Bắt đầu “đóng cửa” vay ngoại tệ?
(Cadn.com.vn) - Nếu không được gia hạn, kể từ hôm nay 31-3, các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ để mua nội tệ, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh (SXKD), đồng thời chuyển sang giao dịch mua bán bằng USD. Có thể nói, sau khi thực hiện cơ chế mới về tỷ giá, một lần nữa, việc “đóng cửa” cho vay ngoại tệ của NHNN sẽ “tấn công” mạnh vào thị trường đầu cơ nhằm thực hiện tốt lộ trình chống đô la hóa nền kinh tế.
Nhóm đối tượng nào được tiếp tục vay?
Thông tư 24/2015/TT-NHNN của NHNN nêu rõ, các tổ chức kinh tế (TCKT) là người cư trú có nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước, nhằm thực hiện phương án SXKD hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động SXKD để trả nợ vay chỉ được thực hiện đến hết ngày 31-3. Điều này đồng nghĩa, những doanh nghiệp vay USD, sau đó bán số ngoại tệ này cho NH lấy VND để trang trải chi phí, đáp ứng nhu cầu SXKD, sẽ không được phép thực hiện.
Thật ra, chủ trương cho vay ngoại tệ trước đây nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích hoạt động SXKD trong tình hình kinh tế khó khăn. Để thực hiện được điều này, NHNN đã cho phép các NHTM được cho doanh nghiệp vay ngoại tệ, bán lấy tiền đồng để mua máy móc thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước, sau đó xuất khẩu hàng hóa lấy ngoại tệ trả nợ. Đây là một giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bởi lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn nhiều so với lãi suất vay VND, thậm chí có thời điểm lãi suất vay USD chỉ bằng 1/3 so với lãi suất vay VND. Tuy nhiên, tình hình kinh tế hiện nay đã ấm hơn, tín dụng tăng trưởng tốt, nên NHNN siết chặt việc cho vay ngoại tệ với những đối tượng này.
Một vấn đề được đặt ra, nhóm đối tượng nào sẽ được tiếp tục vay ngoại tệ? Đó là nhu cầu vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu SXKD để trả nợ vay; vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hằng năm để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động SXKD để trả nợ vay; vay để đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài. Nhóm đối tượng nêu trên sẽ vay ngoại tệ bình thường để đáp ứng các nhu cầu SXKD theo quy định.
Kể từ ngày 31-3, các ngân hàng thương mại sẽ chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ để mua nội tệ. Ảnh minh họa |
Thị trường trước lệnh cấm?
Trước diễn biến này, một NH 100% vốn nước ngoài là HSBC thông báo trước, họ sẽ dừng cho vay ngoại tệ ngắn hạn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Động thái này sẽ khiến lượng giao dịch ngoại tệ của ngân hàng này trong tương lai sẽ sụt giảm đáng kể. Hiện NH này đang tính đến việc chuyển vốn vào những hoạt động khác. Ông Phạm Hồng Hải (TGĐ Ngân hàng HSBC Việt Nam) cho biết, NH có thể dùng nhiều kênh để sử dụng vốn khác nhau, NH có thể đẩy mạnh cung ứng vốn cho nhóm đối tượng được phép vay ngoại tệ cho vay trên thị trường liên ngân hàng hoặc gửi ở trên thị trường thế giới.
Trước thời điểm này, một số NH đã “đối phó” bằng cách cho khách hàng đăng ký nhu cầu, đồng thời ký kết hợp đồng tín dụng trước ngày 31-3. Cách làm giữ chân khách hàng này coi như là một cam kết giữa NH và DN trước thời điểm Thông tư 24 có hiệu lực mà NHNN không thể hồi tố được. Tuy nhiên, khi bị cấm cho vay ngoại tệ, NH trong nước sẽ bị mất lợi thế do các DN chuyển sang giao dịch với các NH nước ngoài để được vay ngoại tệ. Một giám đốc NH lo lắng, khi tư vấn cho khách hàng vay VND, họ phải chịu cho vay với một lãi suất thật thấp, thậm chí thấp hơn chi phí đầu vào của nguồn vốn để giữ mối quan hệ, hưởng các sản phẩm dịch vụ khác.
Về phía doanh nghiệp xuất khẩu, các đơn vị đang hưởng chênh lệch từ chuyển giá ngoại tệ (chênh lệch lãi suất cho vay giữa USD và VND từ 6-9%/năm) sẽ bị ảnh hưởng, chi phí vốn tăng sẽ được chuyển vào giá thành khiến cho khả năng cạnh tranh của hàng hóa giảm, tác động tiêu cực đến thị trường xuất khẩu.
Chống đô la hóa nền kinh tế
Siết cho vay ngoại tệ, hạ lãi suất huy động vốn USD là một trong những bước đi cơ bản của NHNN khi thực hiện lộ trình chống đô la hóa nền kinh tế. Dĩ nhiên, trước quyết tâm của NHNN, tình trạng găm giữ ngoại tệ, “ôm đô” chờ giá lên đã bị “triệt”, hiện tượng mua bán trên thị trường “chợ đen” không còn sôi động như trước. Thực tế, kể từ đầu năm đến nay, diễn biến tỷ giá USD/VND nằm ngoài dự liệu của nhiều doanh nghiệp và giới đầu cơ. Có thời điểm giá USD trên thị trường tự do còn thấp hơn giá USD tại các NH, giá USD hiện tại thấp hơn khoảng 200 đồng so với cuối năm 2015.
Trong một cuộc họp đầu tháng 3, bà Nguyễn Thị Hồng (phó Thống đốc NHNN) tái khẳng định chủ trương nhất quán của NHNN là ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế VND, gắn kết chủ trương chống đô-la hóa, từ quan hệ vay cho vay sang mua bán. Trên thực tế, vị thế của đồng VND đã được nâng lên cao trong hai năm 2014 và 2015. Đánh giá về chính sách điều hành ngoại hối 3 tháng đầu năm 2016, ông Bùi Quốc Dũng (Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN) cho biết, sau khi NHNN áp dụng đồng bộ các biện pháp điều hành tỷ giá và lãi suất từ cuối năm 2015 đến nay, tỷ giá giao dịch trên thị trường giảm nhanh, ổn định quanh mức giá mua được NHNN niêm yết (22.300 VND/USD) ngay cả khi thị trường tài chính thế giới biến động mạnh vào đầu năm. Sau Tết, các tổ chức tín dụng mua ròng được ngoại tệ khá lớn từ khách hàng, đồng thời bán cho NHNN, khiến dự trữ ngoại hối tăng thêm 3 tỷ USD.
Được biết, quy định ngưng cho vay ngoại tệ này đã được gia hạn từ một vài năm trước nhằm giúp giảm chi phí vốn vay cho doanh nghiệp, kích thích tăng trưởng kinh tế. Và điều này khiến tăng trưởng tín dụng tăng mạnh trở lại kể từ năm 2015, đồng thời nền kinh tế cũng đã hồi phục một cách hết sức ấn tượng. Tuy nhiên, việc hạn chế cho vay ngoại tệ nhằm chống đô la hóa nền kinh tế vẫn là mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ và NHNN. Với chủ trương này, NHNN muốn từng bước chuyển dịch từ quan hệ vay và gửi ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ, tăng vị thế của VND, ổn định thị trường ngoại hối. Chính vì vậy, vào thời điểm này, nhiều khả năng, NHNN sẽ ngưng hẳn việc cho vay bằng ngoại tệ để mua nội tệ, đáp ứng nhu cầu SXKD vào ngày 31-3-2016.
Văn Khoa
Ngày 31- 3: Ngưng cho vay gói 30.000 tỷ đồng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn hỏa tốc số 1953/NHNN-TD gửi các ngân hàng thương mại (NH) yêu cầu dừng ký hợp đồng mới đối với chương trình cho vay mua nhà theo gói 30.000 tỷ đồng kể từ ngày 31-3. Như vậy, kể từ ngày 1-4, khách hàng mới sẽ không được ký kết hợp đồng vay tiền từ gói ưu đãi này. Tuy nhiên, các NH chỉ dừng ký hợp đồng tín dụng mới nhưng vẫn tiếp tục giải ngân các hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng trước đó. Theo cơ quan quản lý tiền tệ, đến nay số tiền cam kết cho vay của các NH đối với khách hàng đã vượt quá hạn mức của gói hỗ trợ. Tính đến ngày 10-3, các NH đã cam kết cho vay 30.122 tỷ đồng đối với 46.246 khách hàng, vượt hạn mức của gói 30.000 tỷ đồng. NHNN cũng yêu cầu các NH phải tập trung giải ngân các hợp đồng tín dụng đã ký theo đúng quy định Pháp luật. Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, các NH phải tiếp tục giải ngân số tiền cho vay với lãi suất ưu đãi 5% năm cho đến ngày 1-6-2016. Đối với những khách hàng đã ký hợp đồng vay nhưng giải ngân sau thời điểm trên, NHNN đang chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia lĩnh vực tài chính ngân hàng) nêu quan điểm, không thể để cho người dân, người đã vay tiền mua nhà từ gói 30.000 tỷ đồng phải chịu bất lợi, thiệt thòi. Trên thực tế, một khi người dân đã ký hợp đồng với NH thì họ tin rằng sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi và NH phải chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó. Đồng quan điểm, các chuyên gia đề nghị, những hợp đồng đã ký đến thời điểm này đều phải được giải ngân hết hợp đồng, nghĩa là những ai đã ký hợp đồng thì tiếp tục được hưởng lãi suất ưu đãi. Được biết hiện có tới 19 NH tham gia cho vay gói 30.000 tỷ đồng. Sau khi nhận được thông báo từ NHNN, các NH đã khẩn trương thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để khách hàng chủ động xử lý các nhu cầu vay vốn. V.K |