Báo Công An Đà Nẵng

“Bắt chồng” dưới chân Phượng Hoàng

Thứ bảy, 02/05/2015 11:00

(Cadn.com.vn) - Mờ sáng, căn nhà của cô dâu Niê H Duôn (1986) đã đỏ lửa, các thành viên trong gia đình bàn bạc để chuẩn bị lễ vật đi bắt chồng cho cô. Dưới những tán rừng của đèo Phượng Hoàng (Đắc Lắc) hùng vỹ, người Ê Đê ở đây vẫn giữ chế độ mẫu hệ trong cộng đồng của mình.

BẮT CHỒNG TỐN KÉM LẮM

Đèo Phượng Hoàng nằm trên QL26 đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh Đắc Lắc và Khánh Hòa, có chiều dài 12km thuộc địa phận H. MĐrắc. Nơi đây là nơi cư ngụ lâu đời của người Ê Đê với những bản sắc vô cùng độc đáo.

Chúng tôi ghé vào nhà của Niê H Duôn (Buôn Tai, xã Krông Jing), họ hàng đều tập trung đông đủ, cao niên đang bàn bạc để tổ chức đám cưới sao cho hoành tráng nhất, còn thanh niên thì uống rượu tán chuyện. Kpăy Cường (1982) là anh rể của Niê H Duôn đại diện cho họ nhà nữ đi bắt chồng cho em vợ của mình. Kpăy Cường bảo: “Đi bắt chồng cho em, lễ vật nhùng nhằng lắm. Bò, heo, gà đủ cả cộng thêm tiền và vàng nữa. Vài chục triệu đồng chứ không phải đùa đâu. Ở đây là vậy, nhà nữ phải lo từ A đến Z”.

Họ nhà gái cô dâu Niê H Duôn bàn bạc việc đi bắt chồng.

Nghe bảo Niê H Duôn bắt chồng trong huyện nên chi phí bỏ ra cũng “đỡ” hơn những nơi xa xôi khác. Nếu bắt chồng ở các huyện khác hay ở Khánh Hòa chẳng hạn thì phải lo nhiều thứ, nhất là cái khoản xe cộ để rước rể. Người nhà cô dâu cho biết rằng thủ tục bắt chồng thời nay cũng có nhiều cái khác ngày xưa lắm, người nhà trai cũng bỏ bớt lễ vật thách cưới nếu gia đình nhà gái khó khăn. Nhưng cuộc sống hiện đại du nhập, bớt lễ vật dạng trâu, bò, lợn… thì họ nhà gái sẽ phải thay vào đó là chòi rạp, nhạc sống, xe cộ, mâm cỗ, “nam” trang.

Một cuộc họp nhanh giữa các thanh niên buôn với gia chủ bàn về thời gian cử hành hôn lễ.

- Khoảng một tiếng nhạc sống sập sình nhỉ? Kpăy Cường bảo.

- Không. Phải 2 tiếng, chơi nhạc tới chiều để họ nhà trai biết thế nào là nhà gái. Được chồng thì phải làm hoành tráng chứ. Thanh niên buôn nhao lên.

Chúng tôi gặp những người đã lập gia đình để hỏi về tục bắt chồng ở đây. Chị H Ít (1987) đã có hai mặt con kể lại rằng, ngày đi bắt chồng, nhà gái phải tốn 3 con bò, 2 con heo, một lồng gà và không biết bao nhiêu là rượu. Chị tâm sự rằng, mình may mắn bắt được người chồng siêng năng, cần cù làm việc và thương gia đình chứ nhiều chị em khác tốn của mà bắt về toàn kiểu chồng “siêng ăn nhác làm”, say sưa suốt ngày. Vì rứa, không phải cứ có tiền là bắt được chồng “ngon” đâu nhé. Phải chọn, không phải đẹp trai cao to là muốn thách cưới thế nào cũng được. Vì vậy, trước khi đi đến quyết định bắt chồng phải tìm hiểu xem người mình định bắt về làm chồng như thế nào, chứ không là mất cả chì lẫn chài.

Không chỉ lớp trẻ đi bắt chồng, nhiều người tuổi đã ngoại “bát tuần” ở đây cũng đi bắt chồng. Nhớ lại khoảng thời gian 10 năm trước, bà H Nhi nay đã 90 tuổi kể, chồng mất không có ai làm việc nhà và bầu bạn nên phải đi bắt chồng. Chồng bà là ông Y Nai trẻ hơn bà 10 tuổi nên muốn bắt phải có nhiều lễ vật hơn. Vì theo tập tục ở đây, những người già muốn bắt chồng thì phải lo liệu nhiều hơn con gái bắt chồng lần đầu.

Rời Buôn Tai, chúng tôi ghé vào Buôn Êthi (xã Êa Trang, MĐrắc), nhiều lão niên cho biết sở dĩ gọi đèo Phượng Hoàng không phải là do ở đây có loài chim này mà con đèo nằm chẻ giữa những dãy núi uốn lượn tựa sải cánh của loài chim này. Ngôi nhà cộng đồng được làm theo lối kiến trúc nhà dài truyền thống, điều đặc biệt cầu thang được tạc ở phần tay nắm “nhũ hoa” của phụ nữ, vì người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ nên người phụ nữ làm chủ trong gia đình. Cầu thang gồm có “cầu thang cái” và “cầu thang đực”, cầu thang đực được làm một cách trơn tru, không có điểm gì nổi bật nhưng cầu thang cái phải tạc bầu ngực đó là nguồn sữa của mẹ, ai lên cũng phải nắm vào đây.

TÂM SỰ  “ĐI BẮT” VÀ “BỊ BẮT”

Nhiều sơn nữ dưới chân đèo Phượng Hoàng đến tuổi cập kê đi bắt chồng nhưng cuộc sống khó khăn nên không có tiền sắm lễ vật. Trường hợp như vậy thì cô gái phải đi làm thuê làm mướn hay nương rẫy đến khi nào có tiền mới mong có mái ấm gia đình.

“Phải tốn nhiều lắm tôi mới bắt được ông Y Nai về” - Bà H Nhi bảo.

Anh Y Nhon vừa rồi cũng làm đám cưới, do nhà gái khó khăn quá nên nhà trai chỉ thách cưới 2 con bò với 3 con heo. “Nếu đúng thì gia đình mình thách cưới 3 con bò cơ” - Y Nhon cho biết. Nhiều người đàn bà ở miệt rừng này cũng tâm sự rằng cái giá của nhà trai ra quá cao, có gia đình thông cảm thì mình xin bớt được, chứ gia đình gây khó dễ thì việc coi như bất thành. Bà H Nhau bắt chồng nhưng xét thấy điều kiện khó khăn nên nhà trai chỉ lấy hai con lợn, mỗi con nặng một tạ còn rượu thì vô số, uống hết lại lấy, không biết bao nhiêu mà kể.

Ông Y Den từng làm trưởng buôn cũng chia sẻ rằng, ngày đó bà nhà đi bắt ông về cũng phải tốn nhiều công lắm của. Đa phần hai họ nhà trai và nhà gái đều thống nhất với nhau về của hồi môn mà nhà gái phải trả. Cũng có trường hợp nhà trai thách cưới quá cao nên nhà gái đành phải quay về, chờ khi nào lo đủ thì trở lại rước rể.

Đám trai làng có mặt chuẩn bị cho đám cưới của cô dâu Niê H Duôn khi được hỏi nếu một mai đến lượt mình thì nhà gái có phải mang nhiều thứ đến làm của hồi môn cho mình không, tất cả đều khẳng định là có vì đó là tục lệ có từ lâu đời của buôn làng. Có chàng còn đùa rằng tao không thách cưới trâu bò đâu, tao thách cưới xe exiter kia, iphone nữa. Bò, lợn, gà thì thường quá chúng mầy nhỉ.

Chiều, những cánh rừng ở đèo Phượng Hoàng im ắng. Chốc chốc lại phát ra tiếng nhạc sập sình từ những chiếc loa công suất lớn, báo hiệu một cuộc bắt chồng với vô vàn lễ vật mà nhà gái phải oằn lưng gánh vác.

Tứ Đức