Báo Công An Đà Nẵng

Bất cập trong việc kê khai bồi thường sự cố môi trường biển

Thứ tư, 21/09/2016 10:47

(Cadn.com.vn) - Hàng loạt hộ dân ở thôn Phú Hải (X.Lộc Vĩnh, H.Phú Lộc, TT-Huế)- địa phương có hơn 95% số hộ dân sống bằng nghề biển phản ánh, nhiều ngư dân trực tiếp bị thiệt hại nằm trong quy định được bồi thường do sự cố môi trường biển Formosa gây nên lại bị chính quyền địa phương gạch tên.

Lao động trên thuyền không được kê khai

Theo quyết định số 6851/BNN-TCTS về việc hướng dẫn kê khai xác định thiệt hại do sự cố môi trường biển, trong đó nói rõ đối tượng thiệt hại được áp dụng đối với đối tượng trực tiếp bị thiệt hại. Cụ thể, trong lĩnh vực khai thác hải sản, chủ tàu và người lao động trên tàu/thuyền không lắp máy hoặc có lắp máy công suất dưới 90 CV, trực tiếp khai thác thủy sản trên biển, đầm phá ven biển, cửa sông có đăng ký hộ khẩu thường trú và thực tế hoạt động khai thác thủy sản tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và TT-Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển. Người lao động sống ven biển làm nghề khai thác thủy sản có tính chất đơn giản và thu nhập chính dựa vào nguồn lợi từ biển, đầm phá, cửa sông như: câu, lặn, te/xiệp, nghề cào, nơm, chụp, lưới rung, nò, sáo, bẫy, đăng, đáy...

Gia đình ông Nguyễn Văn Tâm (62 tuổi, trú thôn Phú Hải, X.Lộc Vĩnh) đã gần 5 tháng nay thuyền thúng vẫn nằm im lìm trước hiên nhà từ khi sự cố cá chết xảy ra. Vợ chồng ông Tâm vốn làm nghề đặt mành, rớ đánh bắt tôm, cá, mực nhưng thời gian gần đây, do hải sản đánh bắt vào được thu mua với giá quá rẻ nên chi phí ra khơi không đủ; vợ chồng ông thường hay bỏ biển. "Ngay sau khi cá chết, khoảng tháng 6-2016, gia đình tui được diện Nhà nước hỗ trợ khẩn cấp (Quyết định 772/QĐ-TTg- P.V) 3 tạ gạo và 2 lần với số tiền 4,5 triệu đồng. Cũng nhờ số gạo và tiền này mà cả gia đình tui cầm cự được mấy tháng qua"- ông Tâm cho biết. Thế nhưng, theo ông Tâm, trong đợt kê khai danh sách bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển ngày 15-9 vừa qua, xã chỉ đồng ý một mình ông có trong danh sách bồi thường, còn vợ ông thì không có. "Vợ tui cũng là một lao động trên thuyền. Hơn 20 năm nay, ngày nào vợ chồng tui cũng cùng nhau lao động trên thuyền thúng này, người dân trong làng ai cũng biết. Vì rứa khi xã yêu cầu lập danh sách để bồi thường thì tui kê tên mình với vợ nhưng không hiểu vì răng xã lại gạch tên vợ tui ra khỏi danh sách"-ông Tâm phản ánh. Tương tự, chị Hoàng Thị Thế Hải (32 tuổi, trú thôn Phú Hải) hơn 10 năm nay luôn đồng hành cùng chồng là anh Nguyễn Văn Ngà trên con tàu có công suất 24 CV. "Rứa mà, mới đây, khi nộp danh sách kê khai lên xã thì tên của tui lại bị gạch. Họ nói không tính vợ, rồi tui hỏi nguyên nhân vì sao thì họ nói phụ nữ không đi biển. Trong khi đó, ngày nào vợ chồng tui cũng bám biển"- chị Hải bức xúc. Vợ chồng chị Trương Thị Quyên và anh Lê Anh Nhân (45 tuổi) có thuyền 24 CV cũng nằm trong diện đủ điều kiện bồi thường do sự cố môi trường biển. Chị Quyên cho biết, trước 15-9, thì Trương Thị Quyên được kê khai lao động trên thuyền nhưng không hiểu vì sao sau ngày 15-9, tên chị Quyên lại bị gạch ra khỏi danh sách. "Vợ chồng tui bao năm cùng bám biển, tui cũng là lao động trên thuyền cũng như lao động chính trong gia đình nhưng giờ lại không được bồi thường thì làm răng có điều kiện để chuyển đổi nghề"- chị Quyên nước mắt lưng tròng.

Nhiều ngư dân ở thôn Phú Hải (X. Lộc Vĩnh) bức xúc cho rằng là lao động trên thuyền nhưng lại bị xã gạch tên trong danh sách bồi thường.

Vạn trưởng không được mời họp xét duyệt bồi thường

Theo ông Lê Công Minh, Hội đồng họp xét duyệt bồi thường sự cố cá chết, thành phần gồm có: Bí thư, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã; chủ tịch hội đồng, chủ tịch UBND xã, các phó chủ tịch, thường vụ Đảng ủy, đại diện Ban ngành đoàn thể, Bí thư chi bộ thôn, thôn trưởng, vạn trưởng của các thôn. Mặc dù theo lời của ông Minh là như vậy nhưng tại các cuộc họp xét duyệt bồi thường gần đây, ông Trần Đình Ba- Vạn trưởng Vạn ngư nghiệp thôn Phú Hải khẳng định, ông không hề được mời họp. Ông Ba cho biết: "X.Lộc Vĩnh là địa phương bị thiệt hại nặng nề do sự cố môi trường biển Formosa gây nên; trong đó thôn Phú Hải có đến hàng trăm hộ ngư dân bị ảnh hưởng nặng nề. Mặc dù là vạn trưởng, người sát cánh và nắm rất rõ về từng ngư dân nhưng tại các cuộc họp Hội đồng xét duyệt bồi thường gần đây do xã tổ chức, để lập danh sách gửi lên trên, tôi không hề được xã mời dự họp. Trong khi đó, theo quy định, thì vạn trưởng là thành phần không thể thiếu trong cuộc họp Hội đồng xét duyệt bồi thường"- ông Ba bức xúc. Khi được hỏi về việc, các hộ dân trên phản ánh, việc xã gạch tên đối với nhiều ngư dân đủ điều kiện nằm trong diện bồi thường, ông Ba khẳng định: "Phản ánh của những ngư dân trên là hoàn toàn chính xác và đúng sự thật; không hề có sự gian dối ở đây. Bởi, những ngư dân trên, trong đó có rất nhiều phụ nữ cũng là lao động trên thuyền".

Khi được hỏi vì sao tại các cuộc họp Hội đồng bồi thường sự cố môi trường biển, ông Trưởng vạn ngư nghiệp thôn Phú Hải lại không được mời tham dự thì ông Lê Công Minh- Chủ tịch UBND X.Lộc Vĩnh khẳng định: "Có mời ông Ba tham dự". Sau đó, ông Minh xác minh lại thì mới thừa nhận, có mời đại diện của Vạn. Khi P.V đặt câu hỏi: vì sao có Vạn trưởng hay Vạn Phó nhưng không được mời thì ông Minh nói: Xã gửi giấy mời về thôn trưởng, rồi thôn trưởng gửi lại. Còn ông Vạn trưởng Trần Đình Ba cho biết: Ông có hỏi ông trưởng thôn, vì sao xã không mời ông tham gia họp hội đồng bồi thường thì ông trưởng thôn nói: "Họ chỉ nói tau, chứ có nói chi mi mô mà đi. Trong khi đó chỉ có 1 hội viên không dính líu, liên quan lại được mời". Theo ngư dân Trương Thị Quyên: "Việc họp xét duyệt hội đồng bồi thường cá chết mà không có mặt của Vạn trưởng-người sát cánh cùng ngư dân- khiến ngư dân chúng tôi bức xúc vì không có sự công bằng và quyền lợi của nhiều ngư dân bị thiệt thòi".

Hải Lan

Sẽ thu hồi tiền, gạo của một số trường hợp

Ngay sau khi xảy ra sự cố cá chết, ngày 5-9-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Quyết định 772/QĐ-TTg về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân 4 tỉnh bị ảnh hưởng do hải sản chết bất thường. Ông Lê Công Minh- Chủ tịch UBND X. Lộc Vĩnh cho biết, do chính quyền địa phương có sự nhầm lẫn nên một số trường hợp đã lợi dụng khai gian, nhận hỗ trợ không đúng đối tượng. Hiện, xã đã lên danh sách những trường hợp nhận hỗ trợ không đúng theo Quyết định 772 và sắp tới, cơ quan CA cùng với chính quyền địa phương sẽ vào cuộc, tiến hành thu hồi để trả lại cho Nhà nước.