Báo Công An Đà Nẵng

Bát nháo “rọ lồng” bát quái

Thứ sáu, 29/11/2013 16:06

LỢI HẠI CỦA “RỌ LỒNG”

(Cadn.com.vn) - “Rọ lồng” (hay còn gọi lưới bóng lồng) là loại lưới bát quái có xuất xứ từ Trung Quốc. Đây không phải là loại lưới thông thường mà là những cái lồng hình chữ nhật, có cửa kiểu như hom giỏ (hom lờ) để các loài thủy sinh chui vào và không có đường ra. Ở các làng chài thuộc các xã Tam Phú (TP Tam Kỳ), Tam Tiến, Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Tam Anh Nam, Tam Giang... (H. Núi Thành, Quảng Nam) tồn tại hàng trăm hộ ngư dân hành nghề “rọ lồng” khắp các sông Trường Giang, Tam Kỳ, Bến Ván...

Cứ mỗi cái rọ dài chừng 5m và mỗi hộ ngư dân có đến hơn 100 “rọ lồng” nối với nhau thành hệ thống, giăng ra trải dài hàng cây số dọc hai bên bờ sông. Rọ nối rọ, theo đó khắp các lòng sông rạch, từ thượng nguồn đến hạ lưu đều bị “rọ lồng” vây chặt, từ con cá con tôm đến con cua, cá chình, lươn, lạch... đều không còn đường kiếm ăn và cứ thế lần lượt chui vào “rọ lồng”.

Cứ chiều chiều, trên những chiếc ghe lớn, ngư dân ung dung đi giăng “rọ lồng” và đến sáng lại thu hoạch với nhiều loại tôm, cua, cá đủ kích cỡ nào là cá cồi, cá rằn, cá sặc, cá hanh (có trọng lượng từ 0,5kg trở lên) đến những con tép, cá bống, cá móm mới mở mắt chưa bằng nửa đầu đũa con. Tận diệt các loài thủy sản từ lớn đến nhỏ, mỗi chủ “rọ lồng” thu tiền triệu hàng đêm mà chẳng tốn công sức gì nhiều...

“Rọ lồng” thu gọn.

  NGƯ DÂN KÊU TRỜI...

Ông Hồ Văn Cường, ngư dân xã Tam Xuân 1 (Núi Thành) than thở: “Khổ lắm! “Rọ lồng” này phần lưới bao quanh rất dày nên nó vơ vét được từng con tép, con cá chút xíu. “Rọ lồng” bắt sạch các loại cá tôm thì làm nghề lưới 3 lớp, rớ đáy truyền thống như chúng tôi biết lấy gì mà ăn!”.

Còn ngư dân Lê Minh Hải chuyên làm nghề lưới kéo khai thác cá móm trên sông Trường Giang (khu vực Tam Tiến, Tam Hải, Tam Hòa... H. Núi Thành)  lo lắng: “Mấy năm gần đây, lượng cá móm sụt giảm mạnh, có khi không đánh bắt được con nào. Nhiều loại cá, tôm trên sông cũng giảm hẳn. Đây là do “rọ lồng” hủy diệt. Bà con chúng tôi mong nhà nước có biện pháp ngăn chặn!”.

Quả vậy, cùng với nạn đánh bắt thủy sản bằng xung điện, hiện nay, với hàng ngàn “rọ lồng” bát quái có mắt lưới dày trải dài hàng trăm cây số dọc hai bên bờ các con sông lớn ở Tam Kỳ và Núi Thành vây chặt hàng đêm đã và đang hủy diệt tận gốc các loài thủy sản. Thực tế cho thấy gần đây một số loài thủy sản trên sông Trường Giang, Tam Kỳ giảm và có loại gần như mất hẳn như cá đối, cá móm, tôm đất, cua... mà theo bà con ngư dân xảy ra tình trạng trên là do “rọ lồng” tiêu diệt hết con giống.

Được biết những năm qua, ngành thủy sản Việt Nam đã có các văn bản quy định kích thước mắt lưới và kích thước giới hạn của từng loại thủy, hải sản được khai thác, nhất là các loài thủy hải sản quý đang ít dần.

Trong Chỉ thị số 6 – BTS/CT của Bộ Thủy sản (cũ) ban hành ngày 9-5-1984, ở mục a, điểm 4 nêu rõ: “Ở các sông và kênh rạch cần giảm bớt số lượng các miệng đáy, đăng và các nghề như te, xiệp, chắn dọn... Đặc biệt là 2 bên triền sông có độ sâu dưới 6m.

Đối với nghề lưới đáy quy định kích thước ở đụt lưới 2a = 15 – 16 mm (đối với đáy sông và cửa sông); 2a = 18 mm (đối với đáy biển hàng khơi)”. Như vậy, rõ ràng “rọ lồng” bát quái được giăng tràn lan trên sông hiện nay có kích thước mắt lưới quá nhỏ (bé hơn 15m) so với quy định. Vậy sử dụng “rọ lồng” chính là hành vi vi phạm những quy định của Nhà nước về khai thác thủy sản trên sông rạch.

Và kéo dãn ra... 5m.

Mới đây, trong Nghị định số 31/2010/NĐ-CP ngày 29-3-2010 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản của Chính phủ, ở điểm b, khoản 1, điều 12 nêu rõ: “Phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với hành vi sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định của Bộ NN&PTNT để khai thác thủy sản. Đồng thời tịch thu bộ phận lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, khoản 2 điều này”.

Qua đó cho thấy, việc ngư dân sử dụng bừa bãi và tràn lan “rọ lồng” bát quái có xuất xứ từ Trung Quốc trên các con sông rạch ở TP Tam Kỳ và H. Núi Thành hiện nay là hành vi vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản ven bờ. Tình trạng này đã từng ngày hủy diệt mầm sống của các loài thủy sản, gây bức xúc trong dư luận, nhất là những ngư dân làm nghề lưới truyền thống. Mong các ngành chức năng vào cuộc nhằm ngăn chặn tình trạng “rọ lồng” bát quái hoành hành trên sông.

Văn Phin