Bất cập trong giao khoán quản lý, bảo vệ rừng tại xã Duy Thu
(Cadn.com.vn) - Nhiều tháng qua, dư luận tại xã Duy Thu, H. Duy Xuyên (Quảng Nam) bức xúc về chuyện nông dân địa phương cần đất rừng để sản xuất, phát triển kinh tế nhưng không được giao. Ngược lại, đất rừng phòng hộ (RPH) được giao cho... cán bộ hoặc người ngoài địa phương.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 1999- 2008, Nhà nước có chủ trương trồng RPH đầu nguồn tại 5 tỉnh duyên hải miền Trung, gồm: Quảng Trị, TT-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản do Bộ NN&PTNT làm chủ dự án (gọi tắt là rừng JIBIC), với tổng vốn là 270 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là trồng mới 20.000 ha rừng, khoanh nuôi, bảo vệ 140.000 ha... nhằm chống xói mòn đất, điều hòa nguồn nước, cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiên tai, cải thiện sinh kế cho người dân trong vùng dự án...
Tại địa bàn xã Duy Thu, từ năm 2006- 2008 có 96,14ha được quy hoạch trồng rừng JIBIC, với hình thức hỗn giao, gồm 550 cây chủ lực sao đen và 2.500 phụ trợ keo lá tràm. Sau khi trồng cây, BQL rừng JIBIC tiếp tục đầu tư kinh phí, tổ chức chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian 3 năm. Đến năm 2011, Nhà nước có chủ trương giao toàn bộ 96,14 ha rừng JIBIC cho các nhóm hộ, cá nhân tại địa phương quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phương án giao rừng đã có những bất cập xảy ra.
Một góc rừng JIBIC tại xã Duy Thu được giao cho cán bộ quản lý, bảo vệ nay đã được khai thác. |
Cụ thể, toàn bộ 96,14 ha rừng JIBIC tại xã Duy Thu được giao cho cán bộ UBND xã và một số cá nhân ngoài địa phương. Trong đó, giao cho 2 ông Nguyễn Lin, Tăng Trung là 2 cán bộ tại xã Duy Thu bảo vệ 34,74 ha, ông Trần Qua-nguyên Chủ tịch UBND xã Duy Thu 15,5 ha, giao cho nhóm hộ ông Phan Tiềm, một cán bộ tại TP Đà Nẵng 22 ha, nhóm hộ ông Trần Quang Linh 16,9 ha.
Vậy tại sao không giao rừng cho nông dân địa phương quản lý, bảo vệ nhằm tạo sinh kế cho người dân theo đúng tiêu chí đề ra, Phó Chủ tịch UBND H. Duy Xuyên Phan Xuân Cảnh cho biết: Nguyên nhân là do một số nhóm hộ, cá nhân, như: ông Trần Qua, Phan Tiềm, Trần Quang Linh đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ trước. Sau khi giao rừng cho một số hộ trên, diện tích còn lại quá ít nhưng nhu cầu quản lý, bảo vệ rừng của người dân địa phương quá lớn nên giao cho nhóm hộ ông Nguyễn Lin, Tăng Trung, cán bộ xã quản lý cho tiện (?).
Một bức xúc khác của người dân Duy Thu là sau 3 năm nhận khoán quản lý, bảo vệ, toàn bộ 96,14ha rừng JIBIC được các hộ trên bán làm nguyên liệu giấy, với giá 25 triệu đồng/ha. Như vậy, dù không đầu tư tiền của, công sức chăm sóc nhưng trong 3 năm làm công việc quản lý, bảo vệ rừng... trên giấy, mỗi nhóm hộ được khoán bảo vệ rừng tạixã Duy Thu có thể “bỏ túi” 200- 500 triệu đồng. Như vậy, kinh phí đầu tư của Nhà nước nhưng thành quả thì một số cá nhân được hưởng lợi. Đồng thời, sau khi khai thác cây, toàn bộ diện tích đất trên tiếp tục giao cho các nhóm hộ trên tiếp tục quản lý, sử dụng.
Ngày 21-4, làm việc cùng chúng tôi, ông Phan Xuân Cảnh, Phó Chủ tịch UBND H. Duy Xuyên cho biết: Do toàn bộ 96,14 ha rừng JIBIC tại xã Duy Thu được các cơ quan chức năng rà soát, đồng ý cho chuyển mục đích từ RPH đầu nguồn sang rừng sản xuất. Căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trước đây cho các nhóm hộ trên chưa hết thời hiệu nên UBND huyện quyết định tiếp tục giao đất cho họ quản lý, sử dụng...
Theo chúng tôi, lý giải trên của lãnh đạo UBND H. Duy Xuyên chưa thật sự thuyết phục. Vì, theo quy định, trước khi tiến hành dự án trồng rừng JIBIC, các địa phương phải tiến hành các thủ tục thu hồi đất của các chủ sở hữu để giao đất cho BQL dự án, không thể xảy ra trường hợp RPH đầu nguồn của Nhà nước nhưng quyền sử dụng đất lại của người dân. Và, chính sự chồng chéo này đã gây ra những bức xúc trong nhân dân. Ông N.T, một cán bộ xã về hưu cho biết: Thực tế việc giao khoán quản lý, bảo vệ này chỉ tồn tại trên giấy. Vì thế, đã xảy ra trường hợp khai thác trộm rừng JIBIC mang đi bán. Cụ thể, cuối năm 2012, ông Trương Quốc Lâm (trú Thạnh Xuyên, xã Duy Thu) thuê người khai thác trộm gần 1ha bị người dân phát hiện. Riêng trường hợp người dân vào rừng đốn củi nhỏ lẻ xảy ra thường xuyên.
Như vậy, công tác giao khoán, quản lý, bảo vệ rừng tại xã Duy Thu trong thời gian qua còn quá nhiều bất cập. Người dân tại địa phương có năng lực, nhu cầu sử dụng đất lại không được giao rừng và người không có năng lực, ngoài địa phương vẫn được ưu tiên giao đất. Chính sự bất cập này đã gây ra dư luận không tốt tại địa phương. Mong rằng, các cơ quan chức năng sớm có biện pháp chấn chỉnh để tạo được sự công bằng và giúp người dân có điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế...
Bài, ảnh: M.T