngàn hộ dân phải di dời, hàng trăm héc-ta đất phải giải tỏa trắng, Quảng Nam đang phải gồng gánh một khối lượng công việc khổng lồ. Trong đó công tác sắp xếp, tái định cư luôn là câu chuyện nóng hổi...
Quảng Nam sắp xếp dân cư theo kiểu cuốn chiếu, xây dựng khu tái định cư (TĐC) rồi mới tính đến chuyện di dời, giải phóng mặt bằng. Các khu TĐC cũng sẽ dần hình thành kết nối với các trục đô thị lớn Núi Thành, Tam Kỳ, Hà Lam - Thăng Bình, Hội An. Điều này đã tạo ra một bất cập đó là người dân vùng quy hoạch phải chờ đợi lâu, sống trong cảnh nhà cửa xuống cấp trước khi được di dời đến nơi ở mới. Hai là những khu TĐC này đa phần đều thiếu thốn hạ tầng khiến người dân e ngại không muốn vào ở. Chính vì những lý do đó mà gần 10 năm kể từ ngày dự án Sắp xếp dân cư ven biển ra đời cũng là 10 năm các hộ dân vùng đông sống lay lắt, tạm bợ. Đi dọc tuyến đường Thanh Niên qua các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình không khó để thấy rằng nhiều khu TĐC vẫn còn rất nhiều chỗ trống, có nơi đường sá đã có nhưng vẫn chỉ là những đồi cát chạy dài hoang hoải, vài ngôi nhà lẻ loi giữa những cụm cây điều...
Khu TĐC Sơn Viên chỉ mới có 1 hộ dân vào nhận đất làm nhà. |
Nhận 300 triệu đồng đền bù từ năm 2010 để nhường chỗ cho dự án hình thành vệt cây xanh phía nam cầu Cửa Đại nhưng bà Nguyễn Thị Tứ (trú thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa) thú nhận đã tiêu hết sạch. "Đã gần 7 năm trôi qua rồi bây giờ tôi mới được bố trí đến nơi ở mới. Nếu bố trí sớm thì tôi còn có thể làm được một căn nhà nhỏ, còn bây giờ thì...". Không chỉ bà Tứ mà hàng chục hộ dân khác trong diện giải tỏa, TĐC vì sau bao năm nhận tiền nay mới được nhận đất TĐC. Tại khu TĐC Sơn Viên (xã Duy Nghĩa) sẽ là nơi ở mới của hàng chục hộ dân, chúng tôi ghi nhận nhiều nỗi lo âu. Dẫn tôi ra ngôi nhà đang xây dở dang cũng là ngôi nhà đầu tiên trong khu TĐC này, ông Năm (58 tuổi) cho biết: "Xây nhà kiên cố nhưng nước sạch không có, đợt này nắng nóng, anh em thợ hồ kéo nước mấy chục mét mới có nước trộn hồ. Chừ vô đây ở chúng tôi phải đi mua nước sạch về dùng chứ đâu có sẵn. Đất này thuần cát trắng không có một bóng râm, rồi đây cuộc sống sẽ khó khăn không như nơi mình ở quen trước đây. Nhiều cái phải lo lắm".
Ông Nguyễn Trường Năm-Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa cho biết, nhà nước qui hoạch tràn lan nhưng triển khai rất chậm chạp. Hàng nghìn hộ dân thuộc 2 xã Duy Nghĩa, Duy Hải phải sống trong cảnh đi không được ở không xong từ nhiều năm nay. "Đơn cử như năm 2012 UBND tỉnh có quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng khu TĐC Hồng Triều. Vậy nhưng, cho đến nay dự án vẫn còn nằm trên giấy. Hoăc khu TĐC Lệ Sơn được quy hoạch có tổng diện tích 101ha. Việc triển khai xây dựng bắt đầu từ năm 2010 nhưng đến thời điểm này mới chỉ hoàn thiện được 29ha. Những năm qua bà con vùng qui hoạch sống rất khó khăn, chia đất đai cho con cháu cũng không được, nhà cửa xuống cấp. Bên cạnh đó nhiều khu TĐC hạ tầng sơ sài, điện nước chập chờn khiến người dân không chịu chuyển vào sinh sống", ông Năm chia sẻ.
Theo lãnh đạo H. Duy Xuyên và các đơn vị liên quan, thời gian qua công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, nhất là cơ chế luôn thay đổi dẫn đến việc thực hiện chính sách bồi thường không đồng bộ trong cùng một dự án. Việc giải quyết bố trí đất TĐC chuyển từ phương thức đất đổi đất sang bồi thường theo giá thị trường và người dân phải mua đất TĐC theo giá đất tại nơi ở mới gây khó khăn trong việc vận động giải phóng mặt bằng đối với các dự án mới đang triển khai. Ông Nguyễn Tấn Nam, Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) cho biết việc triển khai các dự án trên địa bàn như khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, 3 trục giao thông trọng yếu, đường dẫn cầu Cửa Đại và cầu Trường Giang... sẽ lấy của địa phương ít nhất 616ha đất, phải bố trí TĐC là gần 210 hộ. Tuy nhiên, hiện nay tại các khu TĐC của xã mới chỉ có 49 hộ vào nhận đất xây dựng lại nhà cửa. Cụ thể, khu TĐC Nồi Rang 30 hộ, khu TĐC Lệ Sơn 18 hộ, khu TĐC Sơn Viên 1 hộ. Còn tại xã Duy Hải số đất thu hồi là 878ha, trong đó có gần 1.000 hộ nằm trong diện bị giải tỏa và phải bố trí TĐC. Tuy vậy chỉ có gần 300 hộ nhận đất xây dựng lại nhà cửa và 150 hộ đã nhận đất nhưng chưa tiến hành xây nhà. Còn ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Duy Hải thì cho rằng: "Về việc quy định mức bồi thường, hỗ trợ và TĐC cho người dân khi bị Nhà nước thu hồi đất, trước đây áp dụng theo Quyết định số 23 của UBND tỉnh nhưng bây giờ lại thực hiện theo Quyết định số 43 của UBND tỉnh. Trước đây 1 lô đất trong khu TĐC Duy Hải giai đoạn 1 có diện tích 270 - 300m2 nhưng giờ giảm xuống còn 200 - 240m2 và mặt tiền trước là 10 - 12m, giờ chỉ còn 6 - 7m. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn bất cập trong quá trình triển khai công việc của cán bộ phụ trách, gây tâm lý hoang mang cho người dân".
Những ngôi nhà mọc giữa bãi cát trắng là hình ảnh thực tế ở các khu tái định cư. |
Cuối tháng 5 vừa qua, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Võ Hồng đã dẫn đầu đoàn công tác đi thị sát những khu TĐC vùng Đông. Qua đó đã khẳng định, còn quá nhiều bất cập ở các khu TĐC hiện nay, thực tế có bộ phận nhân dân bị xáo trộn cuộc sống khi chuyển đến nơi ở mới. Hầu hết khu TĐC đều không có các thiết chế văn hóa, bị phá vỡ quy hoạch đất dành cho cây xanh, công viên. Chủ đầu tư và chính quyền địa phương chưa phối hợp chặt chẽ trong giải quyết những đòi hỏi chính đáng của người dân. Ông Võ Hồng đã chỉ đạo các địa phương cần nhanh chóng tiến hành các biện pháp căn cơ nhanh chóng ổn định đời sống của người dân. Bên cạnh đó cần hỗ trợ người dân bị mất đất sản xuất chuyển đổi ngành nghề, định hướng việc làm phù hợp để giải quyết bài toán sinh kế một cách hiệu quả.
Đồng Dao