Báo Công An Đà Nẵng

Bắt cóc, hỗn loạn ở Philippines vì sòng bạc trực tuyến cho người Trung Quốc

Thứ ba, 16/06/2020 11:14

Các sòng bạc mọc lên như nấm, nhằm phục vụ cho các con bạc Trung Quốc bất hợp pháp đang làm bùng nổ các vụ bắt cóc và hỗn loạn ở thủ đô Manila của Philippines.

Tháng 10-2019, cảnh sát đột kích các văn phòng của một nhà điều hành cờ bạc trực tuyến liên quan đến một vụ lừa đảo viễn thông ở Paranaque, ngoại ô Manila.  Ảnh: CNN

Các công ty điều hành cờ bạc hải ngoại Philippines

Hàng chục người Philippines ăn mặc hở hang, đứng trong các gian hàng xáo trộn các thẻ bài trước webcam. Gần đó, hàng chục người Trung Quốc ngồi tại bàn trò chuyện trên điện thoại di động với các khách hàng tiềm năng. Đây là hình ảnh điển hình của POGO - Cty điều hành cờ bạc hải ngoại Philippines - theo mô tả của CNN. Một số có trụ sở tại các trung tâm bỏ hoang, trong khi số khác nằm trong các bãi đậu xe được chuyển đổi hoặc văn phòng thuê giá rẻ.

Trong 3 năm qua, Philippines đã nổi lên như một trung tâm cờ bạc trực tuyến hàng đầu thế giới với sự xuất hiện của các POGO, thu hút hơn 100.000 công dân Trung Quốc làm việc trong sòng bạc ảo phục vụ người chơi ở Trung Quốc, nơi cờ bạc là bất hợp pháp. Nhưng nó như một “con dao hai lưỡi”, vừa mang lại lợi ích vừa là một lời nguyền cho Philippines. Sòng bạc trực tuyến tạo ra doanh thu thuế và các công việc rất cần thiết trong khu vực trung tâm thành phố đông đúc của Manila. Nhưng đồng thời, chính nó đã đẩy giá thuê nhà lên cao và tạo ra những thách thức mới cho Cảnh sát Quốc gia Philippines. Manila đã ngừng nhận đơn xin cấp giấy phép mới vào tháng 8-2019, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia, nhưng Tổng thống Rodrigo Duterte sau đó tuyên bố rằng ông sẽ không cấm các sòng bạc ở Philippines. “Chúng tôi quyết định theo hướng có lợi cho đất nước tôi. Chúng tôi cần cờ bạc trực tuyến”, Tổng thống Duterte nhấn mạnh.

Sòng bạc trực tuyến bùng nổ

Các nền tảng chơi game trực tuyến cho phép người chơi đánh bạc từ xa qua livestream. “Các trò chơi được cung cấp trên các nền tảng này được quyết định bởi thị hiếu Châu Á”, Brendan Bussmann, chuyên gia tại Global Market Advisors cho biết và nói thêm: “Số tiền đặt cược thường ở mức thấp, khoảng từ 5-100 USD”.

Manila đã trở thành điểm nóng số một trên toàn thế giới về cờ bạc trực tuyến, theo luật sư David Lee tại Cty Lin&Partners của Đài Loan (Trung Quốc). Trong khi đó, Ben Lee, nhà sáng lập IGamiX tại Macao nhận định rằng, Philippines đã tiên phong trong việc hoạt động các sòng bạc trực tuyến vào đầu những năm 2000 khi Cagayan, một tỉnh ở phía bắc của đất nước, bắt đầu cấp phép cho một số nhà khai thác. Nhưng theo ông, mọi việc chỉ thực sự cất cánh khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức vào năm 2016. Nhà lãnh đạo này đã ký sắc lệnh hành pháp, trao quyền cấp giấy phép kinh doanh đánh bạc từ nước ngoài cho Tập đoàn Giải trí và Trò chơi Philippines (PAGCOR). Các doanh nhân Trung Quốc đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và số lượng POGO mọc lên như nấm.

Hiện có 60 nhà khai thác cờ bạc trực tuyến được cấp phép ở Philippines. Họ được hỗ trợ bởi hàng trăm nhà cung cấp dịch vụ, giúp họ xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng đằng sau nền tảng của họ. “Khoảng 90% đến 95% khách hàng của GordO được đặt tại Trung Quốc”, ông Ben Lee cho biết.

Tháng 11-2019, 294 công dân Trung Quốc bị trục xuất khỏi Philippines với cáo buộc làm việc bất hợp pháp tại nước này.  Ảnh: CNN

Những khoản thanh toán “ma”

Quản lý dòng tiền xuyên biên giới là một thách thức. Trung Quốc giới hạn số tiền mỗi cá nhân chuyển ra nước ngoài tối đa là 50.000 USD mỗi năm. Đánh bạc trực tuyến là hoạt động bị cấm theo pháp luật Trung Quốc, nên người dân không được phép gửi tiền ra nước ngoài cho mục đích này.

Vì vậy, người chơi thường sử dụng các dịch vụ như Alipay hoặc WeChat Pay và được ngụy trang dưới dạng mua bán lẻ đơn giản để chuyển tiền. Các con bạc Trung Quốc cũng đang sử dụng các loại tiền điện tử như Bitcoin để tránh bị phát hiện. Tập đoàn Tencent của Trung Quốc, Cty sở hữu dịch vụ nhắn tin WeChat, đã thành lập một nhóm quản lý rủi ro để chống lại hành vi lạm dụng, như đánh bạc bất hợp pháp, bằng cách giám sát các khoản thanh toán được thực hiện qua ứng dụng, một phát ngôn viên của tập đoàn nói với CNN.

POGO sử dụng một đội ngũ lớn nhân viên Trung Quốc để thu hút khách hàng mới từ chính quốc gia này. Theo chính phủ Philippines, có ít nhất 138.000 người nước ngoài làm việc tại các chi nhánh POGO, hầu hết đến từ Trung Quốc. “Hầu hết trong số họ đến Philippines bằng thị thực du lịch và luôn bị quá hạn”, Lucio Blanco Pitlo III, một thành viên của Tổ chức Con đường tiến bộ Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết. Theo các chuyên gia, nhiều công dân Trung Quốc làm việc trong các sòng bạc Philippines bị thu hút bởi những hứa hẹn về tương lai việc làm, lương cao trong các tập đoàn công nghệ uy tín. Nhưng khi đến nơi họ phát hiện sẽ làm việc cho một nền tảng đánh bạc trực tuyến và chỉ được trả một phần nhỏ so với những gì được hứa hẹn.

Trong một tuyên bố vào tháng 8-2019, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines cho biết, một số công dân Trung Quốc “bị lừa làm việc bất hợp pháp chỉ với thị thực du lịch”. Và hệ quả là, hồi tháng 11-2019, hàng trăm công dân Trung Quốc bị trục xuất khỏi Philippines vì liên quan tới đường dây lừa đảo viễn thông cùng với cáo buộc làm việc bất hợp pháp tại quốc gia này.

Trốn thuế, bắt cóc gia tăng

POGO là một lợi ích cho nền kinh tế Philippines. Những người trong ngành tin rằng có tới 150.000 người Philippines có thể đang làm việc cho các POGO. Chính phủ cũng đã được hưởng lợi. Năm 2018, các sòng bạc trực tuyến đã trả 7,4 tỷ peso (145 triệu USD) tiền cấp phép và các khoản phí theo quy định khác. Bộ Tài chính Philippines dự kiến mỗi năm sẽ thu được khoảng 471 triệu USD tiền thuế từ nhân viên của POGO. Tuy nhiên, vấn nạn đặt ra là nhiều Cty đã trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Các nhà điều hành và cung cấp dịch vụ tại POGO chỉ trả 579 triệu peso (11 triệu USD) tiền thuế khấu trừ trong năm 2018 - chỉ bằng 2,4% số tiền họ nợ, theo Cục Doanh thu Nội bộ. Cuối năm 2019, Bộ trưởng Tài chính Philippines đe dọa sẽ đóng cửa những Cty không nộp thuế đầy đủ và đúng hạn. Đầu năm 2020, các POGO vẫn còn nợ chính phủ 50 tỷ peso (khoảng 1 tỷ USD) tiền thuế. Việc phát triển các sòng bạc trực tuyến cũng tác động đến thị trường bất động sản tại Philippines, đẩy giá thuê nhà lên cao.

Ngoài ra, sự gia tăng của POGO cũng dẫn đến sự gia tăng tội phạm. “Trong thời gian rảnh rỗi, các nhân viên Trung Quốc cũng đánh bạc tại các sòng bạc và mắc nợ. Khi không trả được tiền, những kẻ cho vay nặng lãi sẽ bắt cóc và đòi tiền chuộc từ người thân của họ”, Elmer Cereno, người phát ngôn của Đội chống bắt cóc thuộc Cảnh sát Quốc gia Philippines nói với CNN. Từ tháng   1-2017 đến 10-2019, cảnh sát Philippines đã xử lý 65 trường hợp bắt cóc tống tiền liên quan đến nhân viên hoặc khách hàng của sòng bạc, bắt giữ tổng 132 người. Hầu như tất cả các nạn nhân và thủ phạm đều là công dân Trung Quốc. Tháng 10 -2019, cảnh sát đã giải cứu 2 công nhân người Trung Quốc, bị yêu cầu trả tiền chuộc từ 68.000 NDT đến 80.000 NDT (khoảng 9.800 đến 11.500 USD). Họ đã bị bắt cóc từ một khách sạn 6 ngày trước đó và bị 5 người mang quốc tịch Trung Quốc giam giữ trong một tòa nhà văn phòng ở Taguig, ngoại ô phía nam Manila.

Trung Quốc nói gì?

Bắc Kinh đang tăng cường sức ép với Manila để cấm POGO. Trong tuyên bố tháng 8-2019, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila cho biết, đánh bạc trực tuyến ở Philippines đã dẫn đến tội phạm gia tăng và các vấn đề xã hội ở Trung Quốc, bởi vì “một số tội phạm đánh bạc và gian lận viễn thông có mối liên hệ chặt chẽ”.

Đại sứ quán Trung Quốc cũng nhấn mạnh, “hàng trăm triệu NDT” trong các quỹ liên quan đến cờ bạc đang lưu thông bất hợp pháp từ Trung Quốc sang Philippines. Manila đáp lại các lo ngại của Bắc Kinh bằng cách ngừng cấp phép mới cho các POGO. Tuy nhiên, quốc gia này tuyên bố sẽ không cấm hoạt động cờ bạc trực tuyến. Manila cũng có những lo ngại riêng về ngành công nghiệp này, với các quan chức hàng đầu cho rằng, dòng công nhân Trung Quốc có thể chuyển sang làm gián điệp, gây rủi ro cho an ninh quốc gia.

Năm 2019, Manila đã đưa vào hoạt động hai trung tâm “khép kín” cho các sòng bạc trực tuyến tại 2 thành phố gần thủ đô là Cavite và Clark. “Các trung tâm này sẽ cho phép các công nhân của POGO làm việc, sống và dành thời gian giải trí dưới một mái nhà duy nhất. Nó cũng sẽ tăng sự an toàn của họ, vì các cơ quan thực thi pháp luật sẽ có sự hiện diện ở đó”, theo phát ngôn viên của PAGCOR. Một số cơ quan chính phủ, chẳng hạn như Cục Doanh thu Nội bộ, cũng sẽ thiết lập trạm theo dõi trong các trung tâm. Điều này nhằm quản lý chặt chẽ các POGO, đảm bảo các Cty nộp thuế đầy đủ và tuân thủ pháp luật.

Trung Quốc không vui vì những quyết định này. Trong tuyên bố tháng 8-2019, Bắc Kinh bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về các trung tâm, nói rằng họ có nguy cơ vi phạm “các quyền pháp lý cơ bản” của công dân Trung Quốc. Nhưng Manila không thay đổi quan điểm.

KHẢ ANH